01/03/2014 - 21:17

Tạo lực đẩy cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

Hiện TP Cần Thơ có hơn 10.800 doanh nghiệp (DN) đang hoạt động, trong đó DN nhỏ và vừa (DNNVV) chiếm khoảng 90%. Tỷ trọng đóng góp của các DNNVV khá cao trong các chỉ tiêu phát triển kinh tế của thành phố, song quy mô nhỏ, trình độ công nghệ lạc hậu, năng lực quản trị yếu, thiếu vốn kinh doanh… đã ảnh hưởng lớn đến khả năng cạnh tranh và mở rộng sản xuất kinh doanh. Lẽ đó, thành phố đang chú trọng triển khai chương trình đổi mới công nghệ hỗ trợ phát triển DNNVV giai đoạn 2013-2017 để từng bước giúp DN nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường.

* Những rào cản

Theo Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) TP Cần Thơ, hoạt động sản xuất kinh doanh của DNNVV trên địa bàn thành phố còn nhiều khó khăn, sản phẩm chưa có sức cạnh tranh cao trên thị trường. Đa phần các DN thiếu vốn để đầu tư đổi mới dây chuyền công nghệ, việc tiếp cận nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng rất khó do DN không đáp ứng đủ các điều kiện mà ngân hàng đưa ra, nhất là tài sản thế chấp để vay vốn, có phương án kinh doanh khả thi… Ông Nguyễn Văn Ngọc, Trưởng phòng Quản lý Công nghệ, Sở KH&CN, cho biết "Mặc dù sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của thành phố tăng dần qua từng năm, nhưng ứng dụng công nghệ trong các ngành sản xuất còn thấp. Chẳng hạn như ngành chế biến rau quả: công nghệ, thiết bị sản xuất chủ yếu quy mô nhỏ và bán cơ khí; ngành xay xát gạo trình độ công nghệ tương đối thấp; ngành cơ khí công nghệ sản xuất chủ yếu là bán tự động, tuy nhiên vẫn chưa đồng bộ, chủ yếu sử dụng máy móc, thiết bị trong nước sản xuất…". Theo ông Ngọc, DNNVV thiếu vốn đầu tư, nên cập nhật thông tin khoa học công nghệ cũng thiếu nhanh nhạy, việc đổi mới công nghệ và thiết bị sản xuất còn chậm hoặc chuyển đổi không đồng bộ khiến hiệu quả đổi mới không cao, chưa đạt năng suất, chất lượng sản phẩm như kỳ vọng.

DNNVV rất khó thay đổi dây chuyền công nghệ đồng loạt mà phải thay dần tùy vào nhu cầu đầu tư và khả năng tài chính của đơn vị. Trong ảnh: Hoạt động sản xuất của DNTN Cơ khí Sông Hậu.

UBND thành phố đã ban hành Chương trình Đổi mới công nghệ hỗ trợ phát triển DNNVV TP Cần Thơ giai đoạn 2013-2017, với mục tiêu khuyến khích các DNNVV triển khai ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới, phù hợp với xu hướng phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, hạn chế tác động đến môi trường, tiết kiệm năng lượng. Khuyến khích các DNNVV thành lập quỹ phát triển khoa học và công nghệ trong DN để đa dạng nguồn kinh phí đầu tư cho nghiên cứu, đổi mới, hoàn thiện công nghệ. Sở KH&CN thành phố có trách nhiệm phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ cùng các đơn vị liên quan xây dựng cơ sở dữ liệu về công nghệ mới, công nghệ tiên tiến để tạo điều kiện cho DN khai thác, sử dụng đổi mới công nghệ. Tuy nhiên, nhiều DN cho biết do nội lực yếu, DN rất khó thay đổi dây chuyển công nghệ đồng loạt mà phải thay dần tùy vào nhu cầu đầu tư và khả năng tài chính của đơn vị. Thành phố có chương trình hỗ trợ phát triển công nghệ cho DN, nhưng điều mà các DN băn khoăn là làm thế nào để đáp ứng các nội dung trong hồ sơ đăng ký tham gia chương trình.

Ông Tăng Hồng, Giám đốc DNTN Cơ khí Sông Hậu, nói: "Chuyển đổi công nghệ đối với DNNVV là điều kiện cần thiết vì DN phải thay đổi để thích ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường. Tuy nhiên, khả năng quản trị còn hạn chế, không có bộ phận chuyên môn phụ trách lập dự án đổi mới công nghệ phù hợp với yêu cầu của chương trình. Hiện nay, môi trường cạnh tranh đối với các DNNVV ngày càng khốc liệt. Chính vì thế hướng hỗ trợ thiết thực nhất vẫn là hỗ trợ DN tiếp cận vốn vay từ ngân hàng với lãi suất ưu đãi để đầu tư đổi mới công nghệ, trang thiết bị hiện đại". Một số DN cho rằng, để hỗ trợ DN thì việc cung cấp thông tin 2 chiều giữa DN và các sở ngành hữu quan phụ trách chương trình hỗ trợ DNNVV phát triển công nghệ cần công khai, minh bạch giúp DN thuận lợi trong việc hoạch định kế hoạch đổi mới công nghệ.

* Đưa chương trình vào thực tiễn

Theo Sở KH&CN thành phố, để tham gia Chương trình Đổi mới công nghệ hỗ trợ phát triển DNNVV TP Cần Thơ giai đoạn 2013-2017 của thành phố, DN cần đáp ứng các điều kiện như: DN phải hoạt động đúng ngành nghề đã đăng ký kinh doanh, thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ thuế theo quy định hiện hành của Nhà nước. Việc thực hiện những dự án nghiên cứu ứng dụng, hoàn thiện, đổi mới công nghệ, thiết bị phải có tính mới, tính tiên tiến, tính hiệu quả, tính bền vững so với công nghệ, thiết bị cũ của DN. Đồng thời ưu tiên đối với dự án có thể nhân rộng và tính khả thi cao khi thực hiện... Theo đó, những DN được ưu tiên tham gia chương trình là DN sản xuất các sản phẩm chủ lực của thành phố; sản xuất hàng xuất khẩu, các mặt hàng thành phố ưu tiên phát triển. Các DN đạt Giải thưởng Chất lượng Quốc gia; DN có trích lập Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của DN; có phòng Nghiên cứu và Phát triển (R&D); thực hiện tốt các chế độ báo cáo về hoạt động tổ chức triển khai đổi mới công nghệ, thống kê khoa học và công nghệ của DN theo quy định hiện hành của nhà nước; DN Khoa học và Công nghệ...

Ông Trương Quốc Trạng, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Cần Thơ, cho biết: Kết quả khảo sát DN trong năm 2013 của Tổ hỗ trợ DN thành phố cho thấy, hiện lãi suất vay ngân hàng đã giảm song khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế chưa cao. DN muốn tiếp cận vốn để đổi mới trang thiết bị, đầu tư cho hoạt động sản xuất còn hạn chế, nhất là đối với DNNVV. Vì thế trong năm 2014, các sở, ngành hữu quan của thành phố sẽ phối hợp để rà soát, nắm tình hình hoạt động của các DN, nhu cầu cải tiến kỹ thuật công nghệ, cải tiến chất luợng sản phẩm. Từ đó hỗ trợ kịp thời cho DN chuyển đổi công nghệ hiện đại.

Theo ông Nguyễn Văn Ngọc, Trưởng phòng Quản lý Công nghệ, Sở KH&CN, triển khai Chương trình hỗ trợ DN nhỏ và vừa giai đoạn 2013-2017, đến cuối quý I/2014, Sở Khoa học và Công nghệ sẽ hoàn thành việc xây dựng các biểu mẫu liên quan đến chương trình và tổ chức thông tin về chương trình đến các DN để DN có thể nộp hồ sơ đăng ký tham gia. Đến cuối tháng 6-2014 sẽ tiến hành mở hồ sơ thành lập hội đồng xét duyệt. Kế hoạch năm 2014 sẽ phân bổ 1,2 tỉ đồng cho DN tham gia chương trình, ngoài ra sẽ kèm theo hỗ trợ chi phí quảng bá chương trình; hỗ trợ đào tạo về nghiên cứu phát triển, quản trị công nghệ và cập nhật công nghệ mới cho các kỹ thuật viên và cán bộ quản lý của DN, hỗ trợ DN cách viết hồ sơ đăng ký tham gia chương trình. Từ nay đến năm 2017 phấn đấu hỗ trợ 40 DNNVV trên địa bàn thành phố nghiên cứu ứng dụng và đổi mới, hoàn thiện công nghệ. Các nguồn lực đầu tư cho các DN này mang tính chất như những dự án "mồi" để làm động lực thúc đẩy các DN hoạt động trong ngành cùng phát triển.

Bài, ảnh: MINH HUYỀN

Chia sẻ bài viết