02/07/2014 - 19:49

TP Cần Thơ

Tăng cường tác động cải cách hành chính

Cải cách hành chính (CCHC) nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) chuyên nghiệp, phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn, tạo môi trường sản xuất, kinh doanh thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến hợp tác làm ăn là vấn đề luôn được UBND TP Cần Thơ quan tâm. Nằm trong chương trình CCHC của thành phố, năm 2013, Dự án “Tăng cường tác động CCHC ở TP Cần Thơ” giai đoạn 2012 - 2016 đã chính thức khởi động...

Dự án “Tăng cường tác động CCHC” cũng được triển khai ở Bắc Giang, Đà Nẵng, Hà Tĩnh và Bộ Nội vụ. Mục tiêu chung nhằm hỗ trợ các địa phương trong việc thực hiện các sáng kiến về CCHC và chia sẻ các kết quả để các địa phương khác học tập. Ở TP Cần Thơ, Ban quản lý Dự án “Tăng cường tác động CCHC ở TP Cần Thơ” được thành lập trên cơ sở Quyết định số 114/QĐ-UBND ngày 15-1-2013, với cơ cấu tổ chức gồm: 11 người, trong đó, có 3 người làm việc theo chế độ chuyên trách; 8 người còn lại làm việc theo chế độ kiêm nhiệm. Mục tiêu của dự án, gồm: về công nghệ thông tin (Xây dựng Phần mềm hệ thống thông tin CBCCVC thành phố; xây dựng Phần mềm hỗ trợ thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 cho sở, ngành, quận, huyện và phần mềm chuyên dùng cho các phòng, ban chuyên môn quận, huyện); về lĩnh vực đào tạo (Xây dựng Bộ tài liệu đào tạo bồi dưỡng cho cán bộ, công chức chủ chốt theo chức danh; xây dựng Bộ tài liệu đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ, công chức chuyên trách CCHC) và xây dựng Đề án cơ cấu công chức, vị trí việc làm.

Dự án có tổng vốn đầu tư 29,5 tỉ đồng, trong đó, vốn ODA không hoàn lại là 24 tỉ đồng; còn lại là vốn đối ứng của UBND thành phố. Năm 2013, dự án đã giải ngân hơn 5,5 tỉ đồng vốn ODA; 6 tháng đầu năm 2014, đã giải ngân hơn 1,4 tỉ đồng vốn ODA… Theo ông Nguyễn Khải Hoàn, Phó Giám đốc Sở Nội vụ thành phố, Giám đốc dự án, tỷ lệ giải ngân hiện tại là tương đối thấp (chỉ đạt 29% so với tổng vốn viện trợ). Nguyên nhân là giai đoạn đầu hoạt động, Ban quản lý dự án chủ yếu dành thời gian để ổn định nhân sự, đào tạo, tập huấn kỹ năng và nghiệp vụ quản lý dự án, tài chính kế toán theo quy định của UNDP (chương trình phát triển liên hiệp quốc); từ quý II- 2013 đến nay, Ban quản lý dự án bắt đầu triển khai các gói công việc. Bên cạnh đó, do mới đi vào hoạt động nên đội ngũ cán bộ chưa có nhiều kinh nghiệm trong công tác quản lý tài chính dự án, quá trình triển khai các hoạt động cụ thể còn gặp nhiều khó khăn, lúng túng…

Đến nay, dự án đã hoàn thành 15/15 gói thầu được phê duyệt theo Quyết định số 1812/QĐ-UBND; 10 cuộc khảo sát về thực trạng đã được tổ chức (đã có báo cáo đánh giá thực trạng được thông qua bởi Hội đồng phản biện và Hội thảo lấy ý kiến rộng rãi của các sở, ngành, quận, huyện có liên quan). Có 31 cơ quan, đơn vị đã được tham vấn thông qua 6 cuộc khảo sát, trong đó có 22 sở, ban ngành, 9 quận huyện và 85 xã, phường, thị trấn. Hơn 2.768 lượt CBCCVC đã tham gia vào hơn 35 hội nghị, hội thảo tham vấn về các chủ đề có liên quan của dự án…

 Công chức Bộ phận TN&TKQ của UBND xã Thới Hưng đang tiếp nhận, giải quyết hồ sơ hành chính cho công dân. 

Dự án nhận được sự hỗ trợ, hướng dẫn nhiệt tình của cán bộ Chương trình UNDP và dự án Bộ Nội vụ. Ngoài ra, dự án cũng nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo Sở Nội vụ, sự phối hợp nhiệt tình, chặt chẽ của các sở, ngành, quận, huyện, phòng, ban chuyên môn của Sở Nội vụ. Theo bà Nguyễn Việt Thùy Uyên, Quản đốc dự án, cán bộ, công chức tham gia dự án nhiệt tình công tác, đặc biệt là những công chức kiêm nhiệm. Những công chức này luôn tranh thủ làm ngoài giờ và ngày nghỉ để vừa đảm bảo hoàn thành công việc chuyên môn được giao tại Sở Nội vụ, vừa thực hiện tốt các hoạt động của dự án… Bên cạnh những thuận lợi trên, sau thời gian triển khai dự án, nhiều thành viên của Ban quản lý dự án còn gặp khó khăn trong công tác quản lý dự án ODA. Việc tìm kiếm chuyên gia tư vấn có chất lượng đảm bảo tốt về chuyên môn lẫn kinh nghiệm để hỗ trợ các hoạt động của dự án cũng gặp khó, bởi không có sẵn nguồn chuyên gia. Sự chỉ đạo của đại diện UNDP có thay đổi so với kế hoạch ban đầu. Cụ thể, Bộ tài liệu đào tạo cho cán bộ, công chức chuyên trách CCHC theo kế hoạch ban đầu sẽ do Cần Thơ xây dựng. Tuy nhiên hiện nay, đã giao cho tỉnh Hà Tĩnh chủ trì thực hiện. Vì thế, Cần Thơ sẽ đợi để nhận Bộ tài liệu hoàn chỉnh của tỉnh Hà Tĩnh mới tổ chức triển khai các lớp thí điểm tập huấn. Ngoài ra, quy trình tổ chức thực hiện các hoạt động đều phải thực hiện theo các bước quy định, dẫn đến kéo dài thời gian thực hiện (chẳng hạn, không thể ngay lập tức thuê đơn vị xây dựng phần mềm mà phải thực hiện khảo sát đánh giá thực trạng, khảo sát các phần mềm tương tự được thực hiện tại các địa phương khác… Các hoạt động này phải tổ chức đấu thầu, thuê chuyên gia tư vấn nên mất rất nhiều thời gian). Hiện nay, khối lượng công việc chuyên môn của cán bộ, công chức kiêm nhiệm ngày càng nhiều, đặc biệt là phải chuẩn bị tổng kết giai đoạn 1 của Chương trình tổng thể CCHC 2011-2020. Dự án bắt đầu bước vào giai đoạn nước rút để hoàn thành các sản phẩm đầu ra và triển khai thí điểm tại một số cơ quan, đơn vị…

Phát biểu tại buổi làm việc với Ban quản lý dự án, ông Lê Hùng Dũng, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho biết: Dự án “Tăng cường tác động CCHC ở thành phố” là cơ hội tốt giúp thành phố hướng đến mục tiêu tăng cường động lực và năng lực làm việc cho đội ngũ CBCCVC cải thiện rõ rệt hơn hiệu quả cung cấp dịch vụ hành chính công cho người dân và tổ chức. Vì vậy, Ban quản lý dự án cần ổn định tổ chức, đào tạo nâng cao trình độ của cán bộ chuyên trách, cán bộ kiêm nhiệm; xây dựng kế hoạch sử dụng kinh phí tài trợ; kế hoạch giải ngân nguồn kinh phí, đi đôi với chất lượng sản phẩm tạo ra.

Dự án hoàn thành sẽ góp phần giúp TP Cần Thơ phát triển cơ chế “Một cửa”, “Một cửa liên thông” thông qua đẩy mạnh việc xử lý trực tuyến hồ sơ của công dân. Dự án cũng giúp cải thiện chất lượng và hiệu quả làm việc của đội ngũ CBCCVC thông qua xây dựng một hệ thống quản lý và nâng cao năng lực cán bộ tốt hơn…

Bài, ảnh: Hiển Dương

Chia sẻ bài viết