02/07/2009 - 08:24

Tập trung thực hiện 7 nội dung quan trọng phát triển kinh tế - xã hội

Ngày 1-7, tại Hà Nội, Tổng cục Thống kê (TCTK) đã họp báo về tình hình kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm 2009 và dự báo tình hình cả năm 2009.

Theo TCTK, hiện nền kinh tế trong nước tăng trưởng vẫn còn ở mức thấp; các cân đối kinh tế vĩ mô chưa thật vững chắc; giá cả tuy tăng chậm nhưng vẫn đứng ở mức cao và chứa đựng nhiều yếu tố tái lạm phát; đời sống một bộ phận dân cư đang gặp khó khăn, nhất là những người mất việc làm, đồng bào vùng bị thiên tai.

Số liệu thống kê cho thấy: Nếu loại trừ vàng tái xuất của quí I, nhập siêu 6 tháng qua lên tới 4,6 tỉ USD do kim ngạch xuất khẩu giảm 18,6%; trong đó, kim ngạch xuất khẩu của 8 mặt hàng chủ yếu giảm tới 25% so với so với cùng kỳ 2008. Trong khi đó, do nhập khẩu giảm, giá dầu thô giảm và chính sách miễn giảm và kéo dài thời hạn nộp thuế nhằm tháo gỡ khó khăn đối với doanh nghiệp, thu ngân sách năm 2009 dự kiến chỉ đạt 390 ngàn tỉ đồng, giảm 10 ngàn tỉ đồng so với năm 2008. Thậm chí, theo nhận định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng như Bộ Tài chính, thu ngân sách nhà nước chỉ có thể đạt 330-360 ngàn tỉ đồng. Với cân đối thực tế, Quốc hội đã phải điều chỉnh mức bội chi ngân sách năm 2009 lên mức 7%. Đặc biệt, với chính sách nới lỏng tiền tệ, kích cầu xây dựng và tiêu dùng, tổng dư nợ tín dụng 6 tháng qua đã tăng 16-17%, vượt tốc độ tăng trưởng GDP dẫn tới nguy cơ tái lạm phát.

Để đạt được tăng trưởng GDP năm 2009 khoảng 5%, và kiềm chế lạm phát ở mức 7-8%, Chính phủ và các bộ, ngành cần tập trung thực hiện nghiêm 7 nội dung quan trọng là: Khẩn trương cơ cấu lại nền kinh tế, bao gồm cơ cấu các loại sản phẩm, cơ cấu ngành và cơ cấu vùng nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng và lợi thế cạnh tranh; giảm chi phí sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ; khắc phục những hạn chế, yếu kém, góp phần thực hiện mục tiêu ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế hợp lý trong ngắn hạn; đồng thời chuẩn bị tiền đề cho bước phát triển với tốc độ cao và bền vững khi kinh tế nước ta và kinh tế thế giới hồi phục.

Thực hiện các chính sách, biện pháp tài chính, tiền tệ linh hoạt; tăng cường công tác quản lý giá, nhất là giá các mặt hàng chiến lược, giá cây, con giống, giá thức ăn gia súc để tạo sự ổn định sản xuất kinh doanh cho các cơ sở sản xuất và các hộ nông dân; tập trung chỉ đạo quyết liệt để các cơ sở sản xuất kinh doanh, đặc biệt là các tập đoàn kinh tế, các tổng công ty lớn và các địa phương thực hiện nghiêm các chỉ tiêu kế hoạch năm 2009 đã cam kết.

Triển khai nhanh, đúng mục đích, đúng đối tượng các gói kích cầu đầu tư và tiêu dùng của Chính phủ; tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các doanh nghiệp có thị trường xuất khẩu, các làng nghề; đề ra các chính sách, giải pháp đủ mạnh nhằm tăng cường huy động các nguồn vốn khác để phát triển sản xuất kinh doanh, đặc biệt là huy động nguồn vốn dân doanh và vốn nước ngoài đầu tư vào nông nghiệp và nông thôn.

Tập trung nỗ lực khai thác và phát triển thị trường trong nước, đặc biệt là thị trường nông thôn; tăng cường các biện pháp nhằm tiêu thụ hàng hóa nông sản, thủy hải sản cho nông dân; đồng thời nhanh chóng hình thành hệ thống thương mại cung cấp hàng hóa, dịch vụ thông suốt, kịp thời và ổn định phục vụ sản xuất và tiêu dùng của khu vực nông thôn, nông nghiệp và nông dân.

Tiếp tục thực hiện chính sách, giải pháp bảo đảm an sinh xã hội bền vững.

Cần có biện pháp kiên quyết, đủ mạnh và hiệu quả trong việc khắc phục và phòng chống ô nhiễm môi trường; phòng chống dịch bệnh cho người, cây trồng và vật nuôi; nâng cao tính chủ động, tính cộng đồng và tính hiệu quả trong quá trình triển khai công tác này.

Tăng cường chỉ đạo, đôn đốc, tập trung tháo gỡ vướng mắc để đưa các chương trình, chính sách và giải pháp đã đề ra nhanh chóng đi vào cuộc sống và có hiệu quả cao; thường xuyên giám sát việc triển khai các nguồn vốn nói chung và các gói kích cầu đầu tư, kích cầu tiêu dùng nói riêng nhằm đưa các nguồn vốn đến đúng đối tượng, đúng mục đích, phát huy được hiệu quả huy động và sử dụng các nguồn lực lao động, tài nguyên, khoáng sản, đất đai và các nguồn lực khác của từng ngành, vùng miền và địa phương cũng như trên phạm vi cả nước.

NGUYỄN KIM ANH (TTXVN)

Chia sẻ bài viết