17/09/2008 - 21:11

Sản xuất công nghiệp TP Cần Thơ

Tăng trưởng nhưng chưa bền vững

9 tháng đầu năm 2008, giá trị sản xuất công nghiệp (GTSXCN) thành phố ước đạt hơn 10.198 tỉ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước và đạt gần 68% kế hoạch cả năm. Đây được xem là kết quả khả quan của các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn trong điều kiện lạm phát, chi phí sản xuất tăng. Mặc dù GTSXCN tăng, nhưng giá trị tăng thêm không nhiều, do DN phải đối mặt với nhiều vấn đề như: lãi suất ngân hàng, chi phí sản xuất tăng, công nhân đòi tăng lương... Làm gì để đạt mục tiêu đề ra và tăng trưởng ổn định? Đây là bài toán khó đang đặt ra cho thành phố và cả DN!

Tăng trưởng trong khó khăn

Trong 9 tháng đầu năm 2008, SXCN toàn thành phố của các thành phần kinh tế đều tăng trưởng khá. Khu vực công nghiệp ngoài quốc doanh tăng cao nhất, giá trị sản xuất ước đạt trên 7.419 tỉ đồng (tăng 25% so cùng kỳ), công nghiệp quốc doanh 2.177 tỉ đồng (chỉ tăng 3% so cùng kỳ), công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 602 tỉ đồng... Công nghiệp chế biến chiếm tỷ trọng cao nhất trong tổng GTSXCN của thành phố (đạt hơn 10.066 tỉ đồng chiếm 98,7%) với những mặt hàng chủ lực như: gạo, thủy sản, may mặc, da giày...

Tuy GTSXCN của DN tăng so với cùng kỳ, nhưng vẫn còn tiềm ẩn nhiều bất cập, rủi ro. Ông Trần Văn Quang- Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Công ty TNHH Công nghiệp Thủy sản Miền Nam (SOUTH VINA) - Khu công nghiệp Trà Nóc II, cho biết: “Ngoài việc củng cố bạn hàng ở các thị trường truyền thống như: Mỹ, Canada, Hàn Quốc, Nam Mỹ, châu Âu... Hiện nay, công ty đã mở rộng việc xuất sản phẩm cá tra sang thị trường Ai cập, Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất, Ả rập-Xê út, Malaysia, Philippines... Việc xuất hàng sang các thị trường mới rất thuận lợi, thương hiệu, chất lượng sản phẩm của công ty đã được khách hàng tin tưởng. Dự kiến trong năm 2008, giá trị xuất khẩu của đơn vị đạt khoảng 25 triệu USD”. Theo ông Quang, cách đây không lâu, khó khăn lớn nhất của công ty là lãi suất ngân hàng tăng. Tuy nhiên, thời gian gần đây, vấn đề này đã được giải quyết. Còn khó khăn hiện tại là sự biến động theo chiều hướng tăng giá cá tra và tình trạng khan hiếm nguồn nguyên liệu.

 Chế biến cá tra xuất khẩu ở Công ty TNHH Công nghiệp Thủy sản Miền Nam.

Còn ông Nguyễn Phùng Xuân, Phó Giám đốc Công ty TNHH may xuất nhập khẩu Hào Tân (Khu công nghiệp Cái Sơn- Hàng Bàng), cho biết: “Từ đầu năm đến nay, giá trị xuất khẩu của đơn vị đạt khoảng 450.000 USD, chỉ tăng 3% so với cùng kỳ năm ngoái. Do giá cả nguyên liệu đầu vào tăng, lượng công nhân giảm và tình trạng cúp điện liên tục đã ảnh hưởng đến việc chủ động những lô hàng xuất khẩu của công ty với đối tác. Năm 2007, đơn vị đã xuất 650.000 sản phẩm, dự kiến năm 2008 tăng số lượng thêm 10-15%, nhưng rất khó khăn”. Trong tháng 7-2008, Công ty TNHH May xuất nhập khẩu Hào Tân phải thuê máy phát điện (15 triệu đồng/tháng) để đảm bảo sản xuất, do tình trạng cúp điện liên tục. Hiện tại tình trạng cúp điện đã cải thiện, nhưng DN vẫn phải thuê máy phát để chủ động sản xuất.

Xét trên tổng thể giá trị sản xuất của toàn ngành tăng 18% so cùng kỳ, nhưng nếu đem chia giá trị này cho tổng số các cơ sở, DN sản xuất công nghiệp trên địa bàn thì con số tăng không nhiều và vẫn còn nhiều bất cập. Ông Phạm Việt Trung, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Cần Thơ, cho biết: “Tốc độ tăng trưởng của ngành công nghiệp thành phố trong 9 tháng đầu năm ổn định, dù lạm phát, giá cả nguyên liệu đầu vào đều tăng, thắt chặt tín dụng... Đó là sự nỗ lực của doanh nghiệp và lãnh đạo thành phố đã quan tâm, chỉ đạo kịp thời tháo gỡ vướng mắc cho DN. Trong 3 tháng cuối năm, còn phải thực hiện GTSXCN khoảng 5.000 tỉ đồng mới đạt kế hoạch đặt ra cho cả năm. Hiện nay, ngành công nghiệp chế biến chiếm tỷ trọng lớn trong tổng giá trị sản xuất của ngành công nghiệp, nhưng tình trạng biến động về giá cả, nguồn nguyên liệu cá tra cho sản xuất đang bắt đầu rơi vào chu kỳ khan hiếm. Đây sẽ là thách thức lớn cho DN và cả ngành công thương”.

Thêm vào đó, do phải cắt giảm chi phí sản xuất, việc mở rộng thị trường của DN cũng gặp khó khăn. Hiện nay, thị trường xuất khẩu của các DN trong ngành chế biến chủ yếu là các nước Đông Âu, Nga và một số nước châu Á. Thị trường xuất khẩu sản phẩm cá tra tương đối thuận lợi, nhưng nguồn cung nguyên liệu hiện đang bắt đầu hạn chế và sẽ khan hiếm hơn khi các DN đẩy mạnh sản xuất để đáp ứng hợp đồng trong dịp Noel và Tết Dương lịch.

Phát triển bền vững

Theo dự báo của ngành công thương thành phố, kế hoạch 15.000 tỉ đồng giá trị sản xuất trong năm 2008 vẫn có thể đạt được, nhưng cần sự nỗ lực rất lớn từ DN, đồng thời thành phố cần có cơ chế hỗ trợ kịp thời đối với DN sản xuất, xuất khẩu trên địa bàn. Bởi GTSXCN bắt đầu chuyển biến tăng tốc kể từ quí III, IV trong năm, do đơn đặt hàng lớn của đối tác nước ngoài thường rơi vào những tháng cuối năm. Ông Phạm Việt Trung, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Cần Thơ, cho biết: “Hiện nay, đang cao điểm mùa mưa, tình trạng cúp điện đã giảm rất nhiều so với trước. Tình trạng khan hiếm nguồn nguyên liệu cho chế biến cá tra sẽ khó khăn cho DN. Tuy nhiên, đa phần DN trong ngành chế biến thủy sản đã có sự chuẩn bị về vùng nguyên liệu phục vụ cho DN mình, nên chỉ bị động nhất thời”.

Còn ông Trần Văn Quang, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Công ty SOUTH VINA, cho rằng: “Sự biến động theo chiều hướng tăng giá cá nguyên liệu hiện tại là kiểu tăng giá ảo. Điều này gây khó khăn cho các doanh nghiệp trong việc mua nguyên liệu đầu vào. Việc giá cá tăng ảo dẫn tới thực trạng nhiều nông dân sẽ có tâm lý “ngâm” cá để chờ giá. Hệ quả sẽ phát sinh việc cá quá lứa, khó tiêu thụ, lúc đó người nông dân sẽ thiệt thòi. Đối với công ty chúng tôi, việc giá cá nguyên liệu tăng bất thường không ảnh hưởng nhiều, bởi hiện DN có nguồn cá từ những vùng nuôi do đơn vị đầu tư và liên kết với các đối tác để đầu tư nuôi”. Theo ông Quang, nếu cá đạt chuẩn, đủ kích cỡ chế biến và mức giá hợp lý, nông dân nên thu hoạch để tránh “vấp” phải tình trạng tồn đọng cá quá lứa như trước đây. Việc chủ động của cơ quan chức năng, DN giúp người nuôi hiểu rõ lợi ích kinh tế của họ cũng như hài hòa lợi ích giữa người nuôi và doanh nghiệp sẽ giải quyết được vấn đề thiếu- thừa nguồn nguyên liệu.

Mới đây, UBND TP Cần Thơ đã sơ kết 3 năm (2006-2008) thực hiện kế hoạch kinh tế xã hội 5 năm 2006-2010. Qua đó cho thấy, mặc dù khu vực công nghiệp- xây dựng có sụt giảm trong cơ cấu kinh tế (năm 2008: chiếm 36,7% trong khi năm 2007 là 38,4%), nhưng qui mô sản xuất công nghiệp của thành phố ngày càng phát triển, tốc độ tăng trưởng bình quân trong 3 năm qua là 22,4%/năm. Thành phố đã huy động nhiều nguồn lực cho phát triển công nghiệp, chú trọng vào những sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, tạo ra giá trị tăng thêm cho ngành và nâng cao giá trị xuất khẩu. Với các sản phẩm công nghiệp chủ lực như: thủy sản đông lạnh, gạo, thực phẩm chế biến, hàng may mặc, da giày, dược phẩm, nhựa dân dụng, thức ăn gia súc... có sản lượng và giá trị xuất khẩu tăng dần qua từng năm. Một số doanh nghiệp đã xây dựng được thương hiệu, chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế như ISO, GMP, SQF.

Bên cạnh đó, các khu, cụm công nghiệp tập trung đã phát huy vai trò trong việc thu hút ngày càng nhiều dự án đầu tư. Riêng các KCN, trong 8 tháng đầu năm 124/166 dự án hoạt động với doanh thu 1.186 triệu USD, tăng 106% so với cùng kỳ năm ngoái. Các khu, cụm công nghiệp ở quận, huyện cũng thu hút được nhiều DN vừa và nhỏ đăng ký đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh. Đây sẽ là điều kiện để thành phố phấn đấu đạt GTSXCN tăng trưởng bền vững.

Bài, ảnh: GIA BẢO

Chia sẻ bài viết