23/09/2018 - 10:20

Tây Đô kiên cường cùng Nam bộ kháng chiến 

Trong lễ mừng Độc Lập tổ chức ở Sài Gòn ngày 2-9-1945, Bí thư Xứ ủy kiêm Chủ tịch Ủy ban Hành chính lâm thời Nam Bộ Trần Văn Giàu đã cảnh báo đồng bào: “Mừng thắng lợi (của Cách mạng Tháng Tám) nhưng đồng bào chớ say sưa vì thắng lợi. Không khéo lo, nước ta, dân ta có thể bị tròng lại vòng nô lệ”. Thật vậy, rạng sáng 23-9, quân Pháp nổ súng đánh chiếm nhiều cơ quan trọng yếu của chính quyền cách mạng ở Sài Gòn rồi tiến đánh các tỉnh Nam bộ. Ngày 29-10, quân Pháp tiến về Cần Thơ.

Học sinh Trường THPT Nguyễn Việt Dũng (phường Lê Bình, quận Cái Răng) tham quan Nhà truyền thống Công an Cần Thơ -  Khu di tích lịch sử Lê Bình.

90 ngày giam chân địch

Ngày 29-10, quân Pháp đi trên 10 tàu chiến, với chiếc thông báo hạm A.72 dẫn đầu tiến đến Cần Thơ. Lúc bấy giờ Cần Thơ là thị xã lớn nhất của miền Tây Nam bộ (TNB), có 30.000 dân, được gọi là Tây Đô. Rạng sáng 30-10, các tàu địch vào sông Cần Thơ, vừa chạy vừa bắn đạn pháo vào thị xã. Sau một hồi bắn phá, quân Pháp cho quân đổ bộ vào khu nhà mới xây (nay là Nhà khách T.82 Quân khu 9, đường Cách Mạng Tháng Tám). Ta lập trận địa Cầu Đôi – Cái Khế để chặn địch (nay là đoạn từ cầu Nhị Kiều, đường Hùng Vương, đến cầu Nguyễn Trãi, đường Nguyễn Trãi). Địch bắn dữ dội vào trận địa Cầu Đôi – Cái Khế. Cố Đại tá Trần Nhật Quang, nguyên Tham mưu phó Quân khu 9, kể trong quyển “Kỷ yếu TP Cần Thơ những ngày đầu kháng chiến chống Pháp” như sau: “Tại đây, ta có khoảng một trung đội (lúc đó gọi là phân đội) Cộng hòa vệ binh và nhiều chiến sĩ du kích, tự vệ có súng lửa. Trung đội Cộng hòa vệ binh được trang bị gần đủ súng trường Indochinois, phần nhiều là đạn “rờ - sạc”. Mỗi anh chỉ có khoảng 10 viên đạn “gin” của Tây đã cũ. Do đó đạn nổ chỉ phân nửa chứ không nổ hết. Trận đánh khoảng 30 phút. Dù ta đánh trả quyết liệt và rất dũng cảm nhưng trận đánh không cân sức. Lực lượng của ta phải rút theo rạch Cái Khế về rạch Ngỗng”.

Đến trưa, quân Pháp tiến vào cầu Tham Tướng (nay nằm trên đường 30-4, gần chợ Xuân Khánh, quận Ninh Kiều), thì gặp lực lượng của ta đã xây dựng trận địa phòng thủ ở đây. Địch đánh hơn một giờ vẫn không tiến lên được. Lúc bấy giờ, thông báo hạm A.72 của địch chạy đến bắn vào trận địa Tham Tướng, rồi đổ một cánh quân định đánh bọc hậu nhằm tiêu diệt quân ta. Trước thế địch quá mạnh, đồng chí Nguyễn Văn Hạnh, Chỉ huy Phân đội, ra lệnh cho đồng đội rút lui về hướng Cái Răng. Đồng chí Nguyễn Văn Hạnh chiến đấu đến viên đạn cuối cùng rồi đập gãy súng, anh dũng hy sinh. Lực lượng của ta theo đường lộ mới (nay là đường 30-4) phải rút về Cái Răng.

Một góc trận địa Cầu Đôi – Cái Khế năm xưa giờ là khu vực vòng xoay Công viên Hùng Vương (quận Ninh Kiều).

Quân ta rút về Bình Thủy, Cái Răng. Sáng 1-11, địch tiếp tục tấn công Bình Thủy, Cái Răng bằng đường thủy và đường bộ. Ở Bình Thủy, ta có lực lượng Cộng hòa vệ binh Cần Thơ và Trung đội Cộng hòa vệ binh Bạc Liêu chiến đấu rất dũng cảm. Tuy lực lượng quân ta yếu hơn nhưng đến chiều địch mới chiếm được Bình Thủy. Ở Cái Răng, bộ đội, du kích, thanh niên bắn trả, ném lựu đạn khi quân Pháp tràn qua cầu Cái Răng. Mặc dù vậy, ta vẫn không cản nổi địch. Chiều 1-11, địch chiếm Cái Răng rồi đóng quân khắp nơi. Bộ Chỉ huy của chúng đóng ở nhà việc làng Thường Thạnh (Cái Răng).

Từ ngày 30-10-1945 đến đầu tháng 1-1946, quân ta hình thành 2 mặt trận bao vây không cho địch bung ra tiến tới. Lực lượng vũ trang của ta sau khi rút ra ngoài lập mặt trận Bình Thủy do đồng chí Phan Trọng Tuệ chỉ huy; mặt trận Cái Răng do đồng chí Trần Văn Hoài, Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến tỉnh chỉ huy. Trong tháng 12, quân ta phục kích địch nhiều trận ở Ba Láng, Phó Thọ, Rạch Ngỗng, Hàng Bàng, Rạch Chuối, Trà Niền… Trong 3 tháng đó, chúng ta vừa đánh địch, vừa rút kinh nghiệm, vừa xây dựng lực lượng.

Tiếng súng Lê Bình và ngọn cờ kháng chiến của quân dân Tây Nam bộ

Một sáng cuối tháng 9, chúng tôi đến thăm Nhà truyền thống Công an Cần Thơ – Khu di tích lịch sử Lê Bình (phường Lê Bình, quận Cái Răng). Trung tá Phan Lê Tuấn, Đội trưởng Đội tổng kết lịch sử và quản lý khoa học Công an thành phố, cho biết: Nhà truyền thống được thành lập 2017, trên địa điểm nhà việc làng Thường Thạnh thời Pháp thuộc. Các kiến trúc bên trong đều được phục dựng như cũ. Chúng tôi thắp nén nhang cho liệt sĩ Lê Bình và các đồng đội. Lòng dạt dào xúc động! Chính ở nơi này, vào sáng 12-11-1945, 5 đồng chí thuộc lực lượng Quốc gia tự vệ cuộc là Lê Bình, Bùi Quang Trinh, Lê Nhựt Tảo, Cao Minh Lộc, Trần Chiên hóa trang thành những người lái heo đột nhập vào tiêu diệt nhiều tên địch, bắn trọng thương chỉ huy địch là Đại úy Rouen. Đồng chí Lê Bình, Trưởng Quốc gia tự vệ cuộc Cần Thơ, chỉ huy của nhóm cảm tử quân, đã nhanh chóng hạ lá cờ Pháp rồi treo cờ đỏ sao vàng lên. Lúc đó, một số quân Pháp còn sống bắn trả quyết liệt. Được tin đồn của Pháp ở Cái Răng bị tấn công, quân Pháp lập tức chi viện. Đồng chí Lê Bình và đồng đội đều anh dũng hy sinh. Trận này, ta tiêu diệt và bắn bị thương 44 tên địch. Đây là trận đánh tạo tiếng vang không chỉ ở trong tỉnh mà còn lan rộng ra toàn miền TNB và cả nước. 8 ngày sau, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Hội đồng Chính phủ truy tặng công danh 5 liệt sĩ hy sinh ở Cái Răng.

Tháng 1-1946, Đại úy Rouen về Pháp và có bài viết trên báo L’Humanité (Nhân Đạo) của Đảng Cộng sản Pháp, ca ngợi khí tiết các chiến sĩ cách mạng Việt Nam, đề cao cuộc kháng chiến của quân dân Cần Thơ, như sau: “… Với những khẩu súng tầm thường, họ xung phong dũng cảm, không sợ sệt, nao núng trước những loạt súng liên thanh của chúng tôi quét vào họ. Tôi thấy họ hùng dũng tiến lên, bắn nhanh về phía chúng tôi. Một thanh niên vượt qua khỏi làn đạn, hạ cờ tam sắc xuống, treo cờ đỏ sao vàng lên rồi ngã gục một cách dũng cảm phi thường. Tôi không sợ súng nhưng khiếp sợ tinh thần chiến đấu của họ… Lương tâm tôi thức tỉnh. Tôi thấy rõ chính nghĩa và tinh thần dũng cảm của một dân tộc mà trước đây tôi xem thường. Tôi sẽ vận động nhân dân Pháp cùng với tôi ủng hộ phong trào giải phóng của dân tộc Việt Nam sớm thành công” (Báo Nhân đạo, số ra ngày 10-1-1946).

Những ngày đầu kháng chiến chống Pháp, các tỉnh đều gởi lực lượng Cộng hòa vệ binh lên tăng cường cho mặt trận Cần Thơ. Trong đó, tỉnh Rạch Giá gởi 1 tiểu đội do Ngô Hồng Giỏi chỉ huy, tỉnh Sóc Trăng gởi 2 tiểu đội do Lê Văn Phát chỉ huy. Tỉnh Bạc Liêu gởi 1 phân đội do các ông giáo Sáu và tú tài Năm chỉ huy…  Các đơn vị đã phối hợp lực lượng ở Cần Thơ đánh cho địch nhiều trận khiếp đảm. Tiêu biểu như giữa tháng 12, phân đội Cộng hòa vệ binh Bạc Liêu phối hợp phân đội du kích mang tên liệt sĩ Lê Bình đánh tiêu diệt và quét hết địch đóng 2 bên rạch Bình Thủy. Địch đưa quân chi viện bao vây lực lượng ta, 12 chiến sĩ đã chiến đấu và hy sinh ở đây.

Vì bị lực lượng ta giam chân quanh thị xã nên địch cố bung sức ra đánh phá, càn quét phá vỡ thế bao vây. Nhiều trận chống càn của quân dân ta diễn ra rất quyết liệt, buộc địch phải co lại. Đến cuối tháng 12-1945, quân Pháp ở Cần Thơ được viện binh thêm 1 trung đoàn bộ binh thuộc địa, 1 phân đội thiết giáp, nhiều vũ khí trong đó có pháo 105 ly… mới phá vỡ được vòng vây của quân dân Cần Thơ, mở rộng chiếm đóng quận Châu Thành. Ngày 4-1-1946, từ Cần Thơ quân Pháp dùng tàu đổ quân chiếm Sóc Trăng. Ngày 9-1, hai cánh quân Pháp tiến đánh Long Xuyên. Ngày 29-1, Pháp đánh chiếm thị xã Bạc Liêu… Các lực lượng Quốc gia tự vệ cuộc, Cộng hòa vệ binh, du kích ở các tỉnh đều đánh địch rất dũng cảm nhưng không thể cản nổi bước tiến của chúng. Đến đầu tháng 2-1946, quân Pháp chiếm hầu hết các thị xã, thị trấn ở TNB.

Trong quyển “Lịch sử TNB Kháng chiến tập 1, giai đoạn 1945-1954” của Ban Biên soạn Lịch sử TNB kháng chiến, đã đánh giá về cuộc kháng chiến của quân dân Cần Thơ nói riêng và TNB nói chung như sau: “TNB đã góp phần đắc lực cùng cả nước làm giảm áp lực của quân đội Pháp trên  tất cả các mặt trận. Quân Pháp dù vượt trội nhiều mặt vẫn không thể thực hiện ý đồ tập trung lực lượng để giành thắng lợi quyết định... Qua những tháng kháng chiến đấu đầu tiên, Nam Bộ giúp quân dân cả nước rút ra những bài học rất quan trọng về điều chỉnh cách đánh, không đối diện với địch theo kiểu trận địa chiến, điều chỉnh cách tổ chức quân đội, phát động chiến tranh nhân dân… Và quan trọng hơn cả là bộ đội ta đã được huấn luyện một bước về chiến thuật, kỹ thuật, đã có một số ít kinh nghiệm về chỉ huy và tác chiến qua thực tế cuộc chiến đấu...”.

Bài, ảnh: Phạm Trung

Chia sẻ bài viết