08/08/2013 - 21:08

CẢI TẠO HỒ BÚNG XÁNG:

Tạo điểm nhấn cho thành phố

Với mục tiêu cải thiện môi trường cho hệ thống kênh rạch của TP Cần Thơ, Ban quản lý (BQL) Dự án nâng cấp đô thị (NCĐT) vùng ĐBSCL-Tiểu dự án TP Cần Thơ do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ đã đưa hồ Búng Xáng vào Hợp phần 2 của Tiểu Dự án để cải tạo môi trường và cảnh quan đô thị khu vực này. Hồ Búng Xáng sẽ gắn với khai thác du lịch xanh, tạo điểm nhấn cho thành phố trong tương lai.

Tìm phương án cải tạo hợp lý

Theo BQL Dự án NCĐT vùng ĐBSCL- Tiểu Dự án TP Cần Thơ, ngoài các hợp phần về nâng cấp hẻm, xây dựng hệ thống cấp thoát nước ở các khu dân cư thu nhập thấp, WB còn tài trợ cải tạo hệ thống kênh rạch hiện hữu trên địa bàn thành phố, ưu tiên những khu vực bức xúc nhằm cải thiện môi trường, chống ngập nghẹt và tạo mỹ quan đô thị. Ông Huỳnh Thanh Sử, Phó Giám đốc Dự án NCĐT vùng ĐBSCL- Tiểu Dự án TP Cần Thơ, cho biết: “Cải tạo hồ Búng Xáng góp phần tạo cảnh quan môi trường thân thiện, điều tiết nước, chống ngập. Ngoài ra, thành phố mong muốn sau khi dự án hoàn thành sẽ trở thành điểm nhấn và là điểm tham quan du lịch trong tương lai”. Hồ Búng Xáng có diện tích lớn, 18ha, nằm ở khu vực trung tâm TP Cần Thơ. Phần chi phí cải tạo, xây lắp và giải phóng mặt bằng của hồ ước tính khoảng 500 tỉ đồng.

Lãnh đạo thành phố, BQL Dự án NCĐT vùng ĐBSCL - Tiểu Dự án TP Cần Thơ nghiên cứu phương án thiết kế cải tạo hồ Búng Xáng.

Quá trình nghiên cứu phương án thiết kế hồ Búng Xáng đã được so sánh với công trình cải tạo hồ Xáng Thổi, phường An Cư- thuộc Dự án NCĐT TP Cần Thơ (còn gọi là Dự án 1, do WB tài trợ). Theo một số sở, ngành thành phố, dù được nạo vét, xây dựng bờ kè ven hồ, trồng cây xanh tạo cảnh quan, song hồ Xáng Thổi vẫn chưa là điểm đến tham quan của thành phố. Nguyên nhân là hạ tầng giao thông đấu nối vào khu vực hồ chưa đồng bộ, thông thoáng, cảnh quan kiến trúc quanh hồ đơn điệu, thiếu các hạng mục đi kèm để khai thác du lịch, chưa khai thác hợp lý phần diện tích mặt nước. Sau khi được cải tạo, hàng quán mọc lên ngày càng nhiều quanh hồ, tình trạng rác thải ứ đọng trong lòng hồ khiến nước dần bị ô nhiễm. Từ kinh nghiệm khai thác hồ Xáng Thổi, lãnh đạo thành phố yêu cầu BQL Dự án NCĐT vùng ĐBSCL-Tiểu Dự án TP Cần Thơ và các sở, ngành hữu quan phải quan tâm đến vấn đề bảo tồn, khai thác hợp lý hồ Búng Xáng.

Mới đây, lãnh đạo TP Cần Thơ cùng BQL Dự án, Trường Đại học Cần Thơ và các sở, ngành khảo sát thực tế hồ Búng Xáng để hình thành các phương án thiết kế phù hợp cải tạo hồ. Đoàn khảo sát kết luận bước đầu về cải tạo hồ Búng Xáng, ngoài cải thiện môi trường, TP Cần Thơ mong muốn nơi đây sẽ phục vụ phát triển du lịch và là nơi tổ chức một số hoạt động văn hóa, thể thao ngoài trời. Tuy nhiên, để khai thác hồ hiệu quả, cần tính toán thiết kế xây dựng hạ tầng giao thông đấu nối vào khu vực này. Theo ông Nguyễn Tấn Dược, Giám đốc Sở Xây dựng TP Cần Thơ, giao thông kết nối vào khu vực hồ chủ yếu là những con hẻm xuống cấp len lỏi trong các khu dân cư. Muốn phát triển du lịch cần phải mở những tuyến đường đấu nối từ trục giao thông chính hiện hữu như: đường 3-2, Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Văn Cừ vào khu vực hồ. Trong quá trình thiết kế phải cân nhắc rút ngắn khoảng cách lưu thông và tiết kiệm chi phí.

Tạo điểm nhấn du lịch

Ông Nguyễn Tấn Dược, Giám đốc Sở Xây dựng TP Cần Thơ cho rằng, mở rộng đường ở các khu vực tiếp giáp từ hồ Búng Xáng với Trường Đại học Cần Thơ cần xem xét tính khả thi, hiệu quả kinh tế và đảm bảo an ninh trật tự cho trường. Với 1/2 diện tích hồ Búng Xáng thuộc khuôn viên của Trường Đại học Cần Thơ (Khu 2), việc cải tạo hồ sẽ làm thay đổi đáng kể cảnh quan cho trường. Theo Phó Giáo sư-Tiến sĩ Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ, trong quy hoạch phát triển cơ sở hạ tầng, nhà trường rất mong phát triển khu vực hồ Búng Xáng thành khu du lịch bảo tồn tài nguyên lúa nước của ĐBSCL, gắn với các thành tựu khoa học kỹ thuật. Trường rất ủng hộ Dự án cải tạo hồ và cam kết sẽ đồng hành cùng BQL Dự án trong quá trình triển khai thực hiện, đề xuất các phương án thiết kế. Tuy nhiên, thiết kế hạ tầng giao thông phục vụ cho khu vực hồ cũng phải tính toán hợp lý để vừa khai thác hiệu quả vừa đảm an ninh trật tự cho khu vực trường vì nơi đây tập trung rất đông sinh viên.

Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Võ Thị Hồng Ánh cho biết, cải tạo hồ Búng Xáng sẽ cải thiện môi trường, chống ngập úng, bảo vệ hệ sinh thái trong lòng hồ. Theo định hướng lâu dài, TP Cần Thơ sẽ phát triển thành đô thị sinh thái đặc thù vùng sông nước Cửu Long. Việc khai thác hồ Búng Xáng phục vụ phát triển du lịch sẽ góp phần tạo điểm nhấn cảnh quan cho TP Cần Thơ. Vì thế, BQL Dự án NCĐT vùng ĐBSCL-Tiểu dự án TP Cần Thơ cần tiếp tục làm việc cụ thể với Trường Đại học Cần Thơ và các sở, ngành đề ra hướng quy hoạch xây dựng và sử dụng hợp lý. Từ đó, nghiên cứu đề xuất các phương án thiết kế để làm việc với đơn vị tư vấn thiết kế sau khi khâu tuyển chọn nhà thầu tư vấn thiết kế hoàn tất. Ngoài ra, các sở ngành hữu quan cần nghiên cứu quy hoạch hạ tầng giao thông đấu nối vào khu vực hồ để khai thác hiệu quả, phục vụ nhu cầu tham quan, du lịch, tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, lễ hội của thành phố trong tương tai.

Hiện nay, công tác đấu thầu quốc tế đang được triển khai và dự kiến cuối năm 2013 hoàn thành nhà thầu tư vấn thiết kế Dự án. BQL Dự án đang tích cực phối hợp với các sở ngành hữu quan nghiên cứu phương án thiết kế hồ Búng Xáng để  khai thác hiệu quả khu vực.

       Bài, ảnh: MINH HUYỀN

 

Chia sẻ bài viết