15/03/2020 - 07:08

Tạo điều kiện để cư dân đô thị tiếp cận nhà ở xã hội 

TP Cần Thơ đã có một số dự án nhà ở xã hội, tạo điều kiện cho người dân đô thị, công nhân khu công nghiệp có thu nhập thấp an cư, ổn định cuộc sống lâu dài. Tuy nhiên, nhu cầu nhà ở xã hội còn rất lớn, trong khi số dự án triển khai xây dựng chưa đáp ứng hết nhu cầu. Do đó, cần chính sách khuyến khích phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn thành phố.

Dự án nhà ở xã hội Hồng Loan Cần Thơ. Ảnh: Quốc Anh

Nhu cầu lớn nhưng tài chính hạn chế 

Theo Sở Xây dựng TP Cần Thơ, từ năm 2001, Cần Thơ bắt đầu hình thành các khu quy hoạch dân cư, khu đô thị và kinh doanh bất động sản, nhà ở cũng sôi động trong giai đoạn 2001-2008. Từ năm 2016 đến nay, hàng loạt doanh nghiệp bất động sản đã tập trung đầu tư vào thành phố. TP Cần Thơ đã triển khai được 5 dự án nhà ở xã hội với 1.743 căn hộ. Qua điều tra, khảo sát về nhu cầu nhà ở xã hội của ngành chức năng, bước đầu nhu cầu đến năm 2020 hơn 40.800 người (số người tương đương với căn hộ hoặc đơn vị nhà ở). Nhu cầu này của những người nhập cư tìm mưu sinh trên địa bàn thành phố, sinh viên mới ra trường, công nhân làm việc tại các khu công nghiệp, doanh nghiệp, cán bộ - công chức, viên chức nhà nước… 

Anh Nguyễn Văn Bảy, đang buôn bán nhỏ ở chợ Phú An 586, quê ở Sóc Trăng lên Cần Thơ lập nghiệp mấy năm nay. Gia đình 4 người đều ở độ tuổi lao động, mỗi tháng thu nhập từ 15-20 triệu đồng. Cách nay 2 năm, anh dành dụm được 700-800 triệu đồng, anh dự tính mua căn nhà 1 trệt 1 lầu ở  khu dân cư 586, giá lúc đó khoảng 1,5 tỉ đồng/căn. Tuy nhiên, anh muốn mua căn rộng hơn với giá khoảng 1,7 tỉ đồng. Suy đi tính lại, anh không dám vay tiền mua nhà, cứ đợi lúc nhà giảm giá mới mua. Nhưng giá nhà cứ tăng lên, giờ căn nhà anh muốn mua đã lên gần 3 tỉ đồng. Ước mơ có một căn nhà của gia đình anh đã xa tầm với. Anh Bảy cho biết, đôi khi muốn mua 1 căn nhà ở xã hội để ở, nhưng không dễ chen chân và thủ tục cũng khó khăn…

Khác với anh Bảy, anh Nguyễn Văn Quyền, một nhân viên môi giới chi nhánh một công ty chứng khoán tại Cần Thơ, cách đây 2 năm, anh có dư khoảng 400 triệu đồng. Lúc đó anh định mua một nền nhà, tuy nhiên, giá đất tăng liên tục cuối cùng anh gửi ngân hàng. Hiện nay gia đình anh có khoảng 800 triệu đồng, muốn mua 1 nền đất trong hẻm làm nhà nhưng giá 800 triệu đồng chỉ mua được khoảng 30m2 đất thổ cư. Nếu muốn có nền lớn hơn, có thổ cư, xây nhà được phải từ 60-100m2 đất hẻm, giá hiện nay khoảng 1,5-2 tỉ đồng. Anh Quyền than: “Mua đất đã hụt tay, xây nhà nữa không thể nào kham nổi. Tôi muốn mua 1 căn hộ nhà ở xã hội đang xây dựng ở Khu đô thị Nam Cần Thơ, tuy nhiên dự án nhà ở xã hội Nam Long mới khởi công mấy tháng nay đã có khách hàng đặt chỗ hết rồi!”.

Đầu tư thêm nhà ở xã hội

Tại TP Cần Thơ, một số doanh nghiệp bất động sản triển khai xây dựng nhà ở xã hội: Dự án nhà ở xã hội Hồng Loan, Dự án nhà ở xã hội Caseamex, Dự án nhà ở xã hội Nam Long... Nhưng sản phẩm nhà ở xã hội chưa nhiều, không những cư dân đô thị có thu nhập thấp tiếp cận mua nhà gặp khó mà chủ đầu tư các dự án cũng gặp nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện dự án và đầu ra cho sản phẩm, do còn nhiều bất cập.

Tại Dự án nhà ở xã hội Nam Long-Hồng Phát có 187 căn hộ, 7 tầng; trong đó nhà ở thương mại 36 căn; nhà ở xã hội bán là 113 căn, số còn lại gần 40 căn được xét duyệt cho thuê. Diện tích mỗi căn trung bình 40m2. Giá mỗi căn gần 500 triệu đồng. Tuy mới khởi công khoảng 6 tháng nay nhưng đã có khách hàng đăng ký 100%. Hiện nay, có 71 hồ sơ đã được gởi Sở Xây dựng thành phố để xét duyệt đợt đầu…

Ông Nguyễn Chí Thảo, Phó Tổng Giám đốc Công ty Caseamex, phụ trách trong xây dựng và phân phối sản phẩm nhà ở xã hội của công ty, cho biết: “Trong 490 căn nhà ở xã hội xây dựng của dự án, đến nay chỉ bán được 100 căn, còn lại đang vướng thủ tục. Đất do công ty mua sau đó làm thủ tục giao lại Nhà nước, Nhà nước giao lại đất công ty xây dựng. Khi công ty xây dựng nhà ở xã hội gặp ngay lúc Nhà nước không cấp vốn vay xây dựng nhà ở xã hội nữa. Công ty phải xoay vốn để hoàn thành dự án. Khi có sản phẩm rồi, hiện nay chúng tôi đang kẹt vốn vay cho người mua nhà từ Ngân hàng Chính sách xã hội và thủ tục. Công ty có 800 công nhân, nhà ở xã hội có 490 căn, thế nhưng bây giờ mới giải quyết được 100 căn hộ, dự án đã thực hiện hơn 5 năm nay”.

Theo ông Nguyễn Chí Thảo, doanh nghiệp và đối tượng mua nhà ở xã hội gặp khó khăn vướng mắc ở Thông tư số 20/2016/TT-BXD, hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định 100/2015/NĐ-CP  về phát triển và quản lý nhà ở xã hội và văn bản số 2526/NHCS quy định của Ngân hàng Chính sách xã hội. Cụ thể như sau: xét hồ sơ theo hộ gia đình, trong hộ khẩu có người có thu nhập cao, phải đóng thuế thu nhập thì đối tượng xin mua nhà ở xã hội không được xem xét. Người xin mua nhà ở xã hội phải về địa phương xác nhận có tham gia Hội, đoàn thể, hộ nghèo… Đây cũng là khó khăn lớn, phần lớn viên chức, người lao động ít tham gia đoàn thể địa phương do tính chất công việc của họ. Một số làm việc ở các doanh nghiệp sản xuất, phần lớn là người lao động nghèo nhập cư nên quy định này đủ họ “rớt tiêu chuẩn”. Quy định người xin mua nhà ở xã hội phải được tất cả anh chị em trong hộ khẩu ký tên, đảm bảo chịu trách nhiệm về tài chính nếu người mua nhà không hoàn thành nghĩa vụ tài chính. Đây là cái khó cực kỳ, vì anh em chưa chắc ai cũng đồng thuận với nhau. Ông Thảo đề nghị Trung ương cần xem xét sửa đổi cho sát với tình hình thực tế, các quy định trên nếu áp dụng cứng nhắc doanh nghiệp xây dựng nhà ở xã hội và đối tượng thuê mua gặp nhiều khó khăn.

Ông Huỳnh Quốc Nam, Phó Tổng Giám đốc Phụ trách Kinh doanh Công ty Cổ phần Đầu tư Địa ốc Hoàng Quân Cần Thơ, cũng đề xuất Bộ Xây dựng, Chính phủ xem xét sửa đổi, bổ sung những quy định thông thoáng hơn, giúp doanh nghiệp giảm bớt khó khăn trong đầu tư xây dựng và bán nhà cho đối tượng thuê mua nhà ở xã hội thuận lợi hơn. Theo ông Nam, đối với doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, Chính phủ nên có nguồn vốn vay ưu đãi từ Quỹ Đầu tư phát triển hay Ngân hàng Chính sách xã hội để chủ đầu tư giảm bớt khó khăn. Cần có cơ chế, chính sách và giảm bớt những quy định quá phiền hà, gây khó cho người mua và ảnh hưởng doanh nghiệp. Hiện nay, hằng năm, Chính phủ có nguồn vốn vay để các địa phương phân bổ cho người vay mua nhà ở xã hội nhưng phần lớn nguồn vốn vay này khó tới tay đối tượng được vay do thủ tục phiền hà.

Quốc Anh - Hồng Bảo

Chia sẻ bài viết