08/07/2008 - 21:16

Giải quyết việc làm 6 tháng đầu năm

Tập trung nâng cao chất lượng lao động

Theo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) TP Cần Thơ, 6 tháng đầu năm 2008, công tác giải quyết việc làm (GQVL) trên địa bàn thành phố đạt hiệu quả cao. Nhiều hoạt động dạy nghề, cho vay vốn, giới thiệu việc làm trong và ngoài nước… đã được các quận, huyện triển khai thực hiện đồng bộ, giúp nhiều lao động có việc làm, tăng nguồn thu nhập…

Đa dạng hoạt động

Thành lập từ tháng 9-2007 đến nay, Câu lạc bộ (CLB) may giỏ ở khu vực Phú Mỹ, phường Thường Thạnh, quận Cái Răng thu hút trên 50 lao động. Ngoài công việc vườn tược, buôn bán, các thành viên tranh thủ thời gian nhàn rỗi nhận may giỏ để tăng thu nhập, bình quân 35.000 đồng/ngày/người. Bà Đường Thị Hồng Cúc, Chủ nhiệm CLB, cho biết: “Thời gian qua, nghề may giỏ đã giúp tôi có thêm nguồn thu nhập đáng kể. Những lúc rảnh rỗi, con gái tôi còn phụ may tiếp để trang trải học phí”.

Hiện nay, phường Thường Thạnh duy trì thường xuyên các mô hình sản xuất hiệu quả, tạo việc làm tại chỗ cho gần 400 lao động như: dệt chiếu, may giỏ xách, đan thảm lục bình... Theo bà Bùi Thị Thu Cúc, Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ phường Thường Thạnh: “Các mô hình trên đã giúp một bộ phận lao động nữ ở phường có việc làm, ổn định thu nhập, phát triển kinh tế gia đình”. Từ đầu năm đến nay, toàn phường có 350 lao động được giới thiệu việc làm (GTVL) đến các doanh nghiệp, 834 lao động tạo việc làm tại gia đình nhờ vay 6,3 tỉ đồng vốn từ Ngân hàng Chính sách - Xã hội.

Bà Nguyễn Ánh Lê, Phó Phòng LĐ-TB&XH quận Cái Răng, cho biết: Các phường đều xem GQVL là một trong những chỉ tiêu quan trọng, góp phần phát triển kinh tế – xã hội, nên tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người lao động có việc làm, tăng thu nhập. Đến nay, toàn quận Cái Răng có 1.935 lao động có việc làm, đạt trên 50% kế hoạch năm.

Trong ảnh: Người lao động tham khảo thông tin, đăng ký việc làm tại Ngày Hội việc làm Thanh niên năm 2008. 

Ở các Trung tâm GTVL, hoạt động tư vấn việc làm được duy trì thường xuyên và đạt hiệu quả khả quan. Các Trung tâm kết hợp với các doanh nghiệp trong và ngoài thành phố tiếp nhận các hợp đồng tuyển dụng lao động đủ các trình độ, chức danh. Không chỉ GTVL cho lao động, các Trung tâm còn tư vấn giúp các doanh nghiệp cải cách tiền lương, các chế độ đãi ngộ để thu hút lao động. Từ đầu năm đến nay, Trung tâm GTVL Thanh niên TP Cần Thơ đã GTVL cho trên 2.400 lao động, đa số có trình độ đại học, trung cấp các ngành. Ông Nguyễn Quốc Vững, Giám đốc Trung tâm GTVL Thanh niên TP Cần Thơ, cho biết: “Hiện nay, người lao động có rất nhiều cơ hội việc làm với thu nhập khá ổn định. Với vai trò “cầu nối” giữa nhà tuyển dụng với doanh nghiệp có nhiều năm kinh nghiệm, Trung tâm đã tiếp nhận nhiều hợp đồng ủy thác cũng như cung ứng lao động và cố gắng đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu tuyển dụng ở mọi vị trí, chức danh của doanh nghiệp”. Bạn Võ Kim Thơ, ở quận Ninh Kiều, tốt nghiệp Trung cấp Kế toán, đang làm quản lý một cửa hàng kinh doanh ở TP Hồ Chí Minh, cho biết: “Tôi đã quen việc, cảm thấy rất thoải mái trong việc làm, sinh hoạt. Mức thu nhập bình quân hiện nay trên 2 triệu đồng/tháng”.

Ngoài ra, trong 6 tháng đầu năm 2008, ở TP Cần Thơ đã diễn ra nhiều hoạt động, như: Ngày Hội việc làm Thanh niên, Điểm giao dịch việc làm, khởi động website “Người tìm việc, việc tìm người”, Hội thảo Tư vấn, tuyển dụng lao động đi làm việc ở nước ngoài, Ký kết hợp đồng dạy nghề và cung ứng lao động với các doanh nghiệp... Đặc biệt, Hội nghị sơ kết công tác dạy nghề TP Cần Thơ giai đoạn 2004-2007 của TP Cần Thơ và Hội nghị Dạy nghề đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp (do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức trực tuyến), diễn ra vào tháng 4 và tháng 5 – 2008, đã thảo luận và đề xuất nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác dạy nghề, GQVL.

Quan tâm chất lượng lao động

Theo Sở LĐ-TB&XH TP Cần Thơ, 6 tháng đầu năm nay, thành phố tập trung thực hiện đồng loạt các hoạt động: Dạy nghề cho 14.000 lao động, giải ngân 169 dự án với trên 4,9 tỉ đồng vốn Quỹ cho vay GQVL, trên 15.000 lao động có việc làm trong và ngoài nước... Kết quả trên thể hiện sự nỗ lực, tập trung mọi điều kiện cho công tác GQVL ở các địa phương. Thế nhưng, đó chỉ là kết quả tổng hợp từ báo cáo của các địa phương, chưa thể hiện thực tế cung cầu lao động cũng như chất lượng lao động.

Nhiều lao động có việc làm, giảm tỷ lệ lao động thất nghiệp, hộ nghèo, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động là một tín hiệu đáng phấn khởi. Tuy nhiên, theo xu thế phát triển chung, việc làm phải đặt trên nền tảng chất lượng lao động, không chạy theo số lượng như trước. Thực tế cho thấy, doanh nghiệp tuyển dụng và sử dụng lao động ngày càng “tinh” hơn: Trình độ chuyên môn, tay nghề phải song song với sự năng động, kỷ luật, tác phong chuyên nghiệp, sự cầu tiến, gắn bó và đồng hành, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp.

Theo các Trung tâm GTVL ở thành phố, hiện nay, ngày càng có nhiều người lao động tự tin mạnh dạn tiếp cận doanh nghiệp để tìm việc làm, có điều kiện chọn lựa việc làm theo nguyện vọng. Người lao động đã chuyên nghiệp hơn, chủ động tích lũy kiến thức, chuẩn bị hồ sơ, tư thế phỏng vấn và mạnh dạn tìm hiểu, thỏa thuận với doanh nghiệp về các chế độ, chính sách ưu đãi.

Ông Nguyễn Quốc Vững, Giám đốc Trung tâm GTVL Thanh niên TP Cần Thơ, cho biết: “Bên cạnh những ưu điểm cần phát huy, người lao động bộc lộ nhiều hạn chế về khả năng vận dụng kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, kiến thức xã hội vào thực tế công việc. Nhiều trường hợp người lao động có đầy đủ văn bằng nhưng lại thiếu nhiệt tình cống hiến, ý tưởng hợp tác... Đó là những tố chất mà lúc nào nhà tuyển dụng cũng quan tâm và đánh giá cao ở người lao động”. Một tiêu chuẩn người lao động cần trang bị là trình độ ngoại ngữ, vi tính. Trong thực tế, thời gian qua, có rất nhiều lao động không được tuyển dụng do hạn chế về ngoại ngữ.

Một khó khăn nữa là việc tuyển dụng lao động phổ thông (LĐPT) và chất lượng của đội ngũ này. Nhu cầu tuyển LĐPT của các doanh nghiệp rất lớn, nhưng các đơn vị chỉ đáp ứng được 10%. Theo đánh giá của các doanh nghiệp và đơn vị tuyển dụng, lực lượng LĐPT thường xuyên biến động và khó quản lý, mặc dù các doanh nghiệp đã quan tâm thực hiện các chế độ ưu đãi về tiền lương, phụ cấp, phúc lợi xã hội... nhưng vẫn chưa thỏa mãn những yêu cầu, đòi hỏi của LĐPT. Trong khi lực lượng này vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế về trình độ học vấn, tay nghề, tác phong công nghiệp, ý thức chấp hành kỷ luật... Theo ông Nguyễn An Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm DVVL LĐLĐ TP Cần Thơ, để góp phần giải quyết vấn đề tuyển dụng và chất lượng LĐPT là doanh nghiệp cần quan tâm thực hiện đầy đủ các chính sách chế độ ưu đãi về tiền lương, phụ cấp theo luật định, tạo môi trường làm việc thoải mái, giúp người lao động an tâm làm việc, phát huy tay nghề, sở trường. Đồng thời, nhà trường, gia đình và các tổ chức đoàn thể có trách nhiệm giáo dục làm chuyển đổi nhận thức về lao động, việc làm của người lao động.

Để đạt kế hoạch GQVL trong năm 2008 cho trên 43.000 lao động, giảm tỷ lệ lao động thất nghiệp, thiếu việc làm; giảm từ 1% -2% tỷ lệ hộ nghèo, đào tạo nguồn lao động kỹ thuật cao, TP Cần Thơ tập trung đẩy mạnh các hoạt động GQVL theo hướng nâng cao chất lượng nguồn lao động, vừa đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và xã hội,vừa giúp người lao động có việc làm bền vững, lâu dài.

Bài, ảnh: ANH PHƯƠNG

Chia sẻ bài viết