28/06/2019 - 11:32

Tăng cường phối hợp để ngành điện phía Nam phát triển 

Ngày 21-6, tại tỉnh Bình Thuận, Tổng Công ty Ðiện lực miền Nam (EVN SPC) đã tổ chức Hội nghị phối hợp giữa EVN SPC với các tỉnh, thành phía Nam năm 2019. Ðây là dịp để ngành điện cùng với các tỉnh, thành phía Nam tháo gỡ, khơi thông những vướng mắc trong quản lý, đầu tư.

Nhân viên Công ty Điện lực TP Cần Thơ kiểm định thiết bị năng lượng mặt trời áp mái tại nhà khách hàng.

EVN SPC hiện đang quản lý vận hành hệ thống lưới điện phân phối và cung ứng điện trên địa bàn 21 tỉnh, thành phố phía Nam (ngoại trừ TP Hồ Chí Minh). Khối lượng lưới điện EVN SPC quản lý, gồm: 5.715km đường dây 110kV; 224 trạm biến áp (TBA) 110kV với 376 máy biến thế (MBA) - tổng công suất 18.072 MVA, 105.380 trạm biến áp phân phối - công suất 28.296 MVA và 9.294km đường dây hạ thế, phục vụ 8.098.786 khách hàng. Trong năm 2018 và các tháng đầu năm 2019, Tổng Công ty cùng các đơn vị điện lực thành viên điều hành cung cấp điện không điều hòa tiết giảm phụ tải, đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định, liên tục; phục vụ tốt nhu cầu sản xuất, dịch vụ, sinh hoạt của nhân dân và đáp ứng nhu cầu về điện để phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương; đảm bảo đủ điện để phục vụ nhu cầu an sinh xã hội, sản xuất nông nghiệp và các sự kiện chính trị xã hội khác trên toàn địa bàn phía Nam.

Thời gian qua, các Công ty Điện lực đã phối hợp tốt với các Sở Công thương xây dựng phương án cung cấp điện khi mất cân đối cung cầu, tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố phê duyệt danh sách phụ tải ưu tiên cung cấp điện làm cơ sở thực hiện giải pháp cung cấp điện cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Bên cạnh đó, EVN SPC cũng đã xây dựng và triển khai nhiều giải pháp khác liên quan đến lưới điện 110kV; lưới điện trung hạ áp; công tác quản lý vận hành và tự động hóa lưới điện... Phối hợp chặt chẽ với đơn vị truyền tải điện để đảm bảo các công trình điện 500kV, 220kV vào kịp tiến độ, đảm bảo đáp ứng nhu cầu phụ tải và chống quá tải lưới điện hiện hữu.

Sản lượng điện thương phẩm tiêu thụ phía Nam trong năm 2018 là 66,67 tỉ kWh, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm 2017. Trong 5 tháng đầu năm 2019, EVN SPC thực hiện 29,28 tỉ kWh, tăng 10,6% so với cùng kỳ năm 2018. Độ tin cậy cung cấp điện năm 2018 tốt hơn so với năm 2017; các chỉ số liên quan đến mất điện giảm so với năm 2017. Các chỉ số độ tin cậy cung cấp điện trong các tháng đầu năm 2019 tiếp tục được cải thiện so với cùng kỳ năm 2018. Tổng thời gian mất điện khách hàng bình quân (SAIDI) là 89,9/127,5 phút (thực hiện/kế hoạch); tần suất mất điện thoáng qua bình quân (MAIFI) là 0,08/0,83 lần; tần suất mất điện kéo dài bình quân (SAIFI) là 0,80/2,22 lần/khách hàng.

Thực hiện chủ trương của Bộ Công thương liên quan đến khuyến khích phát triển thiết bị năng lượng mặt trời áp mái, tính đến cuối tháng 5-2019, có 1.657 khách hàng tại 21 tỉnh, thành thuộc EVN SPC quản lý lắp đặt thiết bị năng lượng mặt trời áp mái và đã được các Công ty Điện lực thay thế công tơ bán điện 2 chiều, với tổng công suất tấm pin là 25.582  kWp, đạt 27% kế hoạch EVN giao (95.650 kWp). Sản lượng điện phát ngược lên lưới điện quốc gia tính đến ngày 26-5-2019 là 3.579.114 kWh. Ngoài ra, EVNSPC cũng đang triển khai thực hiện đầu tư lắp đặt thiết bị năng lượng mặt trời áp mái (chủ yếu để cấp cho nguồn tự dùng) tại các trụ sở làm việc của các đơn vị và các TBA 110 kV với quy mô: 398 vị trí, công suất 13MWp, tổng chi phí khoảng 300 tỉ đồng, trong đó: 148 vị trí (công suất 5.512 kWp) bằng nguồn vốn đầu tư xây dựng và 212 vị trí (công suất 7,3MWp) bằng mô hình ESCO.

Trong năm 2018, EVN SPC hoàn thành đóng điện và đưa vào vận hành 498 công trình với tổng khối lượng bao gồm: 968km đường dây trung thế xây dựng mới, 424km đường dây trung thế cải tạo, 1.149km đường dây hạ thế xây dựng mới, 1.514km đường dây hạ thế cải tạo, với tổng công suất TBA phân phối tăng thêm là 278MVA. Trong 5 tháng đầu năm 2019, Tổng Công ty cũng đóng điện đưa vào vận hành 108 công trình với tổng khối lượng bao gồm: 257km đường dây trung thế xây dựng mới, 94km đường dây trung thế cải tạo nâng cấp, 1.993km đường dây hạ thế xây dựng mới, 831km đường dây hạ thế cải tạo và tổng công suất trạm biến áp phân phối tăng thêm là 89 MVA. Các công trình lưới điện phân phối hoàn thành đóng điện vận hành đã góp phần cũng cố lưới điện, giảm tổn thất điện năng, tăng cường cung cấp điện cho các khu công nghiệp, các trạm bơm, vùng lõm chưa có điện, các xã nông thôn mới để đáp ứng tiêu chí số 4 về điện,...

Mặc dù vậy, trong hoạt động, ngành điện phía Nam gặp không ít khó khăn. Chẳng hạn, theo phân cấp hiện hành của tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Giám đốc các Công ty Điện lực trực thuộc EVN SPC được phân cấp quyết định đầu tư, thực hiện đầu tư và các công việc khác cho đến khi kết thúc đầu tư các dự án có tổng mức đầu tư dưới 50 tỉ đồng. Phân cấp này đã được thực hiện từ nhiều năm nay trong EVN và phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, Nghị định số 42/2017/NĐ-CP ngày 5-4-2017 của Chính phủ chỉ cho phép chủ đầu tư sử dụng tư cách pháp nhân của mình và bộ máy chuyên môn trực thuộc để trực tiếp quản lý dự án đầu tư xây dựng có tổng mức đầu tư dưới 15 tỉ đồng, dẫn đến các Công ty Điện lực không chủ động được trong tổ chức quản lý triển khai dự án trên địa bàn quản lý của đơn vị. Bên cạnh đó, quy trình “một cửa liên thông” mẫu do Bộ Công thương ban hành kèm theo Văn bản số 9368/BCT-ĐL ngày 16-11-2018, đối với các công trình đường dây và trạm biến áp xây dựng trong hành lang bảo vệ an toàn giao thông các tuyến đường quốc lộ, thì việc cấp phép thi công công trình còn gặp nhiều khó khăn do phải được sự chấp thuận của quan cơ quản lý đường bộ (Cục quản lý đường bộ, thuộc Tổng cục đường bộ Việt Nam). Tuy nhiên, quy trình mẫu của Bộ chưa xác định đơn vị nào chịu trách nhiệm liên hệ với Cục quản lý đường bộ để lấy ý kiến, dẫn đến kéo dài thời gian tiếp cận điện năng, các địa phương gặp khó khăn trong quá trình hướng dẫn thực hiện... Tuy nhiên, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực - Bộ Công thương cho rằng, mặc dù ngành điện cả nước đang gặp nhiều khó khăn, nhưng ngành điện miền Nam đã vận hành và đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng điện của khách hàng. 

Bài, ảnh: Khánh Nam

Chia sẻ bài viết