21/01/2018 - 09:53

Tết ấm 

Truyện ngắn: Phan Duy

1. Chiếc xà lan cát ghé vào bến của Bảy Triệu khi gió ngoài sông bắt đầu liu riu. Mấy ngọn gió chướng có lẽ rủ rê từ những cánh đồng tôm sau vườn luồn lách rồi trổ ra phía bờ xáng dọc con sông Lung Vàm. Nó cứ thổi dìa đây như trêu ghẹo cái dự định to đùng của anh Bảy. Vài thanh niên theo trên xà lan vẫn hì hục dưới bến để sắp xếp chuyển vật liệu lên bờ. Quần quật miết với cơ cực nên chẳng ai có thời gian đâu mà để ý là gió nam hay là gió chướng. Đến lúc ngồi phì phà điếu thuốc nghỉ mệt, thấy xung quanh lành lạnh mới sực nhớ ra một mùa Tết nữa sắp về đến. Năm nào cũng vậy, vào độ này họ lại tranh thủ mần cho lẹ để còn về nhà với vợ con. Mấy gốc mai vàng trước sân của Bảy cũng giựt mình rụng lá. Thỉnh thoảng, một vài người quen lướt xe ngang nhà, tốp lại, hỏi: “Mần ăn gì mà trông quy mô quá anh Bảy?”. “À, tui cho sắp nhỏ lên đồ xây thêm ít hầm cá sấu nữa”. “Cha, điệu này chắc hầm lớn dữ lắm anh hen?”. Bảy Triệu thả ra một đám khói thuốc rồi gật đầu cười.

Miệt Lung Vàm rộ lên phong trào nuôi cá sấu cũng chừng vài năm đổ lại đây. Hồi trước, thấy chòm xóm rủ nhau đi xây hầm nuôi, vợ con cũng bàn cũng tính với anh nhiều lần về việc lên hầm để mua con giống thả cho kịp thời với người ta. Anh Bảy cứ chần chừ, tính tới tính lui, bàn ra bàn vô mà vẫn chưa dám. Rồi mấy vụ thu hoạch của bà con gần nhà thấy cũng đỡ quá nên anh cũng bắt ham trong bụng. Anh quyết định tới luôn. Hai lứa cá đầu, anh Bảy thu cũng bồn bộn. Nhấp thêm ngụm trà, anh nói vọng ra: “Mấy đứa mần cho kỹ lưỡng đàng hoàng nghe, nhưng cũng vừa vừa sức thôi. Tết nhứt tới nơi rồi, dưỡng cho ngon lành để Tết còn lại đằng này với anh lai rai”. “Anh Bảy yên trí đi, Tết thể nào tụi em cũng phải ghé một bữa”, có tiếng trả lời.

2. Chị Bảy đang sửa sang lại nhà cửa. Tết đã giáp bực sông rồi chứ còn xa xôi gì nữa đâu. Chị bực bội ông chồng không chịu làm hầm lúc thường ngày, đợi tới đầu Chạp mới nổi hứng khởi công. Cuối năm, mọi thứ bừa bộn đầy ra đó mà xây hầm nữa. Mà bây giờ có nói gì đi nữa thì anh Bảy cũng kêu đồ đạc lên hết rồi. Dân Lung Vàm ai cũng ngạc nhiên, trầm trồ việc nhà Bảy Triệu lên hầm cá quá bự, chắc năm nay ăn Tết lớn. Ngọn gió chướng đầu Chạp cứ se se thổi vào mé sông. Cái không khí nhộn nhịp bắt đầu rộn lên nghe nôn nao trong bụng. Chuyến xà lan này nữa là chuyến thứ ba, chị Bảy có vẻ lo lắng: “Ông tính làm hầm cỡ bao lớn, mà đổ đồ lên nhiều vậy?”. “Tui tính ra tới phía hậu đất nhà mình. Cho chồm qua mấy công đất mới sang từ Út Bảnh luôn. Mần ăn lớn mà bà”. “Trời đất! Ông tính vốn liếng kỹ chưa?”. Chị Bảy cũng thiệt hết biết cái tính hễ làm là làm cho lớn của anh Bảy.

Thanh niên Lung Vàm cũng ráng tranh thủ khoảng thời gian cuối năm kiếm thêm chút đỉnh để lo cho vợ con tươm tất trong mấy ngày Tết. Họ đến xin anh Bảy vô xây hầm. Hễ xà lan nào vừa ghé lại thì xuống bốc vác. Lớp nào vận chuyển thì vận chuyển, lớp nào xây quét thì xây quét. Việc làm hầm cá chuyến này của anh Bảy trông hì hợm quá, vậy mà ì ạch nhằm vô tháng Chạp mới bắt tay. Gấp gì như gấp Tết. Tết thì đã thò tay tới mấy gốc mai trước sân nhà anh mấy bữa trước rồi.

3. Trong nhà, một mình chị lo liệu. Anh thì suốt ngày ra vào coi đôn đốc. Tháng Chạp gửi đi một nửa cho sông Lung Vàm chảy. Nó có biết đợi biết chờ ai đâu. Chị Bảy giựt mình khi nghe anh bàn tính: “Mình còn nhiêu vàng, gom hết ra bán đi đưa tôi trả một ít cho bên vật liệu. Người ta biểu gửi trước hai phần đi. Tui bàn với anh Hai rồi, Tết ảnh về đưa tui mớ vốn đầu tư, mình làm từ từ trả lại”. Chị Bảy nghe mà giựt mình.

Bảy Triệu có người anh trai làm đâu tới Giám đốc xây dựng ở tuốt trên thành phố lận. Tết nào cũng về thăm bà con chòm xóm hết, thấy ai khổ ai cực đều cũng giúp hết huống chi anh em ruột trong nhà. Kế hoạch mần ăn lần này của Bảy Triệu là có sự dựa lưng từ lời hứa của anh Hai nên anh đâu có ngại ngần. Nghe chồng kêu bán vàng, chị Bảy giựt mình vậy thôi, chứ vẫn nghe anh răm rắp như hồi nào tới giờ. Nghe nói anh Hai giúp đỡ, chị thêm vững bụng, gom hết mớ vòng vàng dành dụm hai lứa cá đầu tới giờ bán đi rồi đưa cho anh.

Mấy đứa con của anh chị thì cũng có chồng có vợ và ra ở riêng hết rồi, chỉ còn thằng Út là vừa tốt nghiệp đại học, về quê chơi rồi nấn ná chưa chịu trở lên thành phố tìm việc. Lần nào hỏi tới, nó cũng bảo ráng qua Tết này mới đi, ở phố ngột ngạt, cho nó ở quê thêm chút nữa. Chị Bảy nghe mà đứt ruột, nên không hối nữa. Thằng Út vác ba lô dong tuốt về ngoại chơi hơn tháng nay rồi, đâu hay cái việc xây hầm cá sấu của ba má. Cận Tết, sẵn nó ở lại phụ ông bà ngoại mần luôn mấy chuyện vườn tược. Nó gọi điện báo cho chị hay tới hăm lăm mới về.

4. Gió chướng đã già thêm dăm bữa nữa. Chúng đưa từng luồng ráo riết lên hai bờ sông Lung Vàm. Đất trời coi bộ cũng bắt đầu lạnh thêm hơn. Mấy gốc mai của anh Bảy đã lún phún dần những nụ. Cả một công trình hầm cá sấu của anh còn đang dang dở, chắc không thể nào xong trong Tết được. Anh em xin nghỉ đặng mùng bốn vô làm sớm. Anh chấp thuận. Trả xong ít ngày công cho anh em thì vợ chồng Bảy Triệu cũng sạch láng. Chỉ còn nước chờ anh Hai ở trên thành phố về.

Thằng Út ở nhà ngoại đến hăm chín tháng Chạp mới chịu về. Nó thấy mặt mày của ba má nó xụi lơ, ngó xuống bực sông thấy toàn là cát với đá. Chưa biết chuyện gì, nó tính hỏi thì nghe chị Bảy cằn nhằn: “Cho ông mần ăn lớn hen. Hầm thì chưa xây xong. Anh Hai thì lại đang kẹt chi trả cuối năm cho công nhân, đến mùng Ba mới về. Tết này treo mỏ rồi đó”. “Tui đâu dè, nó ra cái sự như vầy”, mặt mày anh Bảy buồn xo. Thấy ai cũng ủ ê, thằng Út hạ giọng. “Thôi chuyện đã lỡ. Tết nhứt rồi mà ai cũng buồn so vầy hoài coi sao được. Tết bác Hai về thì ổn hết mà”. Anh chị đành nuốt bồ hòn nhìn nhau chứ còn biết tính đường nào nữa bây giờ. Thằng Út nói như an ủi: “Hôm qua, ngoại mới cho con vài triệu, vì Tết này ngoại trúng giá bưởi Năm Roi với quýt tiều, thương lái tới nhà cân, nên con mới ở lại phụ ngoại đến giờ. Nhiêu đây nhà mình nhín nhút chắc cũng đủ ăn Tết”.

Ngoài sân, mấy gốc mai bông đã vàng rực. Nghe thằng Út nói vậy, anh Bảy thở phào. Cơn gió chướng thổi vào nhà mát rượi. Từng cánh mai cứ chói chang trong làn nắng ấm cuối chiều. Anh Bảy thấy mình thiệt hên vì dù có tính toán gấp gáp và chủ quan, anh vẫn có cái Tết đầm ấm nhờ tình thân. 

Chia sẻ bài viết