27/01/2021 - 05:03

Tạo cú hích để Cần Thơ phát triển nhanh, bền vững 

Ngày 7-8-2018, Chính phủ ban hành Nghị định 103/2018/NĐ-CP quy định một số cơ chế đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý đối với TP Cần Thơ (Nghị định 103). Nghị định nhằm thúc đẩy kinh tế - xã hội của thành phố phát triển nhanh và bền vững; tạo điều kiện để thành phố phát huy được lợi thế trở thành một trong những đô thị lớn của cả nước, là trung tâm công nghiệp, thương mại và dịch vụ của vùng ĐBSCL. Tuy nhiên, sau 2 năm triển khai thực hiện, Nghị định 103 bộc lộ những khó khăn, cản ngại đòi hỏi phải có những giải pháp, hướng đi mới để thúc đẩy kinh tế - xã hội thành phố tiếp tục có những bứt phá mới.

Hoạt động sản xuất của Công ty CP May Tây Đô.

Hoạt động sản xuất của Công ty CP May Tây Đô.

Qua 2 năm triển khai thực hiện Nghị định 103, đến nay TP Cần Thơ vẫn chưa nhận được các khoản vay trong nước. Riêng đối với vốn ODA do Chính phủ vay và Cần Thơ vay lại đã nhận được 417,579 tỉ đồng cho Dự án Phát triển TP Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị, Dự án Kè sông Cần Thơ - Ứng phó với biến đổi khí hậu là 53,834 tỉ đồng. Hiện Cần Thơ không có dự án đầu tư theo hình thức hợp tác công - tư PPP nên chưa đề nghị Chính phủ hỗ trợ kinh phí đầu tư. Về cơ chế đặc thù về ngân sách, Cần Thơ được Trung ương bổ sung có mục tiêu 70% số tăng thu, so với dự toán được Chính phủ giao. Theo đó năm 2018, được bổ sung 217,3 tỉ đồng, năm 2019 thu chưa đạt yêu cầu nên không được xét bổ sung…

Thực hiện cơ chế hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 103, UBND thành phố đã trình HĐND thành phố ban hành các nghị quyết về thực hiện cơ chế hỗ trợ lãi suất đối với các dự án ngoài ngân sách nhà nước, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ… Những chính sách này thu hút nguồn vốn đầu tư của xã hội, khuyến khích các doanh nghiệp trong nước đầu tư vào nhiều ngành nghề, lĩnh vực thành phố ưu tiên phát triển. Hiện nay, Cần Thơ cũng chưa dùng các khoản ngân sách nhà nước để thực hiện các dự án nhà ở xã hội. Ngoài ra, thành phố cũng có Quỹ dự trữ tài chính để bù đắp các khoản thâm hụt ngân sách hằng năm.

Bên cạnh những kết quả đạt được, trong 2 năm qua việc thực hiện Nghị định 103 vẫn chưa đạt được những kết quả nổi bật, chưa tạo được nền tảng để TP Cần Thơ tăng tốc phát triển. Thực tế cho thấy, công tác triển khai thực hiện Nghị định 103 chưa sâu rộng, nhiều đơn vị xem đây là nhiệm vụ chủ yếu của Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng nên việc phối hợp tổ chức thực hiện còn thiếu chặt chẽ, hiệu quả chưa cao. Theo ông Nguyễn Thành Phương, Phó Giám đốc Sở Tài chính TP Cần Thơ, mặc dù trần nợ công của thành phố được nâng lên 40% số thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp nhưng dự kiến sẽ đạt mức trần ở những năm tiếp theo. Điều này dẫn đến một số dự án bức xúc, có nhu cầu vốn vay không thể triển khai thực hiện, đặc biệt là các dự án về giao thông kết nối, hạ tầng đô thị, ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển nông nghiệp bền vững.

Ngày 5-8-2020, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 59-NQ/TW về việc xây dựng và phát triển TP Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Như vậy, việc kết hợp và lồng ghép việc thực Nghị quyết 59 và Nghị định 103 sẽ tạo cú hích để Cần Thơ có bước phát triển mới. Tuy nhiên, cần phải có cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý mạnh mẽ hơn để hỗ trợ, thúc đẩy TP Cần Thơ phát triển theo mục tiêu đề ra. Từ đó, TP Cần Thơ kiến nghị Trung ương đầu tư 2 dự án mang tính động lực kết nối vùng: Dự án Đường vành đai phía Tây Cần Thơ và Dự án Tuyến nối Ô Môn, Cần Thơ với Giồng Riềng, Kiên Giang với tổng số vốn là 3.180 tỉ đồng. Đồng thời, xây dựng phát triển cảng Cái Cui thành cảng biển quốc tế; nâng cấp phát triển cảng hàng không quốc tế Cần Thơ; xây dựng Trung tâm logistics hàng không, xúc tiến mở thêm các đường bay nội địa và quốc tế…

Ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công Thương TP Cần Thơ, cho biết: Nhu cầu vận chuyển hàng hóa nông sản bằng đường biển sang các nước, đặc biệt là khu vực ASEAN ngày càng trở nên bức thiết. Hiện nay hàng hóa khi chuyển lên TP Hồ Chí Minh, chi phí đội lên 10-12 USD/tấn. Điều này làm giảm năng lực cạnh tranh của nông sản đồng bằng cũng như hạn chế khả năng thu hút đầu tư vào ĐBSCL. Vì vậy, bên cạnh việc hoàn thành dự án luồng cho tàu biển 20.000 tấn vào sông Hậu (kênh Quan Chánh Bố) cần phải quan tâm đến việc nạo vét luồng Định An với hình thức xã hội hóa để đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra.

Về tỷ lệ điều tiết ngân sách về Trung ương, đề nghị thời kỳ ổn định ngân sách tiếp theo (giai đoạn 2021-2025) chấp thuận chủ trương cho TP Cần Thơ được điều chỉnh giảm tỷ lệ điều tiết về ngân sách Trung ương là 5%. Đề nghị nâng mức dư nợ của ngân sách thành phố không vượt quá 70% số thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp và nằm trong mức bội chi ngân sách nhà nước hằng năm được Quốc hội quyết định. Đây là điểm mấu chốt để giải quyết “điểm nghẽn” về hạ tầng phát triển đô thị; chuyển đổi cơ cấu sản xuất ngành nông nghiệp, công nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.

Nhiều ý kiến cho rằng, xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, TP Cần Thơ cần xác định danh mục dự án ưu tiên đầu tư ban hành kèm theo Nghị định 103; bố trí tập trung nguồn lực, tránh phân tán, đảm bảo đủ vốn để hoàn thành trong kỳ kế hoạch. Đó là những dự án có ý nghĩa chiến lược đối với phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, có tính kết nối và lan tỏa vùng, miền. Đồng thời, tạo đột phá thu hút nguồn vốn đầu tư tư nhân trong và ngoài nước tập trung đầu tư phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội quan trọng; các dự án hạ tầng xã hội phục vụ cộng đồng dân sinh...

Bài, ảnh: MỸ THANH

Chia sẻ bài viết