06/03/2023 - 08:04

Ông Trần Thanh Bình, Giám đốc Sở Giáo dục và Ðào tạo TP Cần Thơ:

Tập trung mọi nguồn lực cho đổi mới 

B.NGỌC (Thực hiện)

Thời gian qua, ngành Giáo dục và Ðào tạo (GD&ÐT) TP Cần Thơ đã đạt được nhiều thành tựu, song vẫn còn gặp khó khăn về nguồn lực, nhất là đội ngũ. Ðiều này đòi hỏi nhiều giải pháp và nỗ lực để đáp ứng yêu cầu đổi mới. Ông Trần Thanh Bình, Giám đốc Sở GD&ÐT TP Cần Thơ, dành cho Báo Cần Thơ cuộc trao đổi xoay quanh vấn đề này.

Xin ông cho biết ngành GD&ÐT thành phố thời gian qua đạt được thành tựu gì ấn tượng nhất?

- Thực hiện chủ trương của Ðảng, Nhà nước về phát triển GD&ÐT, nhất là Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng, đến nay lĩnh vực GD&ÐT của thành phố đạt được những thành tựu quan trọng như mạng lưới trường lớp từ mầm non đến đại học được sắp xếp phù hợp với yêu cầu và phát triển cả về quy mô, ngành nghề, đa dạng về loại hình giáo dục, đào tạo; đầu tư ngân sách nhà nước và huy động các nguồn lực xã hội cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo ngày càng tăng. Cơ sở vật chất, thiết bị dạy học từng bước được đầu tư hoàn chỉnh đạt chuẩn, tiên tiến. Công tác bồi dưỡng, đào tạo chuẩn hóa đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý các cấp học, bậc học đạt cơ bản đáp ứng yêu cầu. Việc phổ cập giáo dục ở các cấp học đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần quan trọng trong đào tạo nguồn nhân lực của thành phố và vùng ÐBSCL.  

HÐND thành phố đã ban hành nhiều nghị quyết về cơ chế, chính sách để thúc đẩy sự phát triển của giáo dục thành phố. Ðó là Nghị quyết số 23/2014/NQ-HÐND về quy hoạch phát triển giáo dục và đào tạo thành phố Cần Thơ đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Nghị quyết số 12/NQ-HÐND về việc điều chỉnh bổ sung Quy hoạch phát triển giáo dục và đào tạo thành phố Cần Thơ đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Nghị quyết số 11/NQ-HÐND về mức chi cho giáo viên mầm non; Nghị quyết số 12/NQ-HÐND về mức chi cho công tác phổ cập giáo dục; Nghị quyết số 09/2021/NQ-HÐND về việc không thu học phí học kỳ II năm học 2021-2022... Từ đó, công tác xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục của thành phố có bước chuyển biến tích cực; nhất là đào tạo, bồi dưỡng chuẩn hóa, nâng cao trình độ cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên. Hằng năm, Sở GD&ÐT thành phố đều triển khai kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức trong toàn ngành. Ðội ngũ nhà giáo có ý thức chính trị, phẩm chất đạo đức nghề nghiệp tốt; hầu hết đều tận tụy với nghề, cần cù chịu khó, có tinh thần trách nhiệm cao, sáng tạo và tự bồi dưỡng nâng cao năng lực để đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 (CTGDPT mới).

Thưa ông, ở từng cấp học đã đạt được những bước tiến như thế nào?

- Về chất lượng GD&ÐT đối với các cấp học, bậc học tại địa phương, ngành triển khai thành công Kế hoạch Trường Ðiển hình đổi mới từ năm 2017 đến 2020, làm nền tảng và tiền đề cho việc triển khai thực hiện CTGDPT mới. Ðối với giáo dục mầm non, Bộ GD&ÐT công nhận TP Cần Thơ đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi vào năm 2014 (theo Quyết định số 01/QÐ-BGDÐT ngày 5-1-2015).

Với giáo dục tiểu học, ngành triển khai vận dụng hiệu quả những yếu tố tích cực của các mô hình, phương thức giáo dục tiên tiến nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả; góp phần phát huy tính tích cực, chủ động học tập của học sinh; chất lượng giáo dục luôn ổn định, phát triển. Tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình lớp học và hoàn thành chương trình tiểu học luôn đạt trên 99%. Chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý tiểu học cơ bản đã đáp ứng yêu cầu thực hiện đổi mới chương trình giáo dục tiểu học.

Chất lượng giáo dục trung học được củng cố duy trì và phát triển theo từng năm học, ngày càng có nhiều học sinh đạt thành tích xuất sắc trong học tập, rèn luyện. Chất lượng bồi dưỡng học sinh giỏi và phong trào mũi nhọn được duy trì và củng cố qua các kỳ thi, cuộc thi. Hai năm liên tục có học sinh đoạt giải tại Kỳ thi Olympic Sinh học quốc tế.

Thành phố đã huy động nhiều nguồn lực của xã hội cho phát triển GD&ÐT. Ðến nay, hệ thống giáo dục của thành phố tương đối hoàn chỉnh từ giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục đại học, đáp ứng yêu cầu cơ bản học tập của nhân dân trên địa bàn thành phố cũng như khu vực ÐBSCL.

Cơ sở vật chất, trường lớp khang trang, hiện đại góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Trong ảnh: Một góc Trường Tiểu học Trần Quốc Toản, quận Ninh Kiều. 

Công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia được chú trọng, từng bước giải quyết vấn đề nâng tỷ lệ học 2 buổi/ngày đối với tiểu học và nâng tỷ lệ bán trú với mầm non; giải quyết vấn đề giảm tải trên lớp học cho các cấp học phổ thông để đảm bảo yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục. Tổng số trường đạt chuẩn quốc gia tính lũy kế (tính đến 1-3-2023) là 342/447 trường (không kể Trường Dạy trẻ khuyết tật và Trường phổ thông Năng khiếu Thể dục thể thao), đạt 76,51%; tăng trên 260 trường so với năm học 2011-2012. 

Ngành đã tiếp tục bổ sung thiết bị dạy học, đồ chơi trẻ em và khuyến khích phong trào tự làm các thiết bị dạy học, đồ dùng dạy học trong các trường học. Ðầu tư xây dựng thêm phòng học, xây dựng bếp ăn cho các trường mầm non, tiểu học kết hợp với các biện pháp xã hội hóa nhằm nâng cao chất lượng bữa ăn trưa cho học sinh để thực hiện đồng thời 2 mục tiêu chống suy dinh dưỡng và chống lưu ban, bỏ học. Cơ sở vật chất trường lớp được xây dựng theo hướng hiện đại và theo quy định của trường học đạt chuẩn quốc gia. Các trường học đã có nhiều nỗ lực xây dựng môi trường sư phạm sáng - xanh - sạch - đẹp. 

Khó khăn của ngành hiện nay là gì, thưa ông?

- Hiện nay, ngành GD&ÐT thành phố đang đối mặt với những khó khăn nhất định. Số lượng giáo viên vẫn còn thiếu cục bộ ở các cấp học, bậc học - nhất là bậc học mầm non; giáo viên môn Âm nhạc, Mỹ thuật, Tin học...; tỷ lệ giáo viên/lớp chưa đảm bảo theo định mức quy định; chất lượng đội ngũ giáo viên chưa đồng đều giữa các địa phương.

Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này bắt nguồn từ việc gia tăng số lớp, số học sinh; do thiếu nguồn tuyển giáo viên đạt chuẩn đào tạo theo quy định của Luật Giáo dục 2019 đối với các môn Âm nhạc, Mỹ thuật cấp THPT và môn Tin học cấp tiểu học; thu nhập của giáo viên công lập hiện tại còn thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu cuộc sống; hoặc chuyển về địa phương khác đoàn tụ gia đình; hoặc thay đổi định hướng nghề nghiệp.

Xin ông cho biết giải pháp của ngành về việc thiếu hụt đội ngũ giáo viên?

-  Giải pháp của ngành là rà soát những bất cập về chế độ, chính sách đối với đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý để đề xuất, kiến nghị các cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Nghiên cứu, tham mưu, xây dựng và ban hành các chính sách thu hút và hỗ trợ đặc thù của địa phương cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Thực hiện tốt chế độ chính sách đối với giáo viên, nhất là chính sách tiền lương, tạo tiền đề cho đội ngũ giáo viên yên tâm công tác, cống hiến cho ngành. Tiếp tục đầu tư kinh phí, trang bị các phương tiện, điều kiện làm việc cho đội ngũ nhà giáo theo hướng hiện đại hóa đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên; đào tạo văn bằng thứ hai, đào tạo liên thông hoặc bồi dưỡng chuyển đổi môn học để bổ sung giáo viên cho những môn còn thiếu, những môn đặc thù; gắn việc thực hiện trách nhiệm của giáo viên với quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng giáo viên để động viên, khích lệ giáo viên hoàn thành tốt nhiệm vụ.

►Xin cảm ơn ông!l    

Chia sẻ bài viết