11/05/2023 - 14:43

Trường Đại học Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ

Tập trung công tác kiểm định chất lượng giáo dục 

Bài, ảnh: ÐẶNG NGỌC

Kiểm định chất lượng giáo dục (KÐCLGD) là một trong những công cụ hữu hiệu để các trường thực hiện các chuẩn mực đào tạo trong xu thế toàn cầu hóa và tự chủ đại học. Thời gian qua, Trường Ðại học Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ (CTUT) đã và đang tập trung công tác này nhằm nâng cao chất lượng, vị thế của trường.

NGND.PGS.TS Huỳnh Thanh Nhã (trái), Hiệu trưởng CTUT và GS.TS Trần Văn Nam, Trưởng Đoàn Đánh giá ngoài, ký biên bản hoàn thành đợt khảo sát chính thức tại trường.

NGND.PGS.TS Huỳnh Thanh Nhã (trái), Hiệu trưởng CTUT và GS.TS Trần Văn Nam, Trưởng Đoàn Đánh giá ngoài, ký biên bản hoàn thành đợt khảo sát chính thức tại trường.

CTUT là đơn vị sự nghiệp giáo dục, đào tạo thuộc UBND TP Cần Thơ, được thành lập theo Quyết định số 249/QÐ-TTg ngày 29-1-2013 của Thủ tướng Chính phủ. Trường thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực có đạo đức tốt và trình độ chuyên môn cao, có khả năng tiếp cận nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực quản lý, kỹ thuật, công nghệ, liên kết đào tạo đa ngành, phục vụ nhu cầu phát triển của TP Cần Thơ và khu vực ÐBSCL. Thời gian qua, Ðảng ủy, Ban Giám hiệu CTUT luôn chú trọng, nghiêm túc thực hiện chủ trương của Bộ Giáo dục và Ðào tạo về công tác đảm bảo chất lượng giáo dục; thực hiện KÐCL trường đại học và KÐCL chương trình đào tạo để tìm ra những tồn tại, hạn chế, từ đó xây dựng kế hoạch điều chỉnh, cải tiến ngày càng hoàn thiện hơn.

Bên cạnh đó, căn cứ Ðề án thành lập CTUT, lãnh đạo nhà trường có chủ trương, chiến lược, định hướng nâng cao chất lượng, như: thành lập hội đồng tự đánh giá và xây dựng kế hoạch tự đánh giá cơ sở giáo dục đại học giai đoạn 2015-2019; xây dựng kế hoạch đảm bảo chất lượng giai đoạn 2018-2020, giai đoạn 2020-2025; xây dựng và ban hành chính sách đảm bảo chất lượng, hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong; xây dựng kế hoạch rà soát, cải tiến các hoạt động đảm bảo chất lượng về đào tạo, nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng. Vì thế, hơn 10 năm qua, nguồn lực cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên của trường đáp ứng yêu cầu đào tạo, với 93,5% đội ngũ viên chức, giảng viên đạt trình độ thạc sĩ trở lên, đảm bảo đáp ứng quy mô hơn 5.000 sinh viên; tỷ lệ sinh viên của trường có việc làm sau khi tốt nghiệp đạt trên 92%. Năm 2021, CTUT được công nhận đạt chuẩn KÐCL cơ sở giáo dục và có 1 chương trình đào tạo là ngành Công nghệ thực phẩm được công nhận đạt chuẩn KÐCL.

Mới đây, vào tuần đầu tháng 5-2023, CTUT tiếp đoàn chuyên gia đánh giá ngoài của Trung tâm KÐCLGD, Ðại học Ðà Nẵng đến khảo sát chính thức phục vụ đánh giá ngoài 5 chương trình đào tạo trình độ đại học tại trường. Ðó là các ngành: Hệ thống thông tin; Công nghệ kỹ thuật điện, điện tử; Quản lý công nghiệp; Công nghệ kỹ thuật điều khiển và tự động hóa; Công nghệ kỹ thuật công trình xây dựng. Ðây là 5 trong 22 ngành đào tạo trình độ đại học hệ chính quy của CTUT. Tính đến năm 2022, có 1.382 sinh viên thuộc 5 ngành này tốt nghiệp ra trường, với hơn 92% sinh viên có việc làm. NGND.PGS.TS Huỳnh Thanh Nhã, Hiệu trưởng CTUT, cho biết hơn 1 năm qua, được sự hỗ trợ của các chuyên gia, Ban Giám hiệu nhà trường đã chỉ đạo các khoa, các phòng, trung tâm, đoàn thể thuộc trường triển khai đẩy mạnh công tác đánh giá ngoài 5 chương trình đào tạo này. Nhà trường đã hoàn thiện những nội dung góp ý của đoàn công tác tại đợt khảo sát sơ bộ, nhằm chuẩn bị các điều kiện tốt nhất cho đợt khảo sát chính thức.

Theo GS.TS Trần Văn Nam, Trưởng Ðoàn đánh giá ngoài, Trung tâm KÐCLGD, Ðại học Ðà Nẵng, qua đợt đánh giá sơ bộ, đến đợt đánh giá chính thức 5 chương trình đào tạo cho thấy CTUT chuẩn bị khá chu đáo, đầy đủ hồ sơ đảm bảo chất lượng. Mặc dù thành lập gần đây nhưng trường đã khẳng định được vai trò cơ sở đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật, công nghệ cho địa phương và vùng ÐBSCL. Năm 2023, trường được xếp hạng nằm trong top 100 trường đại học hàng đầu Việt Nam của Tổ chức xếp hạng các trường đại học Việt Nam (VNUR); và xếp hạng 77 trong số các trường đại học tại Việt Nam của tổ chức xếp hạng đại học thế giới Webometrics. Ðây là bước tiến lớn, minh chứng rõ nét cho chất lượng giáo dục và sự nỗ lực của tập thể nhà trường. Trường đã đạt KÐCL cơ sở giáo dục, có 1 chương trình đào tạo đạt KÐCL; và đang thực hiện KÐCL 5 chương trình. “Với thành tích đạt được, chúng tôi hy vọng trường tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo, tăng cường đầu tư cơ cở vật chất, nâng chất đội ngũ giảng viên… Trong quá trình khảo sát KÐCL các chương trình đào tạo, với những mặt còn hạn chế đoàn sẽ tiếp tục khuyến nghị để nhà trường tiếp tục nâng cao chất lượng”, GS.TS Trần Văn Nam cho biết.

Theo NGND.PGS.TS Huỳnh Thanh Nhã, KÐCLGD là quá trình liên tục, khẳng định thương hiệu đào tạo của trường về mặt chất lượng. Ðây là nền tảng để tập thể nhà trường nỗ lực xây dựng CTUT đến năm 2030 trở thành trường đại học theo định hướng ứng dụng, quản lý liên ngành kỹ thuật - công nghệ phù hợp với xu thế phát triển trong thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ tư, góp phần quan trọng trong triển khai thực hiện Nghị quyết số 59-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Chia sẻ bài viết