02/01/2021 - 07:00

Tăng cường kết nối thúc đẩy vùng ĐBSCL phát triển 

Mekong Connect 2020 diễn ra ngày 21-12 tại TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, được xem là sự kiện thành công nhất và quy mô nhất trong 5 lần tổ chức. Lãnh đạo 4 địa phương ABCD (An Giang, Bến Tre, Cần Thơ, Đồng Tháp) và Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao đã dành nhiều quan tâm, nỗ lực hết mức để tổ chức diễn đàn thành công trọn vẹn nhằm mục đích để vùng ĐBSCL phát triển thịnh vượng. Trong đó, TP Cần Thơ được xác định là trung tâm của vùng.

Mở rộng kết nối

Các chuyên gia tham gia bàn tròn tại phiên thảo luận do TP Cần Thơ chủ trì tại Diễn đàn Mekong Connect 2020.

Các chuyên gia tham gia bàn tròn tại phiên thảo luận do TP Cần Thơ chủ trì tại Diễn đàn Mekong Connect 2020.

Năm 2020, đại dịch COVID-19 hoành hành, hiện vẫn khiến các châu lục, các nền kinh tế lớn bị "phong tỏa", chuỗi cung ứng bị đứt gãy thì kết nối (Connect) càng có ý nghĩa quan trọng hơn bất cứ lúc nào. Ra đời từ sáng kiến của mạng lưới liên kết cấp vùng ABCD Mekong, Mekong Connect - CEO Forum là diễn đàn thường niên dành cho doanh nhân, nhà quản lý, điều hành, các chuyên gia trong và ngoài nước cùng các đối tượng có mối quan tâm và lợi ích liên quan đến ĐBSCL. Sau 4 kỳ tổ chức, Mekong Connect thực sự đã mở rộng các kết nối của các tỉnh đồng bằng cùng doanh nghiệp trong và ngoài nước; kết nối nông dân và doanh nghiệp; nhà nghiên cứu với nhà đầu tư, nhà làm chính sách...

Trong 1 ngày, Diễn đàn Mekong Connect 2020 (lần thứ 5) có 3 chương trình chạy song hành và tận dụng tất cả hình thức kết nối có thể (triển lãm, hội thảo, tư vấn chung, tư vấn 1-1, thảo luận nhóm, kết nối thị trường cả trực tiếp và trực tuyến). Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao, cho rằng, các chương trình lần này chứng tỏ trình độ tổ chức thực hiện của Mekong Connect đã thực sự được nâng lên và thực hành tốt. Chủ đề chính của Diễn đàn "Tham gia chuỗi giá trị toàn cầu cũng bao hàm ý nghĩa của Connect". Vì vậy, có thể nói, từ hình thức đến nội dung của diễn đàn năm nay là đúng xu thế phát triển của thế giới.

Năm nay, dù ĐBSCL đang đối mặt nhiều khó khăn, diễn đàn đã đưa ra các triển vọng, giải pháp, mô hình mới theo kịp xu thế phát triển của một thế giới đang thay đổi. Hầu hết cuộc thảo luận tại diễn đàn đều đi theo hướng phát triển kinh tế "xanh", vì con người, bảo vệ thiên nhiên. Các mô hình kinh tế tuần hoàn, triển khai năng lượng tái tạo, xây dựng kinh tế nông nghiệp theo mô hình chuyển đổi số và liên kết, chuẩn hóa nông nghiệp theo mô hình thực phẩm an toàn và bảo vệ thiên nhiên, thúc đẩy đầu tư tư nhân có chọn lọc để triển khai tái cấu trúc nông nghiệp, ứng dụng thương mại điện tử đi kèm tận dụng các hiệp định thương mại tự do quan trọng...

Năm nay, lần đầu tiên Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tham gia sâu với diễn đàn. Các tổ chức đại diện doanh nhân quốc tế cũng tham gia tích cực. Cũng lần đầu tiên, 3 bộ gồm: Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Công Thương cũng quan tâm chia sẻ về nội dung, cùng hứa hẹn chuẩn bị các chương trình hợp tác cụ thể ngay sau diễn đàn. Đó là những cơ sở nhằm hướng đến việc mở rộng diễn đàn về quy mô số địa phương, bộ, ngành, doanh nhân toàn quốc và quốc tế . Việc mở rộng với mục đích mang lại lợi ích cho vùng ĐBSCL và nền kinh tế cả nước nói chung.

Sau 17 năm từ khi Cần Thơ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, thành phố đã không ngừng nỗ lực và căn bản trở thành trung tâm động lực trên một số lĩnh vực then chốt như: hạ tầng giao thông với hệ thống sân bay quốc tế, đường bộ và đường thủy; lĩnh vực thương mại và dịch vụ với hệ thống bán lẻ, giáo dục, y tế và dịch vụ chất lượng cao; công nghiệp chế biến và xuất khẩu nằm trong top 3 ĐBSCL; là địa phương đầu tiên và duy nhất ĐBSCL thực hiện điều tiết ngân sách về Trung ương từ năm 2014.

TP Cần Thơ - Hạt nhân phát triển

Khách tham quan gian hàng trưng bày của TP Cần Thơ tại Diễn đàn Mekong Connect năm 2020.

Khách tham quan gian hàng trưng bày của TP Cần Thơ tại Diễn đàn Mekong Connect năm 2020.

Tại Diễn đàn Mekong Connect 2020, TP Cần Thơ chủ trì phiên thảo luận với chủ đề "Quy hoạch và phát triển nguồn lực mới ở vùng ĐBSCL". Tại diễn đàn, TP Cần Thơ đề xuất kế hoạch hành động trong giai đoạn mới theo hướng: Phát triển dịch vụ hậu cần - logistics nhằm trở thành trung tâm của khu vực ĐBSCL; dịch vụ chăm sóc sức khỏe, du lịch giáo dục, tài chính thương mại và xúc tiến thị trường. Phát triển nguồn nhân lực từ cơ bản đến nâng cao và từ lao động phổ thông đến lao động tay nghề cao. Khoa học công nghệ chú trọng nghiên cứu trong lĩnh vực nông nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao, sử dụng nguồn năng lượng tái tạo và năng lượng sạch với mục tiêu giảm giá thành sản phẩm, bảo vệ môi trường... Trong đó, dự án xây dựng Trung tâm logistics hạng II thuộc tiểu vùng kinh tế ĐBSCL tại TP Cần Thơ được xem là một trong những mấu chốt quan trọng trong việc tạo động lực phát triển kinh tế không chỉ cho TP Cần Thơ mà cả vùng ĐBSCL.

Bộ Công Thương dự báo, lượng hàng hóa qua cảng ĐBSCL từ nay đến năm 2030 là rất lớn, khoảng 71,5 triệu tấn/năm. Số liệu này cho thấy, vùng ĐBSCL có nhu cầu rất cao trong đầu tư phát triển doanh nghiệp cung ứng dịch vụ logistics. Bộ Công Thương cũng khẳng định, việc xây dựng trung tâm logistics tại TP Cần Thơ là phù hợp với quy hoạch phát triển hệ thống trung tâm logistics trên địa bàn cả nước. Viện Nghiên cứu và Phát triển logistics Việt Nam cũng cho rằng, với kết nối giao thông, vị trí chiến lược và khả năng cung cấp nguồn nhân lực thì TP Cần Thơ là khả thi nhất.

Hiện nay, khoảng 70% lượng hàng hóa của vùng ĐBSCL vẫn phải chuyển về các cảng tại TP Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu bằng đường bộ, khiến cho doanh nghiệp phải chịu chi phí vận tải cao hơn từ 10-40%. Các doanh nghiệp logistics hoạt động tại ĐBSCL hiện chỉ dừng lại ở việc giao nhận vận tải, cho thuê kho bãi, làm thủ tục hải quan, vận chuyển nội địa, gom hàng lẻ. Trên 85% các cảng còn phân tán, manh mún, phần lớn có công suất xếp dỡ nhỏ hơn 10.000 tấn/năm. Theo các chuyên gia, 3 thành tố quan trọng của logistics là vận tải lớn, hạ tầng bến bãi và dịch vụ hậu cần. Nếu giải quyết tốt được nút thắt về vận tải lớn thì các khâu còn lại sẽ được thúc đẩy phát triển mạnh. Bà Phạm Thị Mỹ Lệ, Phó Giám đốc Marketing Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn, cho rằng, trước hết cần thúc đẩy liên kết hệ thống giao thông, đặc biệt là hệ thống đường bộ kết nối các cảng; cần có chính sách khuyến khích đầu tư phát triển vận tải thủy; tăng cường nhân lực hải quan, tăng cường hệ thống công nghệ thông tin giúp doanh nghiệp giảm thời gian chờ đợi làm thủ tục thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu trực tiếp tại các cảng miền Tây Nam Bộ.

Theo Nghị quyết số 59-NQ/TW ngày 5-8-2020 của Bộ Chính trị, mục tiêu đến năm 2030, Cần Thơ là thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại mang đậm bản sắc văn hóa sông nước vùng ĐBSCL; là trung tâm của vùng về dịch vụ thương mại, du lịch, logistics, công nghiệp chế biến, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, giáo dục và đào tạo, y tế chuyên sâu, khoa học công nghệ, văn hóa, thể thao; là đô thị hạt nhân của vùng ĐBSCL; đời sống vật chất tinh thần của người dân đạt mức cao… Để thực hiện đạt mục tiêu trên, ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho biết, Cần Thơ đang cố gắng phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế, nguồn lực nội tại để phát triển những ngành, lĩnh vực tạo sức lan tỏa, dẫn dắt cho cả vùng, thúc đẩy sự liên kết trong vùng, phấn đấu sớm hoàn thành mục tiêu xây dựng và phát triển TP Cần Thơ trở thành đô thị hạt nhân, là thành phố xanh, văn minh, hiện đại, là trung tâm của vùng trên một số lĩnh vực quan trọng. Hiện nay, TP Cần Thơ tiếp tục phấn đấu xây dựng các hạng mục còn lại của trung tâm logistics loại II, thành phố công nghiệp và trung tâm du lịch ĐBSCL. TP Cần Thơ luôn tin tưởng vào sự đồng hành, hợp tác, góp sức của các nhà đầu tư, cộng đồng doanh nghiệp; sự đồng thuận, hỗ trợ từ Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương. Sự ủng hộ tích cực của các nhà tài trợ, các tổ chức quốc tế, các chuyên gia giúp Cần Thơ có cơ hội nhiều hơn trong thu hút đầu tư và phát triển kinh tế trong thời gian tới.

Bài, ảnh: KHÁNH NAM

Chia sẻ bài viết