05/08/2017 - 15:52

Tạo cơ chế khuyến khích doanh nghiệp sáng tạo

Hội nhập kinh tế, với nhiều áp lực cạnh tranh đối với doanh nghiệp (DN) Việt Nam. Muốn tồn tại và phát triển, đòi hỏi DN phải liên tục đổi mới, sáng tạo và phải có chiến lược tiếp cận thị trường, song vấn đề này không phải DN nào cũng thực hiện được.

Sở Khoa học và Công nghệ TP Cần Thơ tư vấn, kết nối chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp tại “Festival Quốc tế Nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long” năm 2017. Ảnh: MINH HUYỀN

Sở Khoa học và Công nghệ TP Cần Thơ tư vấn cho doanh nghiệp tại “Festival Quốc tế Nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long” năm 2017. Ảnh: MINH HUYỀN

Khởi sắc, nhưng DN vẫn khó

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Cần Thơ, trong 7 tháng đầu năm chỉ số sản xuất công nghiệp của thành phố tăng 5,27% so cùng kỳ; trong đó chỉ số công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 7,01%.

Điểm sáng của kinh tế thành phố là kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng 19,8%, so với thời điểm 2 năm trước đây thì kim ngạch xuất khẩu bắt đầu khởi sắc trở lại.

Song song đó, số lượng DN đăng ký kinh doanh mới trên địa bàn thành phố cũng tăng so với cùng kỳ năm 2016, ước cấp mới đăng ký kinh doanh cho 736 DN các loại hình với tổng vốn đăng ký trên 3.110 tỉ đồng; giải thể 46 DN các loại hình, với tổng vốn 362,2 tỉ đồng, giảm 6,1% về số DN giải thể so với cùng kỳ năm trước.

Đây là tín hiệu tích cực, tạo động lực mới cho các sở, ngành và các quận, huyện trên địa bàn thành phố tiếp tục phấn đấu để đạt các chỉ tiêu điểm số về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.

Thực tế thời gian qua, thành phố đã triển khai rất nhiều chủ trương, chính sách để hỗ trợ DN, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải quyết an sinh xã hội. Thêm vào đó, các chính sách tín dụng cũng đã “mở” hơn cho DN tiếp cận, vốn sản xuất từ ngân hàng cũng không còn là trở ngại lớn với DN.

Tính riêng năm 2017, trong 6 tháng đầu năm, các sở, ngành thành phố đã hỗ trợ 12 DN đăng ký tham gia chương trình hỗ trợ DN đổi mới công nghệ; đồng thời tổ chức nhiều lớp tập huấn giúp DN nâng cao năng lực quản trị, đổi mới, sáng tạo; hướng dẫn xác lập và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) cho 102 trường hợp (100 nhãn hiệu, 2 sáng chế).

Tuy nhiên, các sở, ngành thành phố cũng nhìn nhận các chương trình, dự án hỗ trợ DN dù được ban hành khá nhiều, nhưng số lượng DN tiếp cận được các chương trình, dự án này còn thấp so với tổng số DN đang hoạt động trên địa bàn thành phố.

Đơn cử như lĩnh vực hỗ trợ DN nhỏ và vừa, thành phố có Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho DN nhỏ và vừa, nhưng tính đến ngày 30-6-2017 chỉ mới thực hiện bảo lãnh cho 20 DN, với số tiền là 55,6 tỉ đồng. Trong khi nhiều DN rất cần được hỗ trợ.

Ông Nguyễn Trí Tuệ, Giám đốc DNTN Trí Tuệ, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ, dẫn chứng: “DN có thế mạnh sản xuất bạc cao su đỡ trục quay chân vịt trong hệ động lực của các phương tiện giao thông thủy như: tàu, phà, sà lan…

Hiện sản phẩm của DN được sử dụng rộng rãi trong các loại phương tiện như tàu cảnh sát biển, tàu hàng hải dân sự, sà lan, tàu cá… Khách hàng của DN khá nhiều, nhưng DN chưa dám mở rộng sản xuất kinh doanh, chủ yếu dựa vào vốn tự có của DN”.

Theo ông Nguyễn Trí Tuệ, doanh thu hằng năm của DN khoảng 15 tỉ đồng, với 45 lao động thường xuyên, mức lương bình quân 7-8 triệu đồng/người/tháng. Là DN tư nhân, hoạt động trong ngành công nghiệp hỗ trợ, Trí Tuệ cũng mong muốn mở rộng phạm vi hoạt động, nhưng tiếp cận các chính sách hỗ trợ từ địa phương còn nhiều khó khăn.

Chẳng hạn DN muốn tiếp cận chính sách hỗ trợ đổi mới công nghệ, DN chỉ muốn mua máy “second- hand” của một số nước công nghệ tiên tiến như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản (chỉ mới qua sử dụng 3-5 năm đã thải ra để đầu tư máy mới), những chiếc máy này vừa túi tiền của DN.

Song, để được hỗ trợ, DN phải mua máy mới, công nghệ mới và những chiếc máy này rất đắt đỏ so với vốn của DN, đặc biệt là DN nhỏ. Chính điểm vướng này nên nhiều DN không tiếp cận được chính sách hỗ trợ.

Cần cơ chế khuyến khích sáng tạo

Theo Cục Thống kê TP Cần Thơ, chỉ số tiêu thụ toàn ngành chế biến, chế tạo trên địa bàn thành phố 6 tháng tăng 4,39% so cùng kỳ. Một số ngành có chỉ số tiêu thụ tăng cao như: sản xuất trang phục tăng 25,7%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 21,07%; sản xuất chế biến thực phẩm tăng 8,06%...

Những sản phẩm có chỉ số tăng cao do DN có chiến lược tiếp cận thị trường tốt, phần khác do DN đã đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ trong sản xuất…

Song, chỉ số hàng tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tại thời điểm 1-7-2017 là 79,57% so với cùng kỳ. Điều này chứng tỏ DN còn gặp nhiều khó khăn. Do đó, ngoài nỗ lực vượt qua khó khăn của DN, rất cần sự tiếp sức của các sở, ngành chức năng. Đặc biệt là trong hoạt động hỗ trợ DN đổi mới, sáng tạo.

Các chuyên gia cho rằng, hoạt động đổi mới, sáng tạo đòi hỏi rất nhiều yếu tố. Ngoài nội lực của DN, cần có vốn, con người sáng tạo với các ý tưởng mới, độc đáo và có tính khả thi trong ứng dụng vào sản xuất thực tế.

Mới đây, Hiệp hội DN TP Cần Thơ (CBA) phối hợp cùng Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ TP Cần Thơ (Sở Khoa học và Công nghệ TP Cần Thơ) tổ chức lớp tập huấn về “nhận diện, xác lập, khai thác tài sản trí tuệ của DN trong bối cảnh kinh tế quốc tế” để giúp DN hiểu rõ hơn về SHTT.

Trong tiến trình hội nhập quốc tế, thương hiệu và quyền SHTT của DN là thước đo để khẳng định sự tồn tại, lớn mạnh của DN. Lớp học thu hút 36 DN với 43 học viên tham gia, các học viên được chia sẻ nhiều kiến thức về SHTT, phân biệt tên DN và tên thương mại, các luật liên quan đến SHTT...

Theo ông Trần Giang Khuê, Phó trưởng đại diện Văn phòng phía Nam- Cục Sở hữu trí tuệ, để tạo ra giá trị gia tăng cao, phát triển đột phá và bền vững thì DN cần có các hoạt động sáng tạo và đăng ký bảo hộ SHTT.

Tuy nhiên, trên thực tế hoạt động sáng tạo ở nhóm DN không cao, phần lớn các sáng chế được cấp bằng bảo hộ SHTT hằng năm rơi vào nhóm cá nhân. SHTT là tài sản giá trị của DN, nó thúc đẩy, khuyến khích các hoạt động nghiên cứu sáng tạo. Đồng thời tạo lập, bảo hộ, khai thác và phát triển phù hợp với mục tiêu, chiến lược xây dựng thương hiệu và chiến lược sản xuất kinh doanh của DN.

Ông Nguyễn Trí Tuệ, Giám đốc DNTN Trí Tuệ cho biết: “Nếu sản phẩm của DN có giá trị và tính thương mại cao nhưng không đăng ký bảo hộ SHTT sẽ là thiệt thòi lớn. Bởi nhiều đơn vị có thể đánh cắp ý tưởng của mình và đăng ký bảo hộ, việc kiện tụng sẽ làm DN mất thời gian, tiền bạc.

Hiện nay, nhiều DN lớn có điều kiện đã đăng ký bảo hộ cả ở thị trường nước ngoài để mở rộng kênh tiêu thụ sản phẩm, nhưng DN nhỏ thì cần sự tiếp sức mới có thể làm được điều này”.

Theo ông Trí Tuệ, khi sản phẩm, sáng chế của DN được bảo hộ SHTT sẽ chống được tình trạng bắt chước, nhái hàng của các đơn vị khác. Để bảo hộ cho sản phẩm của mình, Trí Tuệ đã đăng ký bảo hộ độc quyền sản phẩm bạc cao su đỡ trục quay chân vịt từ năm 2004.

Nhờ đó, sản phẩm của DN được nhiều đơn vị trong ngành tàu biển biết và tìm đến DN đặt hàng. Rõ ràng trong toàn cầu hóa, SHTT có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của DN, nên cần cơ chế khuyến khích sự sáng tạo của DN. 

Song Nguyên

Chia sẻ bài viết