24/12/2018 - 08:36

Tạo sức lan tỏa cho các khu công nghiệp 

Trong 15 năm qua, quá trình xây dựng, phát triển các khu công nghiệp (KCN) của TP Cần Thơ  đạt nhiều kết quả nổi bật. Cơ sở hạ tầng cho các KCN được quan tâm đầu tư ngày một hoàn thiện, doanh nghiệp vào hoạt động  tăng lên. Các KCN đã đóng góp đáng kể vào giá trị sản xuất công nghiệp, giá trị xuất khẩu, nguồn thu ngân sách của thành phố và tạo đà cho phát triển kinh tế-xã hội.

Công ty Lương thực Sông Hậu quảng bá sản phẩm gạo đến người tiêu dùng nội địa. Ảnh: CTV

Hạt nhân phát triển kinh tế

Theo Ban Quản lý các Khu chế xuất và Công nghiệp Cần Thơ, năm 2005, trên địa bàn TP Cần Thơ có 4 KCN tập trung với tổng diện tích tự nhiên 876ha. Ở thời điểm này, các KCN của thành phố chỉ có 135 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 462 triệu USD. Có 73/135 dự án đi vào hoạt động, chiếm 54% tổng số dự án đầu tư đăng ký. Tính đến nay, các khu chế xuất và công nghiệp Cần Thơ đã thu hút được 240 dự án, các dự án thuê 399,78ha đất công nghiệp. Tổng vốn đầu tư đăng ký là 1,68 tỉ USD; vốn đầu tư đã thực hiện 1,002 tỉ USD chiếm 59,7% tổng vốn đầu tư đăng ký. Trong đó có 216 dự án đầu tư trong nước, 23 dự án FDI và 1 dự án ODA đang hoạt động.

Trong 15 năm qua, các KCN đã đóng góp đáng kể  tăng trưởng công nghiệp và nâng cao tỷ trọng ngành công nghiệp trong cơ cấu nền kinh tế. Các doanh nghiệp trong KCN hoạt động hiệu quả đã đóng góp đáng kể cho ngân sách thành phố. Nếu năm 2005, các doanh nghiệp trong KCN đóng góp cho ngân sách thành phố hơn 731 tỉ đồng thì ước đến cuối năm 2018 đã tăng lên 1.940,15 tỉ đồng. Ước đến cuối năm 2018, tổng doanh thu các doanh nghiệp đang hoạt động trong các KCN Cần Thơ là 1.509 triệu USD. Trong đó, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 1.256,41 triệu USD, dịch vụ thương mại đạt 252,60 triệu USD. Kim ngạch xuất khẩu đến cuối năm 2018 ước đạt 684,95 triệu USD, trong khi năm 2005 chỉ đạt 204 triệu USD.

Theo lãnh đạo của Công ty Lương thực Sông Hậu (KCN Trà Nóc 1) chia sẻ: Thời gian qua, các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu gạo gặp phải sự cạnh tranh rất lớn. Công ty đã chủ động thích ứng bằng cách chuyển hướng từ xuất khẩu sang phát triển thị trường nội địa từ năm 2012. Cụ thể là công ty vẫn duy trì xuất khẩu ở các thị trường truyền thống như châu Phi, châu Mỹ, châu Âu và tập trung phát triển thị trường nội địa thông qua việc tổ chức được hệ thống phân phối nhóm mặt hàng lương thực, thực phẩm và đưa sản phẩm gạo vào hệ thống phân phối này cũng như vào các đại lý, các tiệm tạp hóa, cửa hàng tại Cần Thơ, Hậu Giang, một số tỉnh lân cận.

Ông Nguyễn Hữu Phước, Phó Trưởng ban Ban Quản lý các Khu chế xuất và Công nghiệp Cần Thơ, chia sẻ: Trong quá trình hình thành và phát triển, các KCN Cần Thơ tuy chưa phát triển đúng với tiềm năng, nhưng cũng đã đóng góp rất lớn vào công cuộc phát triển kinh tế, xã hội; đóng vai trò là hạt nhân thúc đẩy phát triển kinh tế, đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa, phát triển dịch vụ. Đồng thời, tạo ra tác động lan tỏa tích cực trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn của TP Cần Thơ và vùng ĐBSCL.

Ưu tiên hàm lượng chất xám

Trong 15 xây dựng và phát triển các KCN, TP Cần Thơ xác định ưu tiên phát triển các ngành, các sản phẩm có giá trị gia tăng lớn, hàm lượng tri thức, khoa học - công nghệ cao, ít gây ô nhiễm. Đồng thời, thành phố đã và đang có sự chuyển hướng từ thu hút phát triển các ngành công nghiệp chế biến nông thủy sản, sản xuất hàng tiêu dùng sử dụng nhiều lao động để giải quyết việc làm sang các ngành ưu tiên công nghiệp năng lượng, điện tử, tin học, cơ khí phục vụ nông nghiệp, thủy sản, cơ khí đóng tàu; những ngành sản xuất sản phẩm có lợi thế cạnh tranh đáp ứng yêu cầu trong nước và xuất khẩu. Bên cạnh những mặt thuận lợi vẫn còn không ít khó khăn, thách thức làm ảnh hưởng đến tốc độ phát triển của các KCN trên địa bàn. Trong đó có việc các dự án trong các KCN Cần Thơ không còn được hưởng ưu đãi đầu tư theo địa bàn, làm giảm tính khuyến khích đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh trong KCN. Tuy có lợi thế về địa lý, tài nguyên và nguồn nhân lực nhưng chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư để giải phóng mặt bằng cao, làm cho chi phí đầu tư tăng cao dẫn đến giá thành cho thuê lại đất cao nên khó hấp dẫn các nhà đầu tư vào KCN.

Ông Lê Tiến Công, Giám đốc Công ty cổ phần Cảng Cần Thơ, chia sẻ: Trong thu hút đầu tư vào các KCN, việc lựa chọn được những doanh nghiệp có tiềm lực tốt sẽ mang lại hiệu ứng tích cực cho địa phương. Điều quan trọng là không chỉ mời gọi theo số lượng, mời gọi các DN nơi khác đến địa phương để khai thác nguồn lực sẵn có, sử dụng tài nguyên của địa phương, khu vực mà phải xem lại mức độ đóng góp của họ ra sao trên các phương diện. Nếu thu hút được các doanh nghiệp có hàm lượng chất xám cao sẽ đem lại hiệu ứng tích cực về đảm bảo môi trường, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao và các doanh nghiệp trong những ngành nghề có liên quan. 

Theo ông Nguyễn Hữu Phước, Phó Trưởng ban Ban Quản lý các Khu chế xuất và Công nghiệp Cần Thơ, thành phố cần chú trọng cải thiện môi trường đầu tư hơn nữa nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh. Cần tạo niềm tin, sự đảm bảo về đầu tư, kinh doanh cho nhà đầu tư thông qua nỗ lực cải thiện hành lang pháp lý, cơ sở hạ tầng, chi phí vận chuyển… Thành phố cần chọn lựa và ưu tiên phát triển những ngành công nghiệp trọng điểm, tạo ra giá trị gia tăng cao, quy trình công nghệ tiên tiến, hiện đại, thân thiện với môi trường. Có như vậy, công nghiệp Cần Thơ mới có thể tạo ra bước phát triển nhảy vọt, phát huy tối đa lợi thế sẵn có để phát triển xứng tầm.

MINH HUYỀN

Chia sẻ bài viết