25/11/2013 - 23:45

ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG

Tăng cường liên kết để thu hút đầu tư

Trong khuôn khổ MDEC – Vĩnh Long 2013, sáng 25-11 diễn ra Hội nghị xúc tiến đầu tư vùng ĐBSCL năm 2013, do Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, BIDV và UBND tỉnh Vĩnh Long tổ chức đã đánh giá kết quả đầu tư vào vùng ĐBSCL thời gian qua, bàn giải pháp đẩy mạnh thu hút đầu tư cho vùng trong thời gian tới. Tại hội nghị, các tỉnh, thành trong vùng cũng đã trao giấy chứng nhận đầu tư, chủ chương đầu tư cho các doanh nghiệp đầu tư tại các địa phương...

Nhiều tiềm năng lợi thế, nhưng…

ĐBSCL là vùng trọng điểm kinh tế, có vị trí chiến lược về an ninh-quốc phòng, giữ vai trò an ninh lương thực quốc gia. Với lợi thế về tài nguyên đất, nước, phát triển nông nghiệp; có nguồn lao động dồi dào và thị trường tiêu thụ hàng hóa lớn, đây cũng là nơi có nhiều thuận lợi để phát triển công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến và các loại hình thương mại – dịch vụ có giá trị gia tăng cao, thúc đẩy công nghiệp tiêu dùng, phát triển thị trường nội địa và xuất khẩu… Trong những năm qua, tình hình kinh tế-xã hội vùng ĐBSCL có bước phát triển đáng kể. Cụ thể: năm 2012 tốc độ tăng trưởng kinh tế của vùng đạt 9,98%, sản lượng lúa đạt trên 24 triệu tấn, xuất khẩu đạt 10 tỉ USD; thu nhập bình quân đầu người đạt trên 32 triệu đồng/người/năm; giải quyết việc làm trên 394.000 lao động; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 9,2%. Năm 2013, tốc độ tăng trưởng kinh tế của vùng ước đạt 10%.

Trao giấy chứng nhận đầu tư cho các nhà đầu tư tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư vùng ĐBSCL năm 2013. Ảnh: VĂN CỘNG

Ông Nguyễn Phong Quang, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, cho rằng: Kinh tế-xã hội của vùng ĐBSCL có nhiều khởi sắc do sự quan tâm sâu sát của Trung ương, sự nỗ lực của các địa phương trong vùng trong việc tranh thủ và huy động mọi nguồn lực xã hội, kêu gọi, thu hút vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế… Qua 6 lần tổ chức MDEC, đến nay vùng ĐBSCL đã thu hút được 635 dự án đăng ký đầu tư, trong đó, dự án đầu tư trong nước là 554 dự án (tổng vốn đầu tư gần 300.000 tỉ đồng) và 81 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài, với tổng vốn đăng ký trên 5 tỉ USD. Trong năm 2013, đặc biệt là Hội nghị Xúc tiến đầu tư vùng ĐBSCL năm 2013 này, ĐBSCL tiếp tục kêu gọi đầu tư cho 138 dự án, tổng mức vốn đầu tư gần 416.000 tỉ đồng và 2 tỉ USD. Đồng thời, tại hội nghị sẽ có 30 dự án được trao giấy chứng nhận đầu tư và chủ trương đầu tư. Hội nghị xúc tiến đầu tư vùng ĐBSCL năm 2013 còn mở ra một cơ hội mới để giới thiệu, quảng bá về tiềm năng, thế mạnh của vùng; tạo điều kiện để các nhà đầu tư tiếp cận các dự án trọng điểm, tìm hiểu các cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư...

Mặc dù có nhiều tiềm năng phát triển, nhưng theo đánh giá của nhiều đại biểu, kinh tế- xã hội của vùng vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thu hút đầu tư chưa tương xứng với các tiềm năng thế mạnh của vùng. Ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch Hội đồng Quản trị BIDV, cho biết: hiện hệ thống hạ tầng giao thông của vùng phát triển chưa đồng bộ, nhất là hạ tầng đường bộ. Nhiều cây cầu được xây dựng từ thập niên 90, trọng tải cầu đường của toàn tuyến, toàn trục, không đảm bảo lưu thông hàng hóa; hạ tầng hàng không của vùng đã có sân bay quốc tế Cần Thơ, Phú Quốc nhưng số chuyến bay quốc tế đến khu vực còn rất hạn chế, chưa mở các đường bay đến từ các nước Hồng Công, Thái Lan, Singapore… Hạ tầng giao thông đường thủy, đường biển chưa được đầu tư đúng mức, nên 70% hàng hóa xuất khẩu của vùng phải thông qua các cảng TP HCM. Điều này ảnh hưởng đến thu hút đầu tư, huy động các nguồn lực phát triển cho vùng.

Tăng cường các nguồn lực đầu tư

Tham dự hội nghị đầu tư, các đại biểu kiến nghị, các địa phương cần quan tâm khắc phục những hạn chế và triển khai đồng bộ các giải pháp, tăng cường lên kết để đẩy mạnh thu hút đầu tư. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lâm Hoàng Sa, nói: "Thời gian qua, liên kết vùng trong thu hút đầu tư còn yếu, theo kinh nghiệm của Kiên Giang, từng địa phương và cả vùng phải quan tâm làm tốt công tác quy hoạch, cải cách thủ tục hành chính, tăng cường xúc tiến đầu tư theo hướng liên kết giữa các địa phương. Vận dụng có hiệu quả các chính sách ưu đãi về đất đai, thuế, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động". Theo Ông Yasuzumi Hirotaka, Giám đốc điều hành JETRO (cơ quan thuộc Chính phủ Nhật Bản có nhiệm vụ hỗ trợ doanh nghiệp Nhật đầu tư ở nước ngoài) tại TP Hồ Chí Minh, cho biết, ĐBSCL đang có những lợi thế lớn về đầu tư như: lực lượng lao động dồi dào, chi phí sản xuất thấp, hạ tầng giao thông ngày càng thuận lợi, chính trị ổn định… Hiện có nhiều lĩnh vực đầu tư triển vọng vào vùng như: các ngành sử dụng nhiều lao động, gia công nông thủy sản, các lĩnh vực môi trường… Tuy nhiên, phát huy các ưu thế này trong đầu tư là thách thức lớn cho vùng. Ông Yasuzumi Hirotaka, nói: "Tiềm năng trong tương lai của ĐBSCL lớn nhưng còn tùy thuộc nhiều vào việc cải thiện môi trường kinh doanh. Nếu toàn bộ Chính phủ nỗ lực để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thì có thể còn có nhiều nhà đầu tư hơn nữa. Trong đó,cần quan tâm cải thiện về hệ thống thủ tục thuế; hệ thống pháp luật và việc áp dụng luật, thủ tục hành chính… phải theo hướng thông thoáng và thật minh bạch".

Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh chỉ đạo: Thời gian tới, các bộ, ngành Trung ương và địa phương cần chủ động rà soát quy hoạch, cơ cấu sản xuất gắn với thị trường trong nước và thế giới. Tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, quan tâm xử lý nợ xấu, tạo điều kiện cho doanh nghiệp vay vốn để đầu tư phát triển các dự án có hiệu quả và triển vọng, nhằm giúp phát triển sản xuất kinh doanh. Tiếp tục phát triển tín dụng ưu đãi cho lĩnh vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn và xuất khẩu. Ưu đãi vốn cho nông dân phát triển sản xuất lớn, đẩy mạnh cơ giới hóa và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính tạo thuận lợi trong môi trường đầu tư. Quan tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Tăng cường liên kết giữa các tỉnh,thành trong vùng và cả nước, liên kết giữa các doanh nghiệp, nông dân và doanh nghiệp để thúc đẩy kinh tế vùng phát triển bền vững.

ANH KHOA-VĂN CÔNG

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến tháng 9-2013, vùng ĐBSCL còn 802 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 11 tỉ USD, đứng thứ 4/7 vùng của cả nước. Vốn FDI vùng ĐBSCL tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, kinh doanh bất động sản, nông- lâm nghiệp và thủy sản... Về đầu tư của các doanh nghiệp trong nước, toàn vùng có 119 doanh nghiệp nhà nước và 43.764 doanh nghiệp ngoài quốc doanh đang hoạt động; từ đầu năm đến nay tổng số doanh nghiệp thành lập mới của vùng 3.607, tăng 59,7% so với cùng kỳ...

 

Chia sẻ bài viết