03/01/2018 - 22:24

Tiếp nhận, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích

Tạo thuận lợi cho người dân 

Hơn 1 năm thực hiện Quyết định 45/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (QĐ45) về việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) qua dịch vụ bưu chính công ích (DVBCCI), bước đầu TP Cần Thơ đã gặt hái được một số kết quả khả quan. Qua đó, giúp giảm thời gian, công sức, chi phí đi lại cho người dân, nhất là đối với người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Đồng thời, góp phần hạn chế hiện tượng tiêu cực, sách nhiễu, gây phiền hà cho tổ chức, cá nhân trong quá trình tiếp nhận, trả kết quả giải quyết TTHC...

Người dân trên địa bàn TP Cần Thơ sử dụng DVBCCI trong tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC .  

Sau 1 năm triển khai thực hiện QĐ45, toàn ngành Bưu điện Việt Nam đã tiếp nhận và trả kết quả trên 7,8 triệu hồ sơ ở tất cả các lĩnh vực. Có 22 bộ ngành, 62/63 tỉnh, thành công bố danh mục TTHC nhận hồ sơ, trả kết quả qua DVBCCI và 60/63 Bưu điện tỉnh thành ký kết thỏa thuận hợp tác với UBND cấp tỉnh. Mô hình này khi triển khai đã được người dân đồng tình, hài lòng. Theo ông Đào Việt Ánh, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, thực hiện QĐ45 đã giúp đơn vị giảm áp lực trong giải quyết TTHC, tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp và người dân. “Qua DVBCCI, BHXH Việt Nam tiếp nhận 3,5 triệu/5 triệu hồ sơ; trả 5,3 triệu/7 triệu kết quả giải quyết. Người dân, doanh nghiệp sử dụng DVBCCI để làm các TTHC về BHXH đều được miễn phí toàn bộ. Nhờ vậy, thời gian giao dịch BHXH của doanh nghiệp giảm từ 335 giờ (năm 2014) xuống 147 giờ (năm 2017). Số đối tượng của BHXH tăng 35%, số thu tăng 2 lần nhưng biên chế không tăng”– ông Đào Việt Ánh cho biết.

Tại TP Cần Thơ, UBND thành phố đã chủ trì, tổ chức lễ ký thỏa thuận hợp tác giữa Bưu điện thành phố với 19 sở, ngành và 9 quận, huyện trên địa bàn về tiếp nhận, trả kết quả giải quyết TTHC qua DVBCCI. Ngoài ra, Sở Tư pháp thành phố đã chủ trì, phối hợp với các sở, ngành thành phố tập huấn cho 90 nhân viên bưu chính kỹ năng tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả, thu phí, lệ phí trong giải quyết TTHC thuộc lĩnh vực sở, ngành. Kết quả, từ tháng 6 đến tháng 10-2017, Bưu điện thành phố đã thực hiện được 24.507 hồ sơ (trong đó, cấp thành phố là 24.147 hồ sơ và cấp huyện là 360 hồ sơ). Bà Nguyễn Thị Tám (ở xã Trường Thắng, huyện Thới Lai) rất hài lòng khi sử dụng dịch vụ này. Bà Tám nói: “Tôi đến Bộ phận Một cửa của Sở Tư pháp thành phố để làm thủ tục cấp phiếu lý lịch tư pháp. Sau đó, tôi đã sử dụng dịch vụ của bưu điện, chuyển trả kết quả giải quyết TTHC đến tận nhà. Tôi rất hài lòng, bởi mô hình đã giúp tôi không phải tốn thời gian, công sức đi lại”. 

Theo ông Dương Thế Dũng, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông thành phố, việc triển khai tiếp nhận, trả kết quả giải quyết TTHC qua DVBCCI giúp giảm thời gian, công sức, chi phí đi lại cho người dân, nhất là đối với địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Ông Dương Thế Dũng đề xuất các cán bộ, công chức phải có trách nhiệm giới thiệu với người dân về các TTHC có thể được tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết qua DVBCCI.

Tuy nhiên, việc thực hiện QĐ45 vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc phát sinh: công tác tuyên truyền về tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC qua DVBCCI chưa được triển khai sâu rộng, nhiều tổ chức, cá nhân chưa biết hoặc chưa hiểu rõ về việc cung ứng dịch vụ này; việc tiếp nhận hồ sơ còn hạn chế, do người dân còn tâm lý e ngại, sợ mất giấy tờ gốc khi sử dụng dịch vụ…

Tại Hội nghị trực tuyến do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức vào ngày 15-12-2017, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam khẳng định bưu điện là cánh tay nối dài của chính quyền trong cung cấp dịch vụ công. Đồng thời, yêu cầu các bộ, ngành, tỉnh, thành phố phối hợp cùng với bưu điện khắc phục những khó khăn trong quá trình thực hiện QĐ45. Đẩy mạnh hiện đại hóa bộ máy hành chính, thông qua những công việc cụ thể: xử lý hồ sơ công việc của bộ máy hành chính hoàn toàn trên môi trường mạng; thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức 3, mức 4; tất cả các dữ liệu hành chính phải được kết nối, được tích hợp vào hệ thống dữ liệu dùng chung của Chính phủ, phục vụ nhu cầu khai thác tài nguyên về dữ liệu của tổ chức, cá nhân và xã hội, hướng đến xây dựng Chính phủ điện tử… 

QĐ45 quy định tổ chức, cá nhân có thể lựa chọn sử dụng 1 trong 3 dịch vụ: Gửi hồ sơ giải quyết TTHC; nhận kết quả giải quyết TTHC; gửi hồ sơ và nhận kết quả giải quyết TTHC. Việc nhận hồ sơ của tổ chức, cá nhân được thực hiện tại các điểm phục vụ của Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam hoặc tại địa chỉ mà tổ chức, cá nhân yêu cầu. Cơ quan có thẩm quyền phải bố trí người tiếp nhận hồ sơ và tiền phí, lệ phí (nếu có) do Bưu điện chuyển đến. Sau khi tiếp nhận hồ sơ được chuyển đến, việc giải quyết TTHC được thực hiện theo đúng trình tự, thẩm quyền và thời hạn do pháp luật quy định. Cơ quan có thẩm quyền công khai kết quả giải quyết TTHC trên trang thông tin điện tử của cơ quan (nếu có) và thông báo đến nhân viên bưu chính và tổ chức, cá nhân khi hoàn thành việc giải quyết TTHC. Nhân viên bưu chính sẽ chuyển phát hồ sơ và kết quả giải quyết TTHC tới tận địa chỉ yêu cầu cho tổ chức, cá nhân.

 Bài, ảnh: CHẤN HƯNG

Chia sẻ bài viết