30/11/2013 - 20:55

Tạo động lực phát triển và hội nhập

Trong xu thế toàn cầu hóa, liên kết, hợp tác phát triển là động lực quan trọng, giúp tăng năng lực cạnh tranh của các địa phương, doanh nghiệp (DN), song kết nối đầu tư, hài hòa lợi ích các bên tham gia chưa thỏa đáng. Theo dự báo của các cơ quan chuyên môn, các nhà kinh tế, những năm tới, nền kinh tế thế giới vẫn phục hồi chậm, tác động lớn đến nền kinh tế Việt Nam, DN tiếp tục đối mặt với "sóng to, gió lớn". Ứng phó với tình hình này, các DN cần đẩy mạnh liên kết, hợp tác để trụ vững trong hội nhập.

Nhiều rủi ro trong kinh doanh

Số lượng DN vùng ĐBSCL hiện chiếm khoảng 8,5% tổng số DN cả nước và phần lớn là DN vừa và nhỏ, hoạt động sản xuất kinh doanh chủ yếu dựa vào thế mạnh nông thủy sản của vùng. Thời gian qua, cộng đồng DN vùng có nhiều đóng góp quan trọng cho sự phát triển của vùng, đảm bảo an sinh xã hội. Song, xuất phát điểm thấp, năng lực cạnh tranh hạn chế, kinh tế khó khăn kéo dài những năm qua khiến nhiều DN lâm vào cảnh phá sản, nợ nần, bị xếp hạng tín dụng kém, có DN phải bán tài sản để trang trải các khoản nợ, cắt lỗ. Theo báo cáo của các cơ quan chuyên môn, con số ngừng hoạt động, giải thể của DN trên thực tế cao hơn nhiều số liệu báo cáo.

Ông Nguyễn Văn Diệp, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long, cho biết: "Trong 9 tháng đầu năm 2013, tỉnh có 53 DN giải thể, nhưng đây chỉ là số mà DN đến cơ quan chức năng báo cáo, còn thực tế số lượng DN tự giải thể, ngưng hoạt động không báo cáo cũng không nhỏ. Toàn tỉnh hiện có khoảng 3.400 DN đang hoạt động, nhưng chỉ 27% trong số này tiếp cận được vốn ngân hàng". Theo ông Diệp, có 5 nguyên nhân khiến DN khó tiếp cận vốn tín dụng, đó là: Khả năng tài chính hạn chế, có DN vay vốn lưu động 100% tại ngân hàng nên khi lãi suất biến động, DN khó xoay xở. Thứ hai là nhiều DN thua lỗ kéo dài, không còn tài sản thế chấp; tiếp đến là một số DN trước đó mở rộng kinh doanh vượt quá tầm kiểm soát, sử dụng vốn ngắn hạn đầu tư cho trung dài hạn nên rủi ro cao. Thứ tư là nhiều DN không tự cứu mình mà vẫn trông chờ vào chính sách Nhà nước; cuối cùng là DN thiếu liên kết trong sản xuất, kinh doanh. Những yếu kém này làm cho năng lực cạnh tranh của DN giảm rõ rệt.

Khách hàng mua sắm tại siêu thị Co.opmart Cần Thơ. Ảnh: NAM HƯƠNG

Bà Nguyễn Mỹ Thuận, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội DN TP Cần Thơ (CBA), cho rằng DN kinh doanh với rất nhiều rủi ro phải chấp nhận. Lợi nhuận của DN cũng không thể tính toán một cách chắc chắn như ngân hàng, vì còn bị chi phối rất nhiều yếu tố khách quan như: thị trường, đối thủ cạnh tranh, sự thay đổi về quản lý điều hành kinh tế trong chính sách và chủ trương của Nhà nước, những biến động kinh tế toàn cầu… DN kinh doanh khi thấy cơ hội thị trường, còn lợi nhuận tính sau và lợi nhuận của DN phụ thuộc rất nhiều yếu tố bên ngoài nên họ không thể nào tính toán lợi nhuận chắc chắn. Dù vậy, DN vẫn dám kinh doanh, nếu tính toán và để nắm chắc phần thắng mới kinh doanh thì Việt Nam sẽ không có số lượng DN như hiện nay.

Nhiều ý kiến của chuyên gia kinh tế cho rằng, nền kinh tế trong nước vẫn đang khó khăn, DN tiếp tục đối mặt với áp lực lớn trong ngắn hạn do nền kinh tế chưa thể trở lại quỹ đạo tăng trưởng nhanh trong vòng 1-2 năm tới. Do vậy, cần chính sách thỏa đáng hơn cho các DN đang tồn tại, vực dậy DN còn khả năng phát triển. Trong đó, cần chú trọng liên kết giữa các DN cùng ngành hàng, liên kết giữa sản xuất và phân phối để tạo ra thương hiệu mạnh.

Cần "hạt nhân" đoàn kết

Mới đây, trong khuôn khổ MDEC- Vĩnh Long 2013, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ phối hợp cùng Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), UBND tỉnh Vĩnh Long tổ chức Diễn đàn DN vùng ĐBSCL- TP Hồ Chí Minh- Hà Nội nhằm kết nối ĐBSCL với 2 trung tâm kinh tế lớn cả nước, kết nối đưa cộng đồng DN vùng lớn mạnh hơn. Ông Bùi Ngọc Sương, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, cho biết: "Diễn đàn lần này nhằm tìm giải pháp, đưa ra kiến nghị, đề xuất lên Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN trong xu thế khó khăn chung của cả nước. Và cũng là dịp để các DN vùng ĐBSCL cùng DN TP Hồ Chí Minh, Hà Nội ngồi lại với nhau tìm ra lối mở, nâng tầm hợp tác thời gian tới". Song muốn làm được điều này cần có "hạt nhân" đóng vai trò kết nối.

Tại Diễn đàn DN, đại diện một số Hiệp hội DN, các DN chuyên ngành thủy sản, bất động sản, thực phẩm đều nhìn nhận yếu kém nội tại của DN vùng do nhiều nguyên nhân như: xuất phát điểm thấp, sản xuất kinh doanh phần lớn dựa vào vốn vay từ ngân hàng, nên biến động lãi suất tăng những năm trước đã khiến DN suy kiệt. Đối với DN ngành lương thực, thực phẩm, chế biến thủy sản thì cho rằng TP Hồ Chí Minh và Hà Nội là thị trường tiêu thụ nội địa lý tưởng cho sản phẩm của DN. Nhưng tiềm lực tài chính của DN, năng lực quản trị của DN vùng kém, rất cần sự đầu tư, hỗ trợ từ DN ở 2 đô thị lớn nhất cả nước. Ông Đoàn Duy Khương, Phó Chủ tịch VCCI, cho biết: Nông nghiệp- thủy sản vẫn là ngành mũi nhọn của vùng thời gian tới, các DN cần đẩy mạnh đầu tư công nghệ để nâng giá trị sản phẩm. DN cùng ngành hàng cần liên kết lại, chia sẻ khó khăn và phát triển thị trường, xây dựng sản phẩm mang thương hiệu vùng. Với trách nhiệm của mình VCCI sẽ tập hợp các kiến nghị của DN để trình Trung ương xem xét giải quyết; theo kế hoạch phát triển đến năm 2020, cả nước sẽ có khoảng 1 triệu DN, trong đó vùng ĐBSCL khoảng 150.000- 200.000 DN. Đây là nguồn lực góp phần thúc đẩy kinh tế vùng phát triển.

Bà Vũ Thị Hậu, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nhất Nam (chuỗi siêu thị Fivimart- Hà Nội), cho biết: "Fivimart sẵn sàng tiêu thụ hàng hóa cho DN vùng ĐBSCL thông qua kênh bán lẻ của mình. Hoạt động trong lĩnh vực bán lẻ 16 năm nay, số lượng hàng hóa tại Fivimart khoảng 90% là hàng Việt, đặc biệt là sản phẩm thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến và các sản phẩm rau củ đặc trưng của các vùng, miền. Hiện Fivimart bày bán nhiều mặt hàng nông sản của ĐBSCL (trái cây, gạo, nước mắm) chất lượng rất tốt và được người tiêu dùng Hà Nội tin tưởng, hưởng ứng". Theo bà Hậu, phân phối- bán lẻ là cầu nối quan trọng không thể thiếu trong việc gắn kết sản xuất và tiêu dùng. Vì vậy, quan tâm phát triển thị trường trong nước là điều tất yếu. Tuy nhiên, ngành bán lẻ trong nước còn thiếu tính chuyên nghiệp, thiếu sự gắn kết giữa sản xuất và tiêu dùng. Điều này cần lực đẩy từ chính sách của cơ quan Nhà nước trong việc hỗ trợ DN kết nối với nhau, đào tạo các nhà cung cấp cho ngành bán lẻ để các DN nâng cao năng lực cạnh tranh và tồn tại.

Song Nguyên

 

Chia sẻ bài viết