23/09/2023 - 18:15

Tập trung hoàn thiện hạ tầng để thu hút đầu tư vào Cần Thơ 

Trong thời gian qua, TP Cần Thơ đã thu hút được một số dự án vốn đăng ký đầu tư nghìn tỉ. Quy mô của những dự án này được kỳ vọng có sức lan tỏa vùng, tạo thêm động lực thu hút các nguồn lực đầu tư vào thành phố. Đồng thời thành phố cũng từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội để huy động các nguồn lực đầu tư, phát triển xứng tầm đô thị trung tâm vùng ĐBSCL.

Mở đường phát triển

Cần Thơ đang nỗ lực hoàn thiện cơ sở hạ tầng để thu hút đầu tư. Ảnh: CTV

Cần Thơ đang nỗ lực hoàn thiện cơ sở hạ tầng để thu hút đầu tư. Ảnh: CTV

TP Cần Thơ được xác định là trung tâm động lực phát triển của vùng ĐBSCL. Để phát triển xứng tầm, Trung ương đã ưu tiên bố trí vốn đầu tư xây dựng các dự án kết cấu hạ tầng giao thông có tính kết nối liên vùng qua địa bàn thành phố để tạo các động lực phát triển, thu hút các nguồn lực đầu tư vào thành phố. Các công trình dự án quan trọng được đưa vào sử dụng như: Cầu Cần Thơ, Cảng hàng không Quốc tế Cần Thơ, Dự án luồng cho tàu biển tải trọng lớn vào sông Hậu (giai đoạn 1), cảng Cái Cui, nâng cấp cụm cảng Cần Thơ - khu bến Hoàng Diệu, đường Nam Sông Hậu... đã góp phần phát huy vai trò đầu mối quan trọng về giao thông vận tải nội vùng và liên vận quốc tế. Thành phố đang từng bước khẳng định vai trò trung tâm của vùng về công nghiệp và dịch vụ; hướng tới là đô thị hạt nhân của vùng ĐBSCL và là một trong 6 đô thị trọng điểm thực hiện Đề án phát triển các đô thị Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu.

Thành phố đã và đang tập trung triển khai thủ tục đầu tư, tập trung nguồn lực để thực hiện các dự án giao thông đường bộ như: Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, đoạn qua địa bàn thành phố Cần Thơ (đã khởi công vào tháng 6-2023); dự án đường Vành đai phía Tây (nối quốc lộ 91 với quốc lộ 61C) dự kiến hoàn thành và đưa vào khai thác trong năm 2026; Dự án đầu tư xây dựng và nâng cấp mở rộng Đường tỉnh 923, 917, 918, 921 (dự kiến hoàn thành và đưa vào sử dụng trong năm 2024); nâng cấp các trục đường nội ô, nâng tải trọng các cầu để đồng bộ với tải trọng đường; chủ động kết nối với các trục đường quan trọng do Trung ương đầu tư, tăng kết nối vùng, góp phần khắc phục một trong những điểm nghẽn về hạ tầng giao thông của thành phố. Đồng thời, khai thác tối đa tiềm năng, hiệu quả trong khai thác quỹ đất đô thị, tăng tính liên kết, rút ngắn khoảng cách giữa các địa phương trong vùng, góp phần thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

Có thể thấy, điểm nghẽn lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố là hạ tầng giao thông đang dần được tháo gỡ với hàng loạt các dự án giao thông quy mô lớn trên cả 3 phương thức vận tải: đường thủy, đường bộ, hàng không. Giai đoạn 2016-2020, thành phố bố trí vốn đầu tư công trung hạn cho giao thông vận tải hơn 3.000 tỉ đồng (cả vốn trung ương và địa phương) chiếm 16,12% tổng vốn đầu tư công được giao trong giai đoạn này; đến giai đoạn 2021-2025, dự kiến vốn phân bổ cho giao thông khoảng 9.470 tỉ đồng, chiếm 24,27% tổng vốn đầu tư công dự kiến được giao để đầu tư hàng loạt các dự án giao thông kết nối, khơi dậy tiềm năng phát triển cho đô thị trung tâm vùng ĐBSCL. Ngoài ra, thành phố cũng nỗ lực hoàn thiện kết cấu hạ tầng thương mại - dịch vụ, khoa học - công nghệ, năng lượng, kêu gọi đầu tư hệ thống logistics…

Động lực từ các dự án nghìn tỉ

Với hàng loạt công trình giao thông kết nối đã mở ra nhiều cơ hội thu hút đầu tư vào thành phố. Trong 3 năm gần đây, thành phố đã có các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vốn nghìn tỉ. Cụ thể đầu năm 2021, thành phố trao chứng nhận đầu tư cho Dự án Nhà máy nhiệt điện Ô Môn II, vốn đầu tư hơn 1,3 tỉ USD của doanh nghiệp Nhật Bản. Đây là dự án FDI lớn đầu tiên đầu tư vào Cần Thơ. Năm 2022, thành phố tiếp tục có 2 dự án nghìn tỉ được chấp thuận chủ trương đầu tư, gồm: Dự án nhà máy nhiệt điện Ô Môn III, vốn sơ bộ khoảng 27.596 tỉ đồng (tương đương hơn 1,19 tỉ USD); Dự án Đầu tư xây dựng và Kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Vĩnh Thạnh - Giai đoạn 1 (VSIP Cần Thơ), vốn đầu tư 3.718 tỉ đồng, đây là dự án FDI có quy mô lớn thứ 3 tại Cần Thơ.  Đặc biệt dự án VSIP Cần Thơ giai đoạn 1 đã khởi động vào đầu tháng 9-2023, dự án khi hoàn chỉnh sẽ tạo việc làm cho khoảng 100.000 lao động, thu hút 3,5 tỉ USD vốn đầu tư.

Các dự án FDI vốn nghìn tỉ được kỳ vọng khi hoàn thiện, đi vào hoạt động sẽ tạo thêm các động lực mới, vừa phát triển kinh tế thành phố, vừa có sức lan tỏa vùng ĐBSCL và tăng thêm các nguồn lực đầu tư trong, ngoài nước. Ông Trương Quốc Trạng, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố, cho biết thời gian qua, thành phố tập trung thu hút đầu tư trên các lĩnh vực thế mạnh của thành phố như chế biến thực phẩm, nông sản, sản xuất và kinh doanh hàng may mặc. Ngoài ra, các dự án thu hút mới còn tập trung trong các lĩnh vực: phát triển đô thị, thương mại, kinh doanh các loại thức ăn nhanh, sản xuất điện, sản xuất phần mềm,… Riêng từ đầu năm 2023 đến nay, việc thu hút nguồn lực đầu tư vào thành phố chưa đạt như kỳ vọng. Tuy nhiên, thành phố cũng đón hàng loạt nhà đầu tư đến tìm hiểu môi trường đầu tư; thành phố đang rà soát các dự án dự kiến mời gọi đầu tư trong thời gian tới.

Tính đến tháng 9-2023, Cần Thơ có 82 dự án FDI còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 2,26 tỉ USD (trong khu công nghiệp (KCN) có 29 dự án, vốn đăng ký trên 608,7 triệu USD; còn lại là các dự án nằm ngoài KCN). Tổng số doanh nghiệp trong nước đang hoạt động lên khoảng 10.500 doanh nghiệp và 2.083 chi nhánh, văn phòng đại diện. Ngoài ra còn có 98 dự án đầu tư trong nước triển khai thực hiện, tổng diện tích sử dụng đất khoảng 2.315,9ha. Bên cạnh đó, 6 KCN đang hoạt động (Trà Nóc I, Trà Nóc II, Hưng Phú 1, Hưng Phú 2A, Hưng Phú 2B, Thốt Nốt), có tổng diện tích đất công nghiệp 566,08ha, tỷ lệ lấp đầy khoảng 69,87%. Các KCN thu hút 171 doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh và 258 dự án đầu tư (29 dự án FDI), với tổng vốn đầu tư đăng ký 1,866 tỉ USD; vốn đầu tư đã thực hiện 1,121 tỉ USD, chiếm 60% tổng vốn đầu tư đăng ký. Hằng năm, các doanh nghiệp trong KCN đóng góp ngân sách nhà nước khoảng 2.000 tỉ đồng và giải quyết việc làm cho hơn 41.000 lao động.

Theo ông Trương Quốc Trạng, thành phố đã có nhiều văn bản hỗ trợ, cung cấp thông tin để nhà đầu tư nghiên cứu, xem xét đầu tư, lập hồ sơ đề xuất dự án; đồng thời ký kết các bản ghi nhớ để cùng phối hợp đẩy mạnh việc nghiên cứu đề xuất các dự án thuộc các lĩnh vực thành phố định hướng phát triển theo dự thảo Quy hoạch thành phố Cần Thơ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong giai đoạn tới, thành phố tập trung chuyển hướng sang các dự án nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sử dụng hiệu quả và tái tạo tài nguyên, năng lượng, thân thiện môi trường, mang hàm lượng tri thức cao. Đối với thu hút đầu tư nước ngoài, các đối tác thành phố tập trung xúc tiến hợp tác đầu tư là Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Đài Loan (Trung Quốc), Ấn Độ, Hoa Kỳ và châu Âu.

GIA BẢO

Chia sẻ bài viết