30/07/2013 - 21:37

Tập trung hoàn thiện hệ thống hạ tầng sản xuất lúa gạo ở ĐBSCL

     Lò sấy lúa tĩnh vỉ ngang tự động quy mô nhất ĐBSCL (công suất 100 tấn/mẻ) do DNTN Năm Nhã (TP Long Xuyên, tỉnh An Giang) sáng chế vừa đưa vào hoạt động vào cuối tháng 6-2013. 

Với định hướng hình thành vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung, quy mô lớn phục vụ xuất khẩu, những năm qua, các tỉnh, thành ĐBSCL đã đầu tư cơ sở hạ tầng từ khâu sản xuất, thu hoạch, đến bảo quản, tiêu thụ lúa. Tuy nhiên, theo nhận định từ các địa phương, hạ tầng phục vụ sản xuất lúa gạo vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển và tồn tại nhiều bất cập. Để khắc phục tình trạng này, bên cạnh nỗ lực từ phía địa phương, Chính phủ cần đề ra các chính sách dài hạn, đặc thù cho nông nghiệp vùng.

Quan tâm đầu tư

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), qua hơn 2 năm thực hiện, Quyết định số 63/2010/QĐ-TTg và Quyết định số 65/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông, thủy sản đã tạo bước tăng trưởng nhanh về cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp, nhất là lĩnh vực canh tác, thu hoạch lúa. Riêng ĐBSCL, hiện đã có 10.000 máy gặt đập liên hợp, đảm bảo thu hoạch khoảng 60% diện tích lúa toàn vùng. Nhờ đó, tổn thất ở khâu gặt giảm từ 5-6% xuống còn 2%. Chi phí thuê máy gặt chỉ ở mức 2,1-2,5 triệu đồng/ha, giảm 0,5-0,9 triệu đồng/ha so với gặt tay. Ngoài ra, để giành thế chủ động trong chiến lược kinh doanh, xuất khẩu gạo, các bộ ngành Trung ương đầu tư hệ thống kho tồn trữ và bảo quản sau thu hoạch. Hiện tại, tích lượng kho chứa lúa gạo của ĐBSCL khoảng 5,38 triệu tấn. Từ nay đến cuối năm, các tỉnh, thành vùng ĐBSCL tiếp tục đầu tư xây mới các kho chứa lúa gạo khoảng 980.000 tấn, nâng tổng tích lượng kho chứa lúa gạo toàn vùng lên 6,36 triệu tấn (kho chứa gạo 4,77 triệu tấn và kho chứa lúa là 1,59 triệu tấn).

Những chủ trương, chính sách kịp thời từ phía Chính phủ, các bộ ngành Trung ương mang tính "mở đường" cho các địa phương ĐBSCL. Điển hình như ở TP Cần Thơ, nhờ uyển chuyển, linh hoạt thực hiện các chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản và thủy sản, đến nay, toàn thành phố có khoảng 566 máy gặt đập liên hợp, đảm bảo thu hoạch cơ giới trên 71% diện tích; tổng số lò sấy là 1.255 lò, đáp ứng sấy trên 70,47% sản lượng lúa hè thu năm 2013. Ở tỉnh An Giang, nhằm ứng phó với những thay đổi của thời tiết, chủ động tưới tiêu và hạ giá thành sản xuất, An Giang là tỉnh đi đầu trong đầu tư thay thế dần trạm bơm dầu bằng hệ thống trạm bơm điện. Sau gần 5 năm thực hiện Đề án "Phát triển hệ thống trạm bơm điện tỉnh An Giang giai đoạn 2008-2012", tỉnh đã kéo mới, cải tạo hơn 358km đường dây điện 3 pha, lắp đặt 936 trạm biến áp với công suất 85.900KVA, phục vụ tưới tiêu cho khoảng 137.000ha đất sản xuất nông nghiệp (đạt 70% diện tích)…

Từng bước khép kín hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất, những năm qua, chiến dịch giao thông thủy lợi mùa khô triển khai đồng bộ khắp các tỉnh, thành vùng ĐBSCL. Ông Phạm Văn Quỳnh, Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, đánh giá: "Đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi đã góp phần đảm bảo sản xuất nông nghiệp theo định hướng quy hoạch, đem lại hiệu quả trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi; phát triển mô hình sản xuất tiên tiến... TP Cần Thơ đã tiến hành thủy lợi nội đồng và xây dựng vùng thủy lợi cơ bản khép kín trên 87.000 ha, đáp ứng gần 100% diện tích đất canh tác lúa. Riêng năm 2013, thành phố đã đào đắp 370.160 m3; kinh phí thực hiện khoảng 5,13 tỉ đồng, do nhân dân đóng góp để tiếp tục hoàn thiện hệ thống thủy lợi". Các địa phương khác như: An Giang, Cà Mau, Bạc Liêu… triển khai chiến dịch gắn liền với hoàn thành tiêu chí giao thông, thủy lợi trong xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là vùng nguyên liệu lúa tại các "Cánh đồng lớn"…

Hướng đến mục tiêu đồng bộ

Hằng năm các tỉnh, thành đều dành kinh phí, vận động nhân dân đóng góp đầu tư hoàn thiện hệ thống thủy lợi. Tuy nhiên, do nguồn vốn "chẳng thấm vào đâu", nhiều công trình và hệ thống thủy lợi chưa được xây dựng đồng bộ, chưa đủ năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, xâm nhập mặn. Ông Trần Công Chánh, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, cho biết: "Hệ thống tưới tiêu, thủy lợi của tỉnh chưa được đầu tư đồng bộ, cản trở bơm tưới tập trung. Đó là chưa kể hệ thống thủy lợi phục vụ chuyển đổi sản xuất, giải quyết yêu cầu đa mục tiêu còn nhiều bất cập, là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến giá thành sản xuất lúa ở Hậu Giang cao hơn các địa phương khác…".

Giảm tổn thất sau thu hoạch là khâu then chốt nâng cao giá trị hạt gạo, tăng sức cạnh tranh trên thị trường, đảm bảo đời sống của người trồng lúa. Tuy nhiên, theo số liệu thống kê của Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch vẫn ở mức cao. Thất thoát lúa trong công đoạn thu hoạch và sau thu hoạch hiện nay gần 3,2 triệu tấn lúa, tương đương 760 triệu USD. Riêng tổn thất ở khâu sấy làm hao hụt khoảng 970.000 tấn, tương đương 233 triệu USD. Công đoạn sấy lúa có mối liên hệ và ảnh hưởng rất lớn đến các khâu sau thu hoạch khác như: bảo quản, xay xát, chế biến... nhưng mức độ cơ giới hóa trong sấy lúa ở ĐBSCL chỉ đạt 39%.

Ông Huỳnh Thế Năng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, nhấn mạnh: "Chính phủ đã đề ra khung chính sách rất hay, rất sát với điều kiện đặc thù của vùng. Thế nhưng, khi vận dụng vào thực tế, chẳng hạn, xây dựng kho nhất thiết phải đầu tư hệ thống sấy, nhưng chúng ta lại không tuân thủ quy định này. Đó là chưa kể, ở ĐBSCL chủ yếu là kho chứa gạo, chỉ có hơn 1 triệu tấn kho chứa lúa…". Một số địa phương phản ánh, tiến độ đầu tư nạo vét không kịp tiến độ bồi lắng của hệ thống kênh; trong khi hệ thống kênh cấp 3 và nội đồng chưa hoàn thiện, chưa đồng bộ với hệ thống cấp 1, cấp 2; chuyện tranh chấp lấy nước mặn nuôi tôm và lấy nước ngọt trồng lúa (Cà Mau) liên tục xảy ra; chế độ xả lũ ở các đập vẫn chưa có cơ chế điều hành cấp vùng… tiếp tục gây cản trở, làm tăng chi phí đầu tư của nông dân vùng ĐBSCL.

Cần chiến lược dài hơi

Trước những bất cập trong việc phát triển hệ thống thủy lợi tại ĐBSCL, đặc biệt là trong bối cảnh biến đổi khí hậu và nước biển dâng, ngày 25-9-2012, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 1397/QĐ-TTg phê duyệt "Quy hoạch thủy lợi ĐBSCL giai đoạn 2012 - 2020 và định hướng đến năm 2050 trong điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng". Với tổng kinh phí đầu tư 171.700 tỉ đồng, ĐBSCL từng bước hoàn thiện hệ thống thủy lợi, chủ động cấp, tiêu thoát nước, kiểm soát lũ, kiểm soát mặn ổn định cho khoảng 1,8 triệu ha đất lúa; chủ động nguồn nước đảm bảo lịch thời vụ và quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Hoàn chỉnh hệ thống đê biển, đê sông, hệ thống cống điều tiết ngăn mặn, giữ ngọt phục vụ sản xuất nông nghiệp theo hướng gia tăng giá trị và lợi nhuận trên một đơn vị diện tích; khai thác thế mạnh về sản xuất lúa, nuôi trồng thủy sản, trồng và chế biến các loại trái cây đem lại hiệu quả cao…

Tại Hội nghị "Bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ lúa, gạo và thủy sản vùng ĐBSCL năm 2013" vừa diễn ra ở TP Cần Thơ, ông Nguyễn Phong Quang, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, kiến nghị: "Chính phủ, Bộ NN-PTNT sớm hỗ trợ vốn đầu tư các công trình thủy lợi phục vụ phát triển sản xuất lúa, thủy sản của vùng. Bởi đây là giải pháp căn cơ giúp ĐBSCL chủ động dịch chuyển cơ cấu mùa vụ và ứng phó với tình trạng sạt lở, nước biển dâng, xâm nhập mặn đang diễn biến phức tạp. Trong đó, quan tâm đến quy hoạch, phát triển thủy lợi phục vụ đa mục tiêu theo từng tiểu vùng; kết hợp chặt chẽ các công trình thủy lợi, giao thông, dân sinh trong tổng thể phát triển cơ sở hạ tầng chung nhằm đạt hiệu quả cao trong đầu tư".

Cũng tại hội nghị này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám, cho biết: Bộ NN&PTNT đang chuẩn bị trình Thủ tướng điều chỉnh các Quyết định về cơ chế, chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông, thủy sản. Theo đó, ngành nông nghiệp địa phương hỗ trợ nông dân đầu tư mua một số loại máy móc, thiết bị nhập khẩu do trong nước chưa sản xuất được như: máy gặt đập liên hợp, máy cấy, máy kéo công suất lớn, các thiết bị bảo quản sau thu hoạch… Bộ NN&PTNT đề nghị các địa phương tiếp tục chỉ đạo các doanh nghiệp đầu tư xây dựng hệ thống kho chứa lúa theo chỉ tiêu đã phân bổ. Đồng thời đề ra chính sách tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư, cải tạo hệ thống kho chứa lúa gạo đã xuống cấp theo đúng quy trình công nghệ, đáp ứng yêu cầu sản xuất, tiêu thụ lúa gạo trong tình hình mới…

Bài, ảnh: MỸ THANH

Chia sẻ bài viết