31/05/2018 - 10:15

Tăng độ bao phủ thị trường trong nước của hàng Việt 

Phát triển thị trường trong nước là một trong những hoạt động thiết thực trong Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Qua đó, góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng hàng Việt Nam. Trên tinh thần đó, TP Cần Thơ đã chủ động xây dựng và triển khai thực hiện Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn giai đoạn 2015-2020 (Đề án).

 Siêu thị là một trong những kênh phân phối hàng Việt hiệu quả. 

Mở rộng kênh phân phối

Sở Công thương là đơn vị chủ quản thực hiện Đề án. Ông Huỳnh Trung Trứ, Phó Giám đốc Sở Công thương, thành viên Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” TP Cần Thơ, cho biết: Sở Công thương chủ trì, phối hợp với MTTQVN, các sở, ngành hữu quan thành phố đẩy mạnh thông tin truyền thông, vận động doanh nghiệp Việt nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm đối với sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp. Đồng thời, triển khai các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp Việt tiếp cận và đưa hàng Việt vào các kênh phân phối; tạo điều kiện cho doanh nghiệp triển khai các chương trình khuyến mãi cho sản phẩm Việt. Sở Công thương phối hợp với các quận, huyện thực hiện thí điểm bán hàng Việt với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam” tại các phiên chợ hàng Việt và các chợ truyền thống… Qua đó, góp phần gắn kết các doanh nghiệp và thúc đẩy nâng cao nhận thức của doanh nghiệp về tầm quan trọng của việc khai thác tốt thị trường nội địa; chủ động vượt khó, chú trọng đầu tư cải tiến hoạt động sản xuất - kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và xây dựng uy tín thương hiệu.

Tăng độ bao phủ hàng Việt đến các vùng nông thôn, Sở Công thương phối hợp các đơn vị thường xuyên tổ chức các phiên chợ hàng Việt về nông thôn, khu dân cư. Mỗi phiên chợ có từ 30-35 doanh nghiệp và cơ sở sản xuất tham gia, doanh thu mỗi phiên chợ trên 700 triệu đồng. Hằng năm, Sở Công thương vận động các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn giá, bán hàng lưu động tạo điều kiện người tiêu dùng tiếp cận hàng Việt giá tốt. Riêng năm 2017, vận động và hỗ trợ 5 doanh nghiệp tổ chức 23 đợt bán hàng lưu động, doanh số bán ra trên 1,25 tỉ đồng và có 9 doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn giá, giá trị nguồn hàng dự trữ thường xuyên 403 tỉ đồng, với 34 điểm bán lẻ. Song song đó, các doanh nghiệp ngày càng tích cực tham gia các hoạt động bán hàng giá tốt cho người tiêu dùng. Điển hình, năm 2017, số lượng doanh nghiệp tham gia Chương trình “Tuần khuyến mại” Cần Thơ tăng 160 doanh nghiệp và tăng 584,5 tỉ đồng tổng giá trị hàng hóa, dịch vụ dùng để thực hiện khuyến mại, so với năm 2016.

TP Cần Thơ hiện có 107 chợ truyền thống và 18 siêu thị, trung tâm thương mại kinh doanh với hơn 85% hàng may mặc, hàng gia dụng, thực phẩm tươi sống, chế biến đóng gói... là hàng Việt Nam. Đây chính là các kênh tiêu thụ hàng hóa sản xuất trong nước, nhất là các nông sản đặc sản của địa phương. Tuy nhiên, dù được quan tâm đầu tư, nâng cấp nhưng hệ thống chợ trên địa bàn thành phố vẫn tồn tại nhiều bất cập. Tình trạng chợ quá tải, cơ sở vật chất xuống cấp; mua bán lấn chiếm lòng lề đường, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm… vẫn diễn ra tại một số nơi. Các siêu thị, trung tâm thương mại phát triển với tốc độ khá nhanh, tạo nên không gian thương mại hiện đại. Song, một số siêu thị, trung tâm thương mại chưa đáp ứng các tiêu chuẩn quy định...

Từ thực tế này, Sở Công thương chủ trì xây dựng và trình phê duyệt Quy hoạch Phát triển hệ thống chợ, siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn TP Cần Thơ đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, chú trọng phát triển thương mại nông thôn, nhất là hệ thống các chợ, cơ sở thương mại - dịch vụ, hộ kinh doanh.

Hỗ trợ doanh nghiệp

Quản lý thị trường, quản lý giá cả, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trên thị trường là giải pháp bảo vệ uy tín hàng Việt có chất lượng. Để làm được điều này, theo ông Huỳnh Trung Trứ, Sở Công thương thành phố thường xuyên chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường thực hiện tốt việc chủ động nắm bắt thị trường, làm tốt công tác quản lý địa bàn. Đồng thời, tăng cường phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng và các hành vi gian lận thương mại khác. Đặc biệt  xử lý nghiêm, kịp thời, đúng quy định pháp luật các hành vi vi phạm trong hoạt động bán hàng đa cấp cũng như vi phạm về đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Mặt khác, ngành công thương cũng đẩy mạnh các giải pháp tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh bằng chất lượng hàng hóa. Trong năm 2017, Sở phối hợp với các đơn vị liên quan hỗ trợ 7 doanh nghiệp đăng ký tham gia chương trình đổi mới công nghệ của thành phố và 2 doanh nghiệp đăng ký tham gia chương trình đổi mới công nghệ cấp quốc gia. Giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường, ngành công thương tổ chức chương trình kết nối tiêu thụ sản phẩm công nghiệp giữa 9 doanh nghiệp Cần Thơ với doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh; hỗ trợ 7 doanh nghiệp kết nối Quỹ Bảo lãnh tín dụng, ngân hàng để vay vốn đầu tư mở rộng  sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ cơ sở công nghiệp nông thôn, doanh nghiệp và tham gia 13 gian hàng trong hội chợ triển lãm tại tỉnh Long An, Bạc Liêu và Đà Nẵng. Nhằm phát triển thương mại điện tử, ngành hỗ trợ thiết kế website thương mại điện tử cho 11 doanh nghiệp tại TP Cần Thơ.

TP Cần Thơ xác định tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Đề án với những bước đi thích hợp và bền vững để phát triển thị trường trong nước, đưa hàng Việt đến người tiêu dùng.

Bài, ảnh: Tuyết Trinh

Chia sẻ bài viết