08/03/2018 - 07:12

Theo đánh giá của Chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc, Việt Nam là một trong năm nước trên thế giới dễ bị tổn thương bởi biến đổi khí hậu (BĐKH). Khu vực ĐBSCL nói chung và TP Cần Thơ nói riêng đang đứng trước những thách thức lớn khi BĐKH tác động và đe dọa đến sự phát triển bền vững của một đô thị trẻ trên đà phát triển. Giải pháp ứng phó BĐKH đang được TP Cần Thơ nỗ lực thực hiện, trong đó có nhiều dự án, công trình được triển khai thực hiện đem lại hiệu quả khả quan…

THAY ĐỔI TỪ BĐKH

Nhận định của Bộ Tài nguyên và Môi trường, khoảng 30 năm qua, khu vực ĐBSCL có sự thay đổi về nhiệt độ trung bình năm tăng khoảng 0,50C, mực nước dâng cao thêm gần 50cm, ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển kinh tế xã hội, đời sống người dân. Đồng thời, do ảnh hưởng từ BĐKH, nhiệt độ trung bình của khu vực ĐBSCL có thể tăng thêm 30C và mực nước biển dâng lên 1m vào năm 2100. Khi đó, có khoảng 90% diện tích thuộc các tỉnh, thành trong khu vực ĐBSCL bị ngập hoàn toàn, sinh kế của người dân sẽ có nhiều thay đổi...

Tăng cường năng lực ứng phó biến đổi khí hậu
Nhiều ngôi nhà cặp sông Cần Thơ (thuộc địa bàn huyện Phong Điền) có nguy cơ sạt lở rất cao, cần sớm được di dời đến nơi ở ổn định. Ảnh: HÀ VĂN

Hiện nay, các hiểm họa chính của BĐKH tại Cần Thơ là: triều cường, sạt lở đất, nắng nóng, bão, lốc xoáy kéo theo những hiểm họa khác như: xâm nhập mặn, ô nhiễm môi trường và dịch bệnh. Theo Văn phòng Công tác BĐKH TP Cần Thơ, do ảnh hưởng BĐKH, sạt lở bờ sông là một trong những hiện tượng BĐKH xuất hiện thường xuyên trong những năm gần đây, gây thiệt hại tài sản, kinh doanh, sản xuất của người dân. Tại TP Cần Thơ, từ năm 2010 đến cuối năm 2017 xuất hiện 153 điểm sạt lở, với chiều dài sạt lở khoảng 6km, làm 63 căn nhà bị hư hại hoàn toàn. Ngoài ra, TP Cần Thơ còn có trên 106 vị trí có nguy cơ sạt lở cao với tổng chiều dài khoảng 52,7 km. Theo ngành chức năng TP Cần Thơ, diễn biến sạt lở bờ sông, kênh rạch trên địa bàn thành phố ngày một nghiêm trọng, phức tạp, gia tăng cả về cường độ và số lượng. Đặc biệt, các đoạn sông, kênh, rạch chảy qua các khu vực đông dân cư, các kênh rạch có mật độ giao thông thủy lớn, những đoạn sông cong, các cửa phân lưu, nhập lưu, nơi giao thoa giữa dòng chảy sông và dòng triều… có nguy cơ sạt lở cao, gây thiệt hại về sinh mạng, mất đất, nhà cửa, tài sản, cơ sở hạ tầng xây dựng hai bên bờ sông, kênh, rạch. Do đó, người dân sinh sống tại các khu vực trên đang cần các giải pháp ứng phó, hạn chế sạt lở, tác động của BĐKH mà ngành chức năng là đơn vị kết nối thực hiện.

Đi qua những khu vực đang sạt lở nặng trên địa bàn TP Cần Thơ, như dọc sông Cần Thơ (thuộc ấp Nhơn Thành, xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền); rạch Khai Luông (khu vực Bình Phó B, phường Long Tuyền, quận Bình Thủy); sông Thơm Rơm (phường Thuận Hưng, quận Thốt Nốt), sông Ô Môn (quận Ô Môn)... là những nơi trước đây có dân cư đông đúc, sản xuất, kinh doanh khá sung túc với những đoạn đường giao thông trải nhựa, bê tông thẳng tắp, giờ trở thành hoang vắng, nham nhở bởi "thủy thần" đã “ăn” mất nhiều góc đường, góc phố... Người dân tại phường Thới An, quận Ô Môn còn nhớ mùa khô năm ngoái, cửa hàng kinh doanh xăng dầu của gia đình bà Bành Thị Ánh Hồng bị sụp đổ xuống sông hoàn toàn, thiệt hại tài sản trên 300 triệu đồng. Bà Ánh Hồng nói: “Nhiều năm trước, dòng chảy chưa thay đổi, kinh doanh xăng dầu gặp thuận lợi nhờ vị trí “trên bến dưới thuyền”. Gần đây, dòng chảy sông Ô Môn thay đổi do tác động của BĐKH, bờ sông bị xói mòn, sạt lở xuất hiện và đe dọa nhà cửa cặp bờ sông. Chỉ sau một đêm, cửa hàng xăng dầu của gia đình tôi bị sụp đổ xuống sông, gây thiệt hại nặng nề. Bà con sống cặp sông, rạch nên cảnh giác sạt lở, tránh chủ quan, lơ là với hiện tượng này để tránh rủi ro...”.

NỖ LỰC ỨNG PHÓ

Các nhà khoa học nhận định: thời gian qua, tại khu vực ĐBSCL nói chung, TP Cần Thơ nói riêng, sạt lở bờ sông xuất hiện ngày càng nhiều là do ảnh hưởng BĐKH, dòng chảy trên sông thay đổi, mùa nước thì nước dâng cao, mùa khô nước rút cạn làm giảm độ kết dính của đất nên xuất hiện tình trạng sạt lở bờ sông. TP Cần Thơ là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề của hiện tượng này, do đó, khắc phục sạt lở bờ sông, kênh, rạch bằng dự án công trình (kè kiên cố) và phi công trình (kè sinh học) là giải pháp hữu hiệu, cần thiết nhất cho việc bảo vệ bờ sông, phát triển đô thị, tạo mặt bằng vững chắc cho người dân khai thác vị trí kinh doanh trên bến, dưới thuyền...

Tăng cường năng lực ứng phó biến đổi khí hậu
Bờ kè sông Thốt Nốt (quận Thốt Nốt) được xây dựng khang trang, góp phần hạn chế sạt lở, chỉnh trang đô thị, bảo vệ môi trường tại địa phương. Ảnh: HÀ VĂN

Nhiều năm qua, TP Cần Thơ đã triển khai thực hiện Đề án “Quy hoạch phòng chống sạt lở các sông rạch trên địa bàn TP Cần Thơ”, với các giải pháp chủ yếu như: củng cố hiện trạng, áp dụng các giải pháp phòng ngừa, phòng tránh, nhằm hạn chế tối thiểu mức độ thiệt hại do sạt lở gây ra; đầu tư xây dựng công trình kè chống sạt lở, di dời dân cư sống ven sông vào vùng đất ổn định, đồng thời chỉnh trang đô thị thực hiện liên tục đến năm 2025 và xa hơn nữa. Đề án phấn đấu đến năm 2030 có khoảng 80% hộ dân sống ven sông vào chỗ ở ổn định, đến năm 2050 toàn thành phố không còn nhà cọc ven sông, trả lại hiện trạng xanh, an toàn, ứng phó BĐKH tại các con sông, kênh, rạch. Đề án gồm 29 công trình xây dựng bờ kè chống sạt lở trong giai đoạn đến năm 2030 trên sông, kênh, rạch thuộc địa bàn TP Cần Thơ. Tổng chiều dài của các công trình này trên 56km, với tổng kinh phí thực hiện trên 2.030 tỉ đồng. Trong đó có những công trình thực hiện từ nguồn vốn ODA, kinh phí tài trợ của tổ chức quốc tế cho ứng phó BĐKH...

TP Cần Thơ cũng vừa công bố Quy hoạch bố trí dân cư đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, toàn thành phố có khoảng 9.353 hộ bị ảnh hưởng sạt lở và xâm nhập mặn cần được bố trí ổn định cuộc sống. Trong đó, bố trí ổn định tại chỗ 5.827 hộ (chiếm 62,3% tổng số hộ cần bố trí), bố trí đến cụm dân cư tập trung mới 1.620 hộ (chiếm 17,32%) và xen ghép vào cụm, tuyến dân cư hiện hữu 1.906 hộ (chiếm 20,38%). Riêng đối với những hộ có nguy cơ sạt lở cao là đối tượng bắt buộc phải bố trí di dời chỗ ở đến nơi ở mới. Toàn thành phố có 2.424 hộ bị ảnh hưởng sạt lở cao, thuộc các sông, kênh, rạch lớn hoặc ở gần sông, kênh, rạch có dòng chảy nguy hiểm như: sông Hậu (sông Cần Thơ), sông Ô Môn, sông Cái Sắn, sông Trà Nóc, sông Bình Thủy... Những hộ ở khu vực này được ưu tiên bố trí ổn định đến năm 2020.

Đối với những hộ có nguy cơ ảnh hưởng sạt lở, thành phố thực hiện hỗ trợ ổn định dần dần theo từng năm, trong đó sẽ có một số hộ được bố trí xen ghép để đảm bảo yêu cầu chỉnh trang đô thị và xây dựng nông thôn mới, còn lại phần lớn số hộ sẽ được hỗ trợ ổn định tại chỗ. Giai đoạn 2016 - 2020 sẽ hỗ trợ ổn định cho đối tượng này khoảng 30% số hộ, số còn lại sẽ được hỗ trợ ổn định giai đoạn định hướng đến năm 2030... Ông Đào Anh Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho biết: “Đối với các dự án đã có kế hoạch đầu tư thực hiện, các sở, ngành chức năng sớm hoàn thành thủ tục để triển khai thực hiện theo kế hoạch. Đối với các điểm sạt lở mới ngoài kế hoạch đầu tư xây dựng công trình kiên cố, chính quyền địa phương khắc phục trước mắt và báo cáo thành phố để có kế hoạch đầu từ khắc phục lâu dài bằng các công trình kiên cố. Thời gian tới, thành phố cũng tranh thủ sự hỗ trợ của các bộ, ngành Trung ương, tổ chức quốc tế, các thành phần kinh tế để được đầu tư kinh phí, đẩy nhanh kế hoạch thực hiện đề án, quy hoạch trên, góp phần ổn định nơi ở cho người dân vùng sạt lở, bảo vệ môi trường, chỉnh trang đô thị, xây dựng nông thôn mới thích ứng với BĐKH...”.

HÀ VĂN

Chia sẻ bài viết