13/11/2014 - 20:38

Tạo sức hút để mời gọi đầu tư

Tiềm năng nông nghiệp của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) rất lớn nhưng thu hút đầu tư vào vùng khiêm tốn, nhất là thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Làm gì để thoát khỏi vùng trũng trong thu hút đầu tư là bài toán nan giải đặt ra cho vùng trong hiện tại và tương lai.

Chật vật mời gọi đầu tư

Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), tính đến tháng 9-2014, vùng ĐBSCL có 903 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 11,8 tỉ USD, chiếm gần 5,3% về số dự án và 4,9% về vốn đăng ký, đứng thứ 4/7 vùng của cả nước. Vốn FDI tập trung chủ yếu ở lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với 717 dự án, tổng vốn đăng ký là 7,59 tỉ USD, chiếm 79,4% về số dự án và 64% về vốn đăng ký. Tiếp đến là lĩnh vực kinh doanh bất động sản với 14 dự án, tổng vốn đăng ký 1,94 tỉ USD, chiếm 1,55% về số dự án, 16,4% vốn đầu tư; lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đứng thứ 2/14 lĩnh vực của vùng về số dự án với 52 dự án, tuy nhiên vốn đăng ký chỉ đạt 242,5 triệu USD.

Trong những năm gần đây, vốn đầu tư nước ngoài tại ĐBSCL đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng, góp phần tăng kim ngạch xuất khẩu, thu ngân sách, giải quyết việc làm cho hàng vạn lao động, đáng kể là các doanh nghiệp (DN) ở các tỉnh Long An, Kiên Giang, Tiền Giang và TP Cần Thơ. Tuy nhiên, tiềm năng lớn của vùng ĐBSCL là nông nghiệp- nông thôn rất khó mời gọi vốn FDI, do chưa có chính sách ưu đãi đầu tư cụ thể cho lĩnh vực này. Các mặt hàng nông sản của vùng như: gạo, thủy sản, trái cây... có mặt ở nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới nhưng chủ yếu là chế biến thô, sản phẩm tinh chế, giá trị gia tăng không nhiều. Lý giải vấn đề này, nhiều chuyên gia nhận định, các DN hoạt động trên lĩnh vực nông nghiệp đang hoạt động dưới tiềm năng, khả năng tài chính có hạn nên đầu tư cho công nghệ hạn chế, khiến nông sản khi xuất khẩu rất chật vật khi vào thị trường khó tính, hoặc vấp phải rào cản thương mại, kỹ thuật.

 Phó Thủ tướng
Vũ Văn Ninh cùng lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, tỉnh Sóc Trăng tặng hoa cho các đơn vị ủng hộ an sinh xã hội cho vùng ĐBSCL tại MDEC - Sóc Trăng 2014. Ảnh: ANH KHOA

Tỉnh Long An là địa phương dẫn đầu khu vực ĐBSCL về dự án FDI, với 536 dự án, tổng vốn đầu tư là 4,09 tỉ USD, chiếm 59,4% tổng số dự án và 34,5% tổng vốn đầu tư đăng ký của vùng. Nhưng thu hút đầu tư trên lĩnh vực nông nghiệp cũng rất khiêm tốn. Theo ông Phạm Văn Rạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An, đến nay, ngoài 31 dự án công nghiệp phục vụ nông nghiệp (sản xuất thức ăn, chế biến lương thực, thực phẩm), vốn đăng ký 500 triệu USD, tỉnh mới tiếp nhận được 5 dự án trực tiếp đầu tư vào nông nghiệp (trang trại, sản xuất hạt giống, chăn nuôi gia công), vốn đăng ký 9,4 triệu USD. “Nguyên nhân thu hút đầu tư vào nông nghiệp gặp khó khăn do hoạt động đầu tư vào nông nghiệp chứa đựng nhiều rủi ro. Sản xuất nông nghiệp còn mang tính chất nông hộ, quy mô nhỏ, thiếu tính liên kết. Hệ thống pháp lý, cơ chế, chính sách đối với các nhà đầu tư FDI trong nông nghiệp dù đã có nhưng thiếu tính khả thi, nhất là chính sách về đầu tư, thuế, đất đai, vốn tín dụng. Hạ tầng yếu kém, nhất là hạ tầng điện, nước, giao thông... chưa đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư, khâu chế biến và bảo quản chưa phát triển, đầu ra sản phẩm chưa cao”- ông Rạnh cho biết.

Lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng và nhà đầu tư ký kết bản ghi nhớ cam kết đầu tư dự án tại địa phương. Ảnh: ANH KHOA 

Không chỉ thu hút vốn FDI hạn chế mà dòng vốn ODA đầu tư vào vùng cũng rất ít. Trong giai đoạn 1993-2014, tổng giá trị vốn ODA cho vùng ĐBSCL được ký thông qua các Hiệp định với các nhà tài trợ đạt khoảng 5,76 tỉ USD, chiếm 8,2% so với tổng nguồn vốn ODA ký kết của cả nước. Trong số các dự án ODA đã được ký kết, có khoảng hơn 500 triệu USD đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Trong 9 tháng đầu năm 2014, có 2 dự án ODA của IFAD (Quỹ phát triển nông nghiệp quốc tế) giá trị 34 triệu USD đầu tư cho lĩnh vực thích ứng biến đổi khí hậu ở hai tỉnh Bến Tre và Trà Vinh. Ông Nguyễn Văn Hiếu, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT cho rằng, sản xuất nông nghiệp của vùng có phát triển nhưng chưa bền vững, phát triển công nghệ cao còn nhiều bất cập. Thiếu quy hoạch, dự báo thị trường nên tình hình tiêu thụ các mặt hàng chiến lược gặp khó khăn làm giảm thu nhập của người sản xuất. Hầu hết các DN có quy mô nhỏ, năng lực cạnh tranh yếu. Chuyển dịch cơ cấu nội bộ ngành còn lúng túng; hạ tầng cơ sở chưa đồng bộ... là những rào cản chính khiến thu hút đầu tư vào vùng khó khăn. Do đó, các địa phương trong vùng cần liên kết để thu hút đầu tư có trọng điểm, dự án phải mang tính chất vùng, tính khả thi cao.

Cần chiến lược dài hơi

Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho biết: “Các lĩnh vực mà ĐBCSL có tiềm năng lớn trong thu hút vốn FDI là: giống cây trồng, hóa chất nông nghiệp, trang trại trồng lúa, thú y, nhà máy gạo tổng hợp, sản xuất thức ăn. Các địa phương cần đề ra mục tiêu chiến lược, chuẩn bị tài liệu xúc tiến chi tiết và mô tả dự án phải đảm bảo tính khả thi cao. Tiến hành đánh giá sâu hơn về các thị trường toàn cầu và khu vực cho các sản phẩm nông sản của vùng. Cần nâng cao chỉ số PCI của các địa phương; tăng đầu tư công nghệ bằng mô hình hợp tác công- tư. Bởi hợp tác công- tư là một yếu tố cốt lõi của các chương trình phát triển nông nghiệp vùng ĐBSCL”. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết, trong quá trình cạnh tranh toàn cầu ngày càng cao thì tái cơ cấu ngành nông nghiệp cần tập trung rà soát vùng chuyên canh, quy hoạch vùng chuyên canh gắn với nhà máy và phải đầu tư chiều sâu. Cần ưu tiên vốn ODA cho vùng để đầu tư hạ tầng giao thông, rút ngắn khoảng cách vận chuyển nội vùng, liên vùng. Song song đó, khuyến khích các DN đầu tư công nghệ, hỗ trợ các hợp tác xã đổi mới công nghệ. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, nghiên cứu hỗ trợ phí xuất khẩu cho một số mặt hàng nông sản chủ lực. Phải liên kết vùng, liên kết viện, trường để đầu tư cho công nghệ giống, xử lý chất thải…

Ông Đoàn Duy Khương, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, nói: “Để tạo động lực mới thúc đẩy tăng trưởng cho vùng ĐBSCL cần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường. Phát triển nhanh nguồn lực chất lượng cao gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng. ĐBSCL có nhiều tiềm năng phát triển nên cần đặt trong tương quan với các vùng kinh tế trọng điểm cả nước, với các quốc gia trên thế giới để tạo định vị cho vùng. Đồng thời, cần có mô hình tài chính phù hợp hỗ trợ cho sự phát triển của vùng để nâng cao đời sống cho người dân”. Song song đó, các DN trong vùng cần chủ động tìm hiểu thị trường, thị hiếu tiêu dùng của các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, tìm hiểu nhu cầu tiêu dùng trong nước để đề ra chiến lược sản xuất kinh doanh hiệu quả.

Trong khuôn khổ MDEC- Sóc Trăng 2014 vừa qua, kiến nghị chính sách đầu tư cho vùng, nhiếu ý kiến cho rằng, các địa phương vùng ĐBSCL cần chủ động rà soát chính sách, tạo môi trường đầu tư thông thoáng; đơn giản hóa các thủ tục hành chính. Tăng cường liên kết vùng trong quy hoạch, lập danh mục dự án mời gọi đầu tư. Đổi mới và nâng cao chất lượng xúc tiến đầu tư đi kèm với đào tạo nguồn nhân lực đủ tầm để thực hiện nhiệm vụ này. Ông Nguyễn Phong Quang, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, cho biết: “Hoạt động xúc tiến đầu tư của ĐBSCL có nhiều tiến bộ, dự án ODA, FDI tăng theo từng năm. Tuy nhiên, xúc tiến đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn còn hạn chế. Lẽ đó, trong khuôn khổ MDEC, các tỉnh, thành vùng ĐBSCL đưa ra 67 dự án trọng điểm trên lĩnh vực nông nghiệp, tổng vốn đầu tư khoảng 22.000 tỉ đồng và 1,4 tỉ USD để mời gọi nhà đầu tư trong và ngoài nước đến vùng”. Nhiều ý kiến cho rằng, biến đổi khí hậu là thách thức lớn cho vùng, cần xây dựng chương trình phát triển nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu và xây dựng thương hiệu cho nông sản, hỗ trợ DN đầu tư công nghệ, xây dựng thương hiệu để nâng cao năng lực cạnh tranh.

Gia Bảo

Chia sẻ bài viết