24/02/2015 - 09:10

TẠO SỨC BẬT MỚI ĐỂ VƯƠN KHƠI

Chào năm mới 2015, cộng đồng doanh nghiệp TP Cần Thơ tiếp tục bước vào chặng hành trình mới, vượt qua khó khăn, thách thức để ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh, giữ vững mục tiêu tăng trưởng. Mỗi doanh nghiệp với những thế mạnh riêng, thị trường riêng nhưng với mục tiêu chung là tạo nên sức bật mới trong quá trình tìm kiếm thị trường, chinh phục khách hàng, phấn đấu doanh thu năm sau cao hơn năm trước.

* Bà Nguyễn Thị Bích Tuyền, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Quốc tế Tri-Viet:
QUYẾT TÂM NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG SẢN PHẨM

 

Công ty TNHH Quốc tế Tri-Viet đã có 7 năm hoạt động tại Khu công nghiệp Trà Nóc 2, TP Cần Thơ. Quyết định chọn TP Cần Thơ làm điểm đến đầu tư vì nơi đây là trung tâm vùng Đồng bằng sông Cửu Long nơi có nguồn lao động dồi dào, cơ sở hạ tầng ngày một hoàn thiện. Hiện công ty phụ trách gia công găng tay bóng chày để xuất khẩu sang các thị trường Nhật, Mỹ, Canada. Công ty có khoảng 600 công nhân đang làm việc với mức lương bình quân 4 triệu đồng/người/ tháng. Các chế độ chính sách cho người lao động luôn được đảm bảo để công nhân yên tâm gắn bó lâu dài. Giá trị xuất khẩu bình quân hàng năm của công ty đạt khoảng 3 triệu USD/năm, với mức tăng trưởng mỗi năm từ 20-30%. Đến năm 2014 mức tăng này chậm lại do công ty đã khai thác tối đa công suất đầu tư dây chuyền sản xuất, nhà xưởng. Do đó, công ty sẽ tiếp tục tập trung vào đào tạo, nâng cao tay nghề của đội ngũ công nhân, không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, gia tăng uy tín và sự hài lòng đối với khách hàng.

* Ông Tanit Wongdumrongdet, Giám đốc nhân sự Công ty TNHH Công nghiệp thực phẩm PATAYA:
ĐỀ NGHỊ THÀNH PHỐ TIẾP TỤC ĐẦU TƯ HẠ TẦNG, DỊCH VỤ LOGICTICS

 

PATAYA là doanh nghiệp 100% vốn đầu tư Thái Lan, chuyên về lĩnh vực chế biến thủy hải sản đóng hộp thành phẩm. Từ giữa năm 1997, PATAYA ký hợp đồng thuê đất tại KCN Trà Nóc 1 và bắt đầu xây dựng nhà máy. Đến năm 2002, cơ sở hạ tầng của công ty đã hoàn thiện, sản xuất và xuất khẩu hàng hóa tới thị trường Châu Âu, Châu Mỹ. Qua 15 năm hoạt động, Công ty nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình của các sở, ngành hữu quan của TP Cần Thơ, giúp công ty tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và phát triển sản xuất kinh doanh một sách ổn định. Với vai trò là một công ty nước ngoài đầu tư tại TP Cần Thơ, PATAYA nghiêm chỉnh thực hiện theo đúng pháp luật Việt Nam và luôn mong muốn đóng góp vào sự phát triển của TP Cần Thơ theo chủ trương của công ty mẹ tại Thái Lan. Năm 2014, doanh thu của công ty đạt 40 triệu USD. Mục tiêu sắp tới của PATAYA là tiếp tục tập trung sản xuất các sản phẩm thủy, hải sản đóng hộp có giá trị gia tăng cao, tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm gắn với duy trì và gia tăng thêm khách hàng, đối tác ở các thị trường truyền thống. Song song đó, công ty cũng mong muốn thành phố tiếp tục quan tâm đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng cảng, phát triển dịch vụ logictics để tạo thuận lợi cho công ty trong quá trình nhập khẩu nguyên liệu chế biến và xuất khẩu hàng hóa ra thị trường thế giới.

* Ông Đỗ Đoan, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Vinataba Philip Morris:
PHẤN ĐẤU ĐÓNG GÓP NGÂN SÁCH 1.400 TỈ ĐỒNG

 

Năm 2014, Công ty sản xuất 205 triệu bao thuốc lá với doanh thu 2.400 tỉ đồng, nộp ngân sách 1.200 tỉ đồng. Nhìn chung, sản lượng thuốc lá sản xuất sụt giảm so với năm 2013 do ảnh hưởng của các loại thuốc lá lậu trên thị trường. Tuy nhiên với việc Chính phủ ban hành Chỉ thị 30/CT-TTg (ngày 30-9-2014) "Về việc tăng cường công tác đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá" nhằm từng bước ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng buôn lậu, vận chuyển, tàng trữ, buôn bán thuốc lá nhập lậu sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất thuốc lá trong nước. Song song đó, ngày 26-12-2014, Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 2371/QĐ-TTg "Về việc thực hiện tiêu hủy thuốc lá nhập lậu bị tịch thu" thay cho Quyết định 1112/QĐ-TTg (ngày 21-8-2012) "Về việc thí điểm tái xuất thuốc lá còn chất lượng nhập lậu bị tịch thu". Với chủ trương về ngăn chặn thuốc lá nhập lậu sẽ tạo điều kiện để Công ty TNHH Vinataba Philip Morris chủ động trong các kế hoạch tổ chức sản xuất, kinh doanh. Theo đó, năm 2015, công ty dự kiến sản xuất 220 triệu bao thuốc lá, phấn đấu đạt doanh thu 2.800 tỉ đồng và đóng góp cho ngân sách thành phố khoảng 1.400 tỉ đồng.

* Ông Hồ Minh Khải, Giám đốc Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Cờ Đỏ:
TRIỂN VỌNG THỊ TRƯỜNG XUẤT KHẨU GẠO THƠM

 

Xuất khẩu gạo năm 2014 khá chật vật. Tuy nhiên điểm đáng chú ý là sản lượng gạo thơm xuất khẩu năm qua lại tăng (1,3 triệu tấn so với năm 2013 900.000 tấn). Đây là tín hiệu vui cho nông dân sản xuất lúa và doanh nghiệp xuất khẩu gạo khi chuyển từ sản xuất các giống lúa thường chất lượng thấp sang các giống lúa chất lượng cao. Gạo thơm từ giống lúa Jasmine 85 hiện là đối tượng xuất khẩu chính của Việt Nam. Giống này nếu trồng ở vụ đông xuân thì năng suất không có sự chênh lệch lớn so với các giống lúa thường. Mặt khác, khi xuất khẩu giá lại cao hơn khoảng 200 USD/tấn so với gạo thường. Đây là điểm mấu chốt để Việt Nam tăng kim ngạch xuất khẩu gạo trong những năm tới. Tuy nhiên, về lâu dài, ngành nông nghiệp phải vào cuộc để chọn ra một bộ giống mang tính chất chiến lược với những quy định, tiêu chuẩn rõ ràng để nông dân và doanh nghiệp cùng tuân thủ, từ đó làm ra sản phẩm chất lượng ổn định, kiểu hình đồng nhất...

* Bà Phạm Thị Việt Nga, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Dược Hậu Giang (DHG Pharma):
TĂNG KHÁCH HÀNG NHỎ, GIỮ KHÁCH HÀNG LỚN

 

Năm 2014, DHG Pharma hoàn thành xuất sắc chỉ tiêu, kế hoạch đề ra, với doanh thu thuần là 3.913 tỉ đồng, vượt 1% kế hoạch, tăng trưởng 15% so với năm 2013. Sau 10 năm cổ phần hóa (2004-2014), thị phần thuốc sản xuất trong nước của DHG Pharma tăng từ 7,8% lên 11%; doanh thu thuần tăng từ 451 tỉ đồng lên 3.913 tỉ đồng (tăng 8,7 lần)… Tiếp nối những thành quả này, năm 2015 và những năm tiếp theo, DHG Pharma xác định thay đổi định hướng chiến lược kinh doanh theo hướng mở rộng hợp tác, khai thác tối đa lợi thế cạnh tranh để tồn tại, giữ vững nhịp độ tăng trưởng. Đặc biệt, để đảm bảo doanh thu tăng và hạn chế rủi ro, chúng tôi xây dựng phương án kinh doanh tăng khách hàng nhỏ, giữ khách hàng lớn. Theo đó, DHG Pharma tìm đối tác phù hợp để học tập, trao đổi kinh nghiệm, từng bước sánh vai cùng các tập đoàn dược phẩm lớn trên thế giới. Đồng thời, khai thác có hiệu quả lợi thế hệ thống bán hàng, mối quan hệ khách hàng; phân chia danh mục sản phẩm DHG theo phân khúc thị trường, thu nhập và độ tuổi để tăng đa dạng hóa khách hàng từ đó tăng sản lượng, doanh thu…

Dây chuyền sản xuất găng tay bóng chày của Công ty TNHH Quốc tế Tri-Viet. Ảnh: MINH HUYỀN 

MINH HUYỀN - MỸ THANH

Chia sẻ bài viết