05/12/2021 - 05:48

Tăng cường kết nối cung cầu, thúc đẩy tiêu thụ trái cây 

(CT) - Ngày 4-12, Tổ điều hành Diễn đàn thông tin kết nối sản xuất và tiêu thụ nông sản (Diễn đàn kết nối nông sản 970) phối hợp Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức Diễn đàn trực tuyến về kết nối cung cầu trái cây nhằm kết nối, quảng bá, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm cây ăn trái. Diễn đàn có sự tham dự của lãnh đạo các đơn vị chuyên môn thuộc Bộ NN&PTNT, Sở NN&PTNT các địa phương, lãnh đạo các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp xuất khẩu trái cây, hợp tác xã, người sản xuất, nhà phân phối…

Thu mua, sơ chế trái cây tại một doanh nghiệp ở tỉnh Bến Tre.

Thu mua, sơ chế trái cây tại một doanh nghiệp ở tỉnh Bến Tre.

Tại diễn đàn, các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ NN&PTNT cùng các đơn vị, doanh nghiệp đã cập nhật, cung cấp nhiều thông tin cần thiết về tình hình sản xuất, tiêu thụ trái cây ở nước ta trong bối cảnh ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, nhất là tại vùng Nam Bộ. Đồng thời, đề xuất nhiều giải pháp, cách làm hay nhằm tăng cường kết nối giữa các bên liên quan trong chuỗi giá trị ngành hàng trái cây để nâng cao chất lượng sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ. Diễn đàn cũng cập nhật, đưa ra các thông tin, dự báo về nhu cầu thị trường thời gian tới, cũng như khả năng cung cấp và dự kiến sản lượng, chủng loại trái cây tại các địa phương vùng Nam Bộ sẽ được thu hoạch từ nay đến quý I-2022. Đồng thời, tạo điều kiện để các đơn vị, doanh nghiệp, hợp tác xã và người sản xuất trao đổi thông tin, địa chỉ và số điện thoại liên hệ với nhau, nhằm thúc đẩy liên kết, hợp tác trong sản xuất, tiêu thụ trái cây…

Năm 2021, sản lượng trái cây tại vùng Nam Bộ dự kiến đạt hơn 7 triệu tấn, tăng khoảng 100.000 tấn so với năm 2020. Riêng trong tháng 12-2021, sản lượng tại cây tại Nam Bộ ước đạt hơn 700.000 tấn. Dự kiến trong quý I-2022, sản lượng trái cây tại Nam Bộ đạt hơn 1,6 triệu tấn, tập trung ở các loại: thanh long, chuối, xoài, mít, cam, quýt, nhãn, sầu riêng, dứa… Do vậy, lượng trái cây cần được tiêu thụ trong thời gian tới là rất lớn. Trong khi đó, tình hình xuất khẩu nhiều loại cây được dự báo còn khó khăn do ảnh hưởng dịch COVID-19, cước phí vận tải tăng và nhiều nước gia tăng các rào cản kỹ thuật để hạn chế hàng nhập khẩu và bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Trước thực tế này, nhiều ý kiến cho rằng, cơ quan chức năng, nhất là ngành chức năng tại các địa phương cần rà soát, nắm kỹ diện tích, sản lượng từng loại trái cây dự kiến được thu hoạch trong thời gian tới để chủ động hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp tiêu thụ kịp thời, trong đó chú ý khai thác tốt thị trường nội địa gắn với mở rộng thị trường xuất khẩu. Kịp thời hỗ trợ và khuyến khích người dân, doanh nghiệp tăng cường liên kết theo chuỗi, phát triển sản xuất theo các tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt (GAP), có mã số vùng trồng… để trái cây đảm bảo chất lượng, an toàn... Mặt khác, cần quan tâm khắc phục những hạn chế trong khâu bảo quản, chế biến sản phẩm và tăng cường phát triển trồng thêm những loại cây ăn trái ngon, có giá trị cao, dễ bảo quản, vận chuyển đi tiêu thụ ở xa…

KHÁNH TRUNG

Chia sẻ bài viết