18/05/2015 - 13:49

TRƯỜNG PHỔ THÔNG DÂN TỘC NỘI TRÚ TP CẦN THƠ

Tập trung đào tạo nguồn nhân lực đồng bào dân tộc Khmer

Thành lập năm học 1994-1995, qua 20 năm xây dựng và phát triển, Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú TP Cần Thơ luôn gặt hái thành tích khả quan trong dạy và học, xứng đáng là chiếc nôi đào tạo nguồn nhân lực cho đồng bào dân tộc Khmer, góp phần công sức xây dựng quê hương, phum sóc ngày càng giàu đẹp.

Trường Phổ thông Dân tộc nội trú TP Cần Thơ trước đây là Trường Dân tộc nội trú tỉnh Cần Thơ (gồm tỉnh Hậu Giang và TP Cần Thơ). Lúc mới hình thành, trường chỉ có 5 lớp cấp 2, với 166 học sinh. Điều kiện của trường còn nhiều khó khăn, cơ sở vật chất thiếu thốn, ảnh hưởng công tác giảng dạy. Nhờ sự quan tâm của các cấp lãnh đạo từ Trung ương, thành phố đến các quận, huyện và đặc biệt Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố, xây dựng cơ sở vật chất ngày càng khang trang, thiết bị dạy học đảm bảo việc dạy 2 buổi/ngày. Là người gắn bó với trường từ những năm đầu mới thành lập, cô Lý Thị Sa Rum, Phó Hiệu trưởng trường, hồ hởi cho biết: "Nhìn lại chặng đường 20 năm qua, không thể tin ước mơ trở thành sự thật về ngôi trường khang trang cho đồng bào dân tộc tọa lạc ngay trên mảnh đất quê hương mình".

Giờ học Nhạc của học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú TP Cần Thơ.

Đến Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú TP Cần Thơ những ngày tháng 4 lịch sử, chúng tôi thấy được sự đổi thay từng ngày, diện mạo khác xưa rất nhiều. Sân trường được nâng cấp sạch sẽ, rộng rãi; nhà thi đấu đa năng, nhà ăn được nâng cấp, sửa chữa sạch đẹp, thoáng mát. Các phòng bộ môn được xây mới, trang thiết bị đầy đủ, đáp ứng yêu cầu dạy và học. Em Trần Bé Bi, học sinh lớp 11A, cho biết: "Được học tập dưới mái trường khang trang là vinh dự của em và nhiều học sinh khác. Em tự nhủ phải ra sức học tập tốt để không phụ lòng thầy cô đã dày công dạy dỗ, yêu thương".

Là ngôi trường chuyên biệt dành cho con em đồng bào dân tộc, bên cạnh phương pháp giảng dạy truyền thụ kiến thức phù hợp với khả năng nhận thức, nhà trường quan tâm công tác giáo dục bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc cho học sinh. Các lễ hội của đồng bào dân tộc Khmer được lồng ghép trong tiết chào cờ, sinh hoạt ngoài giờ lên lớp; thi văn nghệ, thể thao, trò chơi dân gian để học sinh hiểu sâu sắc hơn văn hóa dân tộc mình.

Không ngừng mở rộng quy mô đào tạo nên mỗi năm số lượng học sinh đều tăng thêm, hiện ngôi trường có bề dày truyền thống 20 năm này thu hút 398 học sinh theo học và ngày càng khẳng định vị thế bằng chất lượng giáo dục và hoạt động phong trào. Tỷ lệ học sinh THCS đậu tốt nghiệp tăng lên theo các năm, học sinh tốt nghiệp THPT năm sau cao hơn năm trước (2 năm liền 100% học sinh tốt nghiệp). Để có được thành quả đó, không thể không kể đến những thầy cô giáo tâm huyết, hết lòng với sự nghiệp giáo dục, đào tạo, hướng đến mục tiêu chung là trang bị kiến thức, rèn đạo đức, nhân cách cho con em đồng bào Khmer. Nhiều năm qua, nhà trường quan tâm công tác đào tạo chuẩn giáo viên nên chất lượng giảng dạy ngày càng nâng lên. Trường hiện có 62 cán bộ, giáo viên và nhân viên, trong đó có 47 giáo viên có trình độ đại học trở lên (có 5 thạc sĩ). Thầy Đào Sang Sanh, Chủ tịch công đoàn trường, cho biết: "Mục tiêu phấn đấu của của tập thể sư phạm cũng như học sinh nhà trường là xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia".

Với trọng trách giúp con em vùng đồng bào dân tộc hòa mình với nền giáo dục hiện đại, những năm qua, Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú TP Cần Thơ đã trở thành mái nhà chung, mở cánh cửa tương lai cho hàng ngàn học sinh dân tộc thiểu số. Nơi đây được xem là cái nôi đào tạo nguồn nhân lực cán bộ cho người dân tộc. Cô Lý Thị Sa Rum cho biết thêm: Trải qua bao nhiêu năm, lớp lớp học trò thi đỗ vào Đại học, Cao đẳng… tạo nguồn cán bộ trong đồng bào Khmer tham gia nhiều lĩnh vực ngành nghề khác trong xã hội… Số học sinh còn lại góp phần bổ sung cho các quận, huyện trong thành phố, lực lượng lao động mới có vốn kiến thức phổ thông nhất định sẽ là tiền đề thuận lợi để giúp đồng bào dân tộc Khmer thoát khỏi cảnh thất học, đói nghèo. 20 năm qua, từng lớp học sinh đã trưởng thành và đóng góp công sức xây dựng đất nước. Trường hợp cô giáo trẻ Đào Ngọc Thơ, cựu học sinh của trường, sau khi tốt nghiệp ngành Sư phạm Văn Trường Đại học Cần Thơ, đã xin trở về trường cũ công tác. Cô Thơ không khỏi tự hào nói: "Tôi có điều kiện học hành tử tế trong ngôi trường thân thương dành cho thế hệ con em đồng bào dân tộc thiểu số. Tôi quyết tâm giảng dạy thật tốt, trang bị kiến thức cơ bản về các lĩnh vực xã hội cũng như rèn kỹ năng sống, góp phần nâng cao dân trí cho con em đồng bào dân tộc Khmer".

Tin rằng, từ những bước trưởng thành sau 20 năm, Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú TP Cần Thơ sẽ tiếp tục phát triển, đáp ứng ngày càng tốt hơn nữa trong việc nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho con em vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Cần Thơ trong đó có phần lớn con em đồng bào Khmer.

Bài, ảnh: MINH HOÀNG

Chia sẻ bài viết