Những năm gần đây, hoạt động của loại hình vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn TP Cần Thơ đang có những bước phát triển đáng kể. Thành phố tiếp tục mở rộng mạng lưới, nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt theo hướng tiện nghi, an toàn, thuận tiện với chi phí hợp lý nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại hằng ngày của người dân bằng xe buýt.
Hiện đại và tiện nghi
Từ năm 2020 đến nay, TP Cần Thơ đã phối hợp với Công ty CP Xe khách Phương Trang - FUTA Bus Lines từng bước đưa vào khai thác 7 tuyến xe buýt nội tỉnh trên địa bàn. Việc mở mới các tuyến buýt trong thời gian vừa qua đã góp phần tăng cường tính kết nối của mạng luới xe buýt, đáp ứng tốt hơn nhu cầu đi lại của người dân, nhất là khu vực ngoại thành vào trung tâm thành phố.

Hoạt động xe buýt trên địa bàn huyện Cờ Đỏ.
Minh chứng là toàn bộ xe buýt đưa vào hoạt động đều là xe mới 100%, gồm: 36 xe buýt 40 chỗ sản xuất năm 2020 hãng Thaco và 6 xe buýt từ 20-24 chỗ sản xuất năm 2021 thuộc hãng GAZ. Các xe được trang bị hệ thống công nghệ hiện đại như cửa lên xuống tự động, có máy lạnh, wifi miễn phí, công cụ hỗ trợ và ghế ngồi cho người khuyết tật. Xe bảo đảm theo quy chuẩn kỹ thuật Việt Nam, được Cục Ðăng kiểm Việt Nam cấp giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường. Tất cả xe buýt còn được lắp đặt camera trên xe và thiết bị giám sát hành trình hợp chuẩn. Ðặc biệt, 6 xe buýt hãng GAZ ứng dụng công nghệ tiên tiến “in vé tự động bằng máy POS” nhanh chóng và thuận lợi hơn cho hành khách. Qua đó, được hành khách đón nhận và đánh giá cao.
Chị Nguyễn Ngọc Mai ở phường Ba Láng, quận Cái Răng chia sẻ: “Trong khoảng 2 năm trở lại đây, chất lượng loại hình xe buýt đã được cải thiện rõ rệt. Phương tiện được đầu tư mới, đầy đủ tiện nghi, nhân viên phục vụ có thái độ văn minh, lịch sự. Do vậy, khi cần thiết di chuyển, trong quãng đường có tuyến phù hợp, gia đình tôi ưu tiên lựa chọn xe buýt”.
Theo Trung tâm Quản lý và Ðiều hành vận tải hành khách công cộng thuộc Sở Giao thông vận tải TP Cần Thơ, hiện nay có 4/7 tuyến xe buýt đang hoạt động với trên dưới 180 chuyến/ngày. Bình quân mỗi ngày phục vụ khoảng từ 2.000 khách trở lên. Thời gian gần đây, khi giá xăng dầu liên tục tăng cao, khách hàng có xu hướng sử dụng xe buýt đi lại nhằm tiết kiệm chi phí.
Thường xuyên di chuyển đoạn đường khoảng 10km, chú Nguyễn Thanh Tâm ở phường Trà Nóc, quận Bình Thủy cho biết: Trước đây khi di chuyển bằng xe ôm, với đoạn đường này tốn trên dưới 50.000 đồng. Sau khi chuyển sang xe buýt tốn chưa đến 20.000 đồng. Ði xe buýt thoải mái, không lo chuyện nắng mưa thất thường, cũng như hạn chế tiếp xúc khói bụi…
Nâng cao năng lực vận tải
Tuy đã có những bước chuyển biến đáng kể về hệ thống tuyến xe buýt và chất lượng dịch vụ, song nhìn chung, sự phát triển của dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt ở TP Cần Thơ vẫn đối mặt không ít khó khăn. Theo Trung tâm Quản lý và Ðiều hành vận tải hành khách công cộng TP Cần Thơ, thành phố chưa có chính sách trợ giá, vì vậy, các tuyến buýt đang khai thác chưa đảm bảo tần suất hoạt động ổn định, mạng lưới chưa thật sự phát triển rộng khắp do việc lo ngại tính hiệu quả của đơn vị vận tải khi tham gia đầu tư các tuyến mới. Sau thời gian tạm ngưng hoạt động do dịch COVID-19 cùng sự biến động của giá xăng, dầu liên tục tăng cao, hiện chỉ có 5/7 tuyến xe buýt hoạt động. Các tuyến xe buýt lộ trình cơ bản đảm bảo kết nối theo dọc ở những điểm đến quan trọng của 9 quận, huyện, song, chưa có nhiều mạng lưới tuyến xe buýt trục ngang để tăng tính kết nối...
Với mục tiêu không ngừng nâng cao năng lực vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, thu hút người dân sử dụng xe buýt, ông Phạm Văn Ðồng, Giám đốc Trung tâm Quản lý và Ðiều hành vận tải hành khách công cộng TP Cần Thơ cho biết: Dự kiến, trong tháng 7 và tháng 8 tới đây, Trung tâm sẽ phối hợp Công ty CP xe khách Phương Trang hoạt động trở lại 2 tuyến xe buýt, gồm: tuyến công viên Sông Hậu - thị trấn Phong Ðiền - kéo dài Chợ Bảy Ngàn (MST CT-02) và tuyến sân bay Cần Thơ - bến xe khách Trung tâm thành phố - kéo dài thị trấn Mái Dầm (MST CT-04). Bên cạnh đó, sẽ hoàn thiện các hành lang pháp lý để làm cơ sở để đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư khai thác các tuyến xe buýt có trợ giá và mở rộng luồng tuyến.
Trong thời gian tới thành phố sẽ đầu tư xây dựng hiện đại hóa kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt. Trong đó, đầu tư xây dựng 10 bãi đỗ xe buýt kết hợp điểm đầu - cuối xe buýt trên địa bàn thành phố gồm: Ba Láng, Cái Cui, Ô Môn, Mỹ Khánh, Nam Cờ Ðỏ, Ðông Thới Lai, Thốt Nốt, thị trấn Vĩnh Thạnh, Kinh B và Sân bay Cần Thơ. Ðồng thời, xây dựng 501 điểm dừng, nhà chờ xe buýt và hệ thống quản lý xe buýt thông minh để người dân tiếp cận nhanh chóng dịch vụ xe buýt. Thành phố nghiên cứu mở mới 5-10 tuyến xe buýt, ưu tiên các tuyến xe buýt trục ngang để kết nối các quận, huyện, xã, phường, thị trấn tại các đầu mối giao thông, nhằm phục vụ hành khách, nhất là khu vực ngoại thành chuyển tiếp đến trung tâm thành phố…
Là đơn vị khai thác 7 tuyến xe buýt chất lượng cao trên địa bàn TP Cần Thơ, theo ông Phan Văn Nghĩa, Giám đốc Công ty CP xe khách Phương Trang chi nhánh Cần Thơ, trong tình hình giá xăng, dầu tăng cao như hiện nay, công ty cố gắng duy trì giá vé xe buýt ổn định đồng hành, hỗ trợ hành khách. Cùng đó, công ty đang chuẩn bị kế hoạch tăng tần suất hoạt động xe buýt 15-20 phút/chuyến để người dân thuận lợi sử dụng xe buýt di chuyển. Ngoài ra, đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19, sau khi kết thúc hành trình, nhân viên đều thực hiện vệ sinh, sát khuẩn trên xe…
Bài, ảnh: T. TRINH