04/03/2008 - 23:09

Chuyển biến mới trong công tác xuất khẩu lao động ở TP Cần Thơ

Thà chậm mà chắc

Năm 2008, thành phố không giao chỉ tiêu vận động đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài (gọi tắt là đi xuất khẩu lao động (XKLĐ)) cho các quận, huyện mà đưa kết quả này vào chỉ tiêu giải quyết việc làm trong và ngoài nước. Việc không chạy theo chỉ tiêu số lượng trong công tác này còn nhằm vào một mục tiêu khác: nâng chất lượng lao động và bảo đảm quyền lợi của người đi XKLЅ

Đến đúng nhà, chọn đúng người

Ba năm trước, vừa tốt nghiệp THPT, Vũ Việt Cường, ở khu vực 2, phường Trà Nóc sau khi tham khảo nhiều thông tin tuyển dụng lao động đi XKLĐ đã nói với gia đình ý định đi làm việc ở Nhật Bản. Lúc đầu, khi Cường trình bày ý định, gia đình rất lo, nhưng tin tưởng vào suy nghĩ chín chắn của Cường nên cha mẹ dốc sức lo cho con các khoản chi phí gần 1.400 USD. Cường đến phường đăng ký và liên hệ với Trung tâm Giới thiệu việc làm (GTVL) TP Cần Thơ để làm các thủ tục cần thiết. Hơn 6 tháng, trải qua 3 lần phỏng vấn, Cường lên đường đi Nhật Bản. Cường làm công nhân chế tạo máy, lương bình quân 8 – 10 triệu đồng/tháng. Những tháng có làm thêm giờ thu nhập trên 25 triệu đồng/tháng. Các chế độ ăn, ở, sinh hoạt được công ty lo đầy đủ, chu tất, Cường nỗ lực làm việc, tiết kiệm chi tiêu, đều đặn gởi tiền về cho gia đình. Năm 2007, Cường hoàn thành hợp đồng về nước, tích lũy trên 300 triệu đồng. Hiện nay, Cường đang làm công nhân cho Công ty Sữa Vinamilk (KCN Trà Nóc) với mức lương trên 1 triệu đồng/tháng. Mẹ của Cường, bà Nguyễn Thị Miền, Chủ tịch Hội Phụ nữ phường Trà Nóc, quận Bình Thủy, cho biết: “Cường dự định làm thủ tục đăng ký sang Nhật Bản làm việc nữa”.

Tư vấn, hướng dẫn người lao động làm các thủ tục đi XKLĐ tại Trung tâm GTVL huyện Cờ Đỏ.  

Ở phường Trà Nóc còn có các trường hợp lao động đi Hàn Quốc đạt hiệu quả kinh tế khá cao, như trường hợp của Phạm Tấn Duyệt, ở khu vực 4 và Nguyễn Văn Út Em, ở khu vực 5... với mức lương bình quân 1.200 USD/tháng/người. Hầu hết lao động phổ thông trong phường Trà Nóc vào làm việc trong các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất tư nhân với thu nhập khá ổn định nên công tác vận động XKLĐ chỉ nhắm vào số lao động có trình độ học vấn, kinh tế gia đình khá, có nhu cầu đi làm việc ở các nước có việc làm ổn định, thu nhập cao. Ông Nguyễn Hùng Việt, Chủ tịch UBND phường Trà Nóc, cho biết: “Phường tập trung giới thiệu các điển hình lao động thu nhập hiệu quả để đẩy mạnh công tác vận động XKLĐ”. Năm 2008, phường tự đăng ký chỉ tiêu vận động 5 lao động và tập trung phấn đấu đưa vượt chỉ tiêu. Ban chỉ đạo (BCĐ) công tác từ phường đến các khu vực đều lồng ghép tuyên truyền vận động, giới thiệu về nhu cầu tuyển dụng lao động ở các thị trường trong các cuộc họp nhóm, tổ để người dân biết và đăng ký.

Ngay từ đầu năm 2008, các phường trong quận Bình Thủy đã tự đăng ký chỉ tiêu vận động XKLĐ trên cơ sở nhu cầu của lao động. Bà Nguyễn Thị Kim Thảo, Trưởng Phòng Nội vụ LĐ-TB&XH quận Bình Thủy, cho biết: “Quận không chú trọng việc giao hay không giao chỉ tiêu và luôn dốc sức cho công tác đạt hiệu quả. Quận lên kế hoạch chỉ đạo công tác chặt chẽ và trực tiếp làm việc với các phường để đôn đốc công tác này”. Quận tập trung vào số lao động có nhu cầu đi XKLĐ, chí thú làm ăn, có ý thức kỷ luật và trách nhiệm với công việc, lồng ghép giới thiệu các cá nhân đã đi XKLĐ đạt hiệu quả. Năm 2008, quận Bình Thủy phấn đấu đưa 40 người đi XKLĐ ở các thị trường có thu nhập cao như Hàn Quốc, Nhật Bản...

Ở Trung tâm GTVL huyện Cờ Đỏ, công tác tư vấn XKLĐ được tiến hành thường xuyên với lượng thông tin về các thị trường khá phong phú. Năm 2008, các xã, thị trấn tự đăng ký vận động 50 người đi XKLĐ và đang triển khai các đợt tư vấn theo cụm xã, thị trấn. Theo Trung tâm GTVL huyện Cờ Đỏ, sở dĩ các xã, thị trấn đăng ký số lượng lao động ít là do trình độ học vấn, tay nghề và điều kiện kinh tế của đa số lao động chỉ thích hợp với thị trường Malaysia, chưa đáp ứng được các thị trường khác. Hiện nay, các xã, thị trấn đang rà soát lao động đủ tiêu chuẩn để vận động và giới thiệu các điển hình lao động đi làm việc ở Hàn Quốc, thị trường có thu nhập cao.

Thêm nhiều giải pháp

Những tháng đầu năm 2008, công tác vận động XKLĐ chưa thật sự “nóng”. Các quận, huyện cùng thống nhất quan điểm “chậm mà chắc”: chỉ tư vấn và đưa những lao động thật sự có nhu cầu đi XKLĐ. Với chỉ tiêu tự đăng ký, các quận, huyện đang triển khai công tác tư vấn, giới thiệu thị trường và các điều kiện, tiêu chuẩn cũng như chi phí để lao động chọn thị trường phù hợp với khả năng, nguyện vọng của mình. Năm nay, các địa phương tập trung giới thiệu nhiều thị trường lao động mới cùng các ngành nghề phù hợp với điều kiện của lao động TP Cần Thơ. Riêng thị trường Malaysia, chỉ khi nào có được những đơn hàng việc làm, thu nhập ổn định mới tập trung đưa lao động đi.

Theo báo cáo của Sở LĐ-TB&XH TP Cần Thơ, từ đầu năm đến nay, thành phố có 34 lao động đi XKLĐ, 19 lao động chờ chuyến bay, hoàn tất 165 hồ sơ đăng ký đi lao động sang các nước: Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Malaysia... và gần 100 lao động đang tiến hành làm thủ tục đi XKLĐ.

Tại các buổi làm việc với ngành LĐ-TB&XH thành phố, ông Tô Minh Giới, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, khi bàn về công tác XKLĐ đều nêu rõ quan điểm: Thành phố có thể không hoàn thành chỉ tiêu XKLĐ nhưng không thể xem nhẹ quyền lợi của người đi XKLĐ. Còn theo bà Nguyễn Ngọc Sương, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP Cần Thơ: Không giao chỉ tiêu XKLĐ không có nghĩa là buông lơi công tác mà chỉ nhằm giảm áp lực về số lượng để tập trung tìm giải pháp nâng cao chất lượng lao động, ý thức chấp hành kỷ luật, pháp luật ở nước ngoài, đảm bảo tốt nhất quyền lợi của người lao động.

Xuất phát từ quan điểm trên, năm 2008, TP Cần Thơ phấn đấu đạt các chỉ tiêu về XKLĐ, như: đưa 400 lao động đi XKLĐ, 90% lao động có tay nghề đi XKLĐ, 90% lao động có thu nhập từ 5 triệu đồng trở lên, tỷ lệ lao động tự hủy hợp đồng dưới 10%... Ngoài các giải pháp thực hiện thường xuyên nhiều năm qua, như: Tăng cường nhận thức, thông tin quảng bá về hoạt động XKLĐ, mở rộng quan hệ đối tác và thị trường lao động, trợ giúp người lao động khó khăn, ngành LĐ-TB&XH thành phố tập trung thực hiện các giải pháp: Xây dựng và nâng cao chất lượng nguồn lao động; xây dựng đội ngũ nhân viên và cộng tác viên làm công tác vận động, tư vấn. Trong đó, thành phố xây dựng mới qui trình tuyển chọn lao động có đảm bảo của chính quyền địa phương về phẩm chất đạo đức, thái độ chấp hành chính sách pháp luật của gia đình người lao động. Trung tâm GTVL, Sở LĐ-TB&XH thành phố liên kết với các doanh nghiệp, Trường dạy nghề để đào tạo nguồn và đưa học viên tốt nghiệp đi XKLĐ. Đồng thời, vận dụng kinh phí của các Đề án đào tạo nghề để mở các lớp dạy nghề miễn phí cho người đi XKLĐ...

Với những hoạt động thiết thực, đổi mới cách tuyên truyền vận động, tập trung nâng chất lượng, khai thác thị trường lao động hiệu quả, quan tâm đến việc làm, thu nhập và bảo vệ quyền lợi người đi XKLĐ..., hứa hẹn mang lại kết quả khả quan cho công tác XKLĐ ở TP Cần Thơ từ năm 2008. Điều đó không chỉ góp phần nâng cao thu nhập, kinh tế cho từng gia đình, cá nhân mà còn mang về nguồn nhân lực chất lượng cao, góp phần xây dựng TP Cần Thơ ngày càng phát triển.

Bài, ảnh: ANH PHƯƠNG

Chia sẻ bài viết