23/12/2020 - 09:31

Tạo thuận lợi đầu ra cho nông sản 

Ngành Nông nghiệp TP Cần Thơ đã và đang tích cực hỗ trợ, khuyến khích nông dân phát triển sản xuất các loại nông lâm thủy sản theo hướng an toàn gắn với việc tăng cường liên kết, hình thành các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn để tạo thuận lợi về đầu ra. Đồng thời, kết nối cung - cầu, tạo điều kiện cho người sản xuất gặp gỡ các nhà phân phối, bán lẻ để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm và kịp thời có những điều chỉnh, cải tiến trong sản xuất để tạo ra sản phẩm đáp ứng tốt nhu cầu thị trường.

Các sản phẩm trái cây và nông sản chế biến của TP Cần Thơ được quảng bá, giới thiệu tại một kỳ hội chợ được tổ chức tại TP Cần Thơ.

Các sản phẩm trái cây và nông sản chế biến của TP Cần Thơ được quảng bá, giới thiệu tại một kỳ hội chợ được tổ chức tại TP Cần Thơ.

Sản xuất hàng hóa lớn, an toàn

Cùng với triển khai thực hiện Ðề án tái cơ cấu lại ngành Nông nghiệp TP Cần Thơ theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, thành phố cũng triển khai nhiều nghị quyết, chương trình, dự án nhằm thúc đẩy phát triển nhanh, toàn diện nông nghiệp theo hướng hiện đại, xanh, sạch, đa dạng và bền vững. Theo đó, thành phố quan tâm huy động các nguồn lực để đầu tư phát triển hạ tầng nông nghiệp. Xây dựng hệ thống đê bao gắn với làm đường giao thông và hoàn thiện hệ thống kênh mương tưới tiêu kết hợp với trạm bơm điện đáp ứng yêu cầu chủ động sản xuất ở quy mô lớn trong điều kiện biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn. Tăng cường đầu tư, chuyển giao khoa học, công nghệ cho nông dân và phát triển nguồn nhân lực nông nghiệp để tạo động lực cho tăng trưởng, phát triển. Tổ chức lại sản xuất các sản phẩm chủ lực ở quy mô lớn, tập trung, hiện đại, thực hiện sản xuất theo hướng chất lượng, an toàn và liên kết theo chuỗi để nâng cao giá trị gia tăng và tạo thuận lợi về đầu ra sản phẩm.

Thành phố đã xây dựng và phát triển mô hình cánh đồng lớn (CÐL) đạt tổng diện tích trên 30.000 ha/vụ và trong CÐL đã hình thành "cánh đồng lúa sạch" với diện tích 10.000ha; 100ha sản xuất lúa đạt tiêu chuẩn Global GAP và 336ha sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP. Nông dân tham gia CÐL thực hiện cơ giới hóa, áp dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, theo hướng an toàn, bền vững, giảm chi phí và nâng cao chất lượng sản phẩm, cũng như thuận lợi liên kết với doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào bao tiêu sản phẩm đầu ra. Qua đó, thúc đẩy nâng cao chuỗi giá trị lúa gạo và tăng lợi nhuận cho nông dân từ 2,4-5 triệu đồng/ha.

Cần Thơ đã xây dựng được các vùng chuyên canh trồng rau màu, cây ăn trái tập trung theo hướng tiêu chuẩn hóa, đáp ứng yêu cầu về an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc. Hình thành các vùng nuôi thủy sản và các cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung quy mô lớn liên kết sản xuất theo chuỗi. Ðến nay, thành phố đã mở rộng vùng sản xuất rau an toàn với tổng diện tích 229ha và sản lượng trên 28.390 tấn/năm tại các quận, huyện, trong đó có 10,5ha đạt tiêu chuẩn VietGAP. Xây dựng và hình thành các sản phẩm cây ăn trái đặc trưng có thương hiệu và vùng sản xuất tập trung với diện tích 7.984ha như dâu Hạ Châu, xoài, sầu riêng, nhãn và vú sữa. Toàn thành phố đã có hơn 100ha cây ăn trái của 110 hộ dân tại các hợp tác xã và tổ hợp tác được chứng nhận VietGAP. Tổng diện tích nuôi thủy sản theo các tiêu chuẩn an toàn và thực hành nông nghiệp tốt như VietGAP, BAP+ASC, BMP+ASC… tại thành phố đạt hơn 289ha, với sự tham gia của 4 doanh nghiệp, 2 hợp tác xã và 99 nông hộ.

Kết nối cung - cầu

Với sự quan tâm của ngành chức năng trong hỗ trợ kết nối và khuyến khích người sản xuất liên kết với các nhà phân phối, chế biến và tiêu thụ để hình thành các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, đến nay Cần Thơ đã có 59 chuỗi, với 295 sản phẩm đã được xác nhận trong chuỗi. Ðiều đáng mừng là 100% các sản phẩm trong chuỗi đều ký kết được các hợp đồng với các nhà phân phối và bán lẻ để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm tại thị trường trong nước và xuất khẩu.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ đã tích cực phối hợp các sở, ngành thành phố, địa phương và các cơ quan truyền thông để tăng cường giới thiệu, quảng bá các sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn thành phố, nhất là các sản phẩm nông sản đặc trưng và sản phẩm trong các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. Quan tâm tranh thủ thực hiện các hoạt động kết nối, quảng bá, giới thiệu và bày bán sản phẩm thông qua các hội nghị, hội thảo các cấp do ngành Nông nghiệp chủ trì và phối hợp các hệ thống siêu thị, cửa hàng và đơn vị liên quan tổ chức.

Thông qua các hoạt động hỗ trợ, kết nối sản xuất - tiêu thụ đã có nhiều doanh nghiệp, nhà sản xuất tìm được thị trường, mở rộng sản xuất kinh doanh, mang lại hiệu quả kinh tế và phát triển ngành sản xuất hàng hóa nông lâm thủy sản. Nhiều sản phẩm của Cần Thơ đã khẳng định được uy tín, thương hiệu và vị trí trên thị trường trong và ngoài nước. Ðơn cử, như gạo Trung An, Sông Hậu, Gentraco và Tân Thành hay mắm cá tra Út Anh, mắm Ẩn, nước mắm Hồng Ðài, Quốc Hải, Giò chả 69… hoặc mới nhất là Trà mãng cầu Kim Nhiên, Trà mãng cầu Long Giang, đậu phộng Ðinh Gia, gạo Tứ minh… đang được bày bán tại nhiều siêu thị và cửa hàng trong và ngoài thành phố.

Theo ông Phạm Trường Yên, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn khó khăn nhất định trong quảng bá và tiêu thụ những sản phẩm an toàn. Ðặc biệt là tình trạng người dân chưa tiếp cận được với các cơ sở sản xuất an toàn, trong khi cơ sở sản xuất lại gặp khó khi tiếp cận thị trường, chưa có đối tác làm ăn lớn, đầu mối tiêu thụ hàng hóa chưa nhiều. Sản phẩm thực phẩm được xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý và dán tem truy xuất nguồn gốc trên địa bàn còn khiêm tốn so với tiềm năng của thành phố. Tình trạng sản xuất "cung vượt cầu, dư cung lớn" vẫn xảy ra gây khó khăn trong khâu tiêu thụ sản phẩm… Do đó, để thực hiện được mục tiêu liên kết sản xuất - tiêu thụ một cách bền vững, tiếp tục cần có sự phối hợp, liên kết chặt chẽ giữa các cơ quan làm công tác chuyên ngành, xúc tiến thương mại, hợp tác xã, các cơ sở sản xuất, kinh doanh và các doanh nghiệp thu mua, phân phối nông sản thực phẩm trên địa bàn thành phố và cả nước nói chung. Ðặc biệt, việc gắn kết, lưu thông, tiêu thụ hàng hóa nông sản, nâng cao giá trị hàng hóa nông sản của vùng sẽ là đòn bẩy mạnh mẽ góp phần đẩy mạnh phát triển sản xuất kinh doanh và thúc đẩy phát triển nền kinh tế của TP Cần Thơ và cả vùng ÐBSCL.

Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG

Chia sẻ bài viết