31/01/2013 - 14:12

Tiến sĩ Trần Thị Ngọc Sơn, Viện Lúa ĐBSCL; thành viên Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Cần Thơ; Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam:

Tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người tham gia, thực hiện và được thụ hưởng các lợi ích từ hoạt động khoa học, công nghệ

Hiến pháp là đạo luật rất quan trọng, việc sửa đổi Hiến pháp liên quan và ảnh hưởng trực tiếp đến toàn xã hội và từng người dân. Tôi xin có các ý kiến đóng góp cho Dự thảo sửa đổi Hiến pháp (DTSĐHP) như sau:

TS Trần Thị Ngọc Sơn đang trình bày ý kiến đóng góp về DTSĐHP năm 1992 do Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Cần Thơ tổ chức.  Ảnh: V.T 

Thứ nhất, về lời nói đầu, sau: "…trong thời kỳ quá độ" (trang 2 dòng 13 của DTSĐHP năm 1992): tôi đề nghị Ủy ban DTSĐHP năm 1992 bổ sung thêm "Trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế và biến đổi khí hậu toàn cầu" cho phù hợp với tình hình mới.

Thứ hai, về Khoa học công nghệ. Khoa học công nghệ đóng góp rất to lớn cho sự phát triển đất nước trong thời gian qua và Hiến pháp cũng đã xác định "Khoa học và công nghệ giữ vai trò then chốt, là động lực phát triển đất nước". Điển hình như Viện Lúa ĐBSCL là đơn vị sự nghiệp khoa học nằm trong vùng ĐBSCL, thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu và ứng dụng khoa học và công nghệ, đã chọn tạo ra hơn 100 giống lúa mới có năng suất cao, chất lượng tốt, có khả năng chống chịu sâu bệnh và thích nghi với các điều kiện khắc nghiệt của môi trường, góp phần không nhỏ vào việc tăng sản lượng lúa gạo hàng năm. Đặc biệt, sản lượng gạo xuất khẩu năm 2012 lên đến 7,7 triệu tấn, thu về 3,4 tỉ USD, tăng 8,2% giá trị kim ngạch xuất khẩu. Thế nhưng, thực tế hiện nay vẫn tồn tại một nghịch lý là những người làm nghiên cứu khoa học phải đối mặt với những thủ tục hành chính nhiêu khê. Ví dụ: Trong một dự án nghiên cứu khoa học thường phải mất từ 50 - 60% thời gian và nhân lực dành cho thủ tục thanh quyết toán tài chính. Muốn thanh toán công lao động kỹ thuật từ 120.000 đồng/công lao động cần phải có photo chứng minh nhân dân và bằng cấp đại học… Điều này vô hình trung gây nên sự tổn phí chất xám rất lớn.

Từ thực tế trên, theo tôi, Điều 67 của DTSĐHP năm 1992 (sửa đổi, bổ sung Điều 37 và Điều 38 của Hiến pháp năm 1992), cần bổ sung thêm sau chữ tham gia là chữ "thực hiện". Lý do: Nếu "Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người tham gia" thì chỉ mới nói lên được một vế là "tham gia", tức là "được vào cuộc". Nhưng những người đã ở "trong cuộc" thì thiếu phần đảm bảo điều kiện thuận lợi để họ hoàn thành trọng trách của mình. Ngoài ra, cần phải bổ sung thêm cơ chế khoán vào Luật Khoa học và Công nghệ, để tạo điều kiện tối ưu cho công tác nghiên cứu khoa học và công nghệ, tránh hiện tượng chảy máu chất xám ngày càng nhiều.

Thứ ba, về bảo vệ môi trường. Đây là vấn đề còn bỏ ngỏ và các cơ chế chính sách chưa cụ thể, quá trình thực hiện thì mỗi nơi mỗi kiểu. Ví dụ: Việc xử phạt người dân hoặc công ty làm ô nhiễm môi trường chưa đến nơi đến chốn, còn hình thức, trong khi người dân chưa hiểu và nắm rõ về luật môi trường (chưa thật sự đi vào lòng dân). Vì thế, tôi đề nghị cần bổ sung vào khoản 2, Điều 68 của DTSĐHP năm 1992 sau cụm từ "Nhà nước khuyến khích" là câu "Tăng cường giáo dục ý thức trách nhiệm bảo vệ môi trường cho từng cá nhân, từng tổ chức, đặc biệt là giáo dục ở trường học"…

Chia sẻ bài viết