12/06/2024 - 20:36

Tăng cường giải pháp công trình phòng, chống sạt lở bờ sông 

Theo nhận định của các chuyên gia, thời điểm đầu mùa mưa, tình hình sạt lở bờ sông, kênh, rạch càng gia tăng và nghiêm trọng. Nhiều vụ sạt lở bờ sông đã gây thiệt hại nặng nề về tài sản, đe dọa tính mạng người dân. Công tác khắc phục sạt lở, ổn định cuộc sống cho người dân ven sông, rạch đang được các ngành, các cấp trên địa bàn TP Cần Thơ quan tâm thực hiện.

Sạt lở nghiêm trọng

Từ đầu mùa mưa (giữa tháng 5-2024) đến nay, trên địa bàn TP Cần Thơ liên tục xảy ra nhiều vụ sạt lở nghiêm trọng, ảnh hưởng sinh hoạt, kinh doanh của người dân. Bà con ở quận Bình Thủy (TP Cần Thơ) còn nhớ vụ sạt lở bờ sông Bình Thủy vào ngày 31-5, tại khu vực Bình Yên A, phường Long Hòa đã làm ảnh hưởng 10 căn nhà của các hộ dân. Vụ sạt lở xảy ra khoảng 7 giờ sáng với chiều dài sạt lở trên 70m, ăn sâu vào bờ 8m làm cho một phần phía sau của 10 căn nhà sụp xuống sông. May mắn, sạt lở không gây thương tích về người, tuy nhiên gây thiệt hại nhiều về tài sản. Bà Lê Thị Năm (ở khu vực Bình Yên A, phường Long Hòa), chủ của một trong những căn nhà bị sạt lở cho biết, hơn 6 giờ sáng tường nhà phát ra tiếng “rắc rắc”, nền nhà xuất hiện nhiều vết nứt kéo dài, sau đó sạt lở xảy ra rất nhanh. Chỉ trong khoảng 30 phút, phòng bếp cùng công trình phụ của ngôi nhà nằm sát bờ sông Bình Thủy của gia đình bà đã bị nhấn chìm xuống sông, kéo theo nhiều tài sản. “Năm trước thấy xuất hiện vết nứt, gia đình đã gia cố một lần nhưng cũng chưa ổn định, luôn sống trong lo sợ. Giờ nhà sụp rồi nhưng tôi vẫn chưa biết sẽ dời đi đâu” - bà Năm nói.

Khu vực sạt lở bờ sông Bình Thủy ảnh hưởng 10 căn nhà tại phường Long Hòa (xảy ra ngày 31-5), thành phố đang đề nghị bộ, ngành Trung ương hỗ trợ kinh phí xây dựng bờ kè kiên cố phòng, chống sạt lở.

Sau khi nhận tin báo, lãnh đạo Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự - Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PTDS-PCTT&TKCN) TP Cần Thơ, UBND quận Bình Thủy đã có mặt tại hiện trường, chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả. Ban Chỉ huy PTDS-PCTT&TKCN quận Bình Thủy cũng đề nghị Ban Chỉ huy PTDS-PCTT&TKCN TP Cần Thơ xuất Quỹ phòng chống thiên tai của thành phố để hỗ trợ cho các hộ dân di dời đồ đạc, ổn định cuộc sống.

Trước đó, sáng 30-5 tại bờ sông Cái Sắn thuộc khu vực Thới Hòa 2, phường Thới Thuận, quận Thốt Nốt đã xảy ra sạt lở, sụp lún với chiều dài 41m, rộng 4m, ăn sâu vào mặt đường nhựa của quốc lộ 80. Vị trí sạt lở thuộc dự án nâng cấp cải tạo quốc lộ 80 do Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (Bộ Giao thông vận tải) làm chủ đầu tư. UBND quận Thốt Nốt cùng Ban Chỉ huy PTDS-PCTT&TKCN quận kịp thời chỉ đạo, huy động lực lượng phối hợp chủ đầu tư và đơn vị thi công phân luồng giao thông, ứng phó tại đoạn sạt lở, sụp lún. Tuy nhiên, khu vực bị sạt lở là tuyến đường huyết mạch nối ngã ba Lộ Tẻ (nút giao quốc lộ 80 với quốc lộ 91) đi về TP Rạch Giá (Kiên Giang) và lên quốc lộ N2B đi về cầu Vàm Cống, vào cao tốc Lộ Tẻ - Rạch Sỏi. Trên tuyến này có lưu lượng phương tiện qua lại rất đông, nên khi đường bị sạt đã dẫn đến tình trạng kẹt xe kéo dài nhiều ngày liền.

Ông Trương Tiến Lực, Trưởng phòng Kinh tế quận Thốt Nốt, Phó trưởng Ban Chỉ huy PTDS-PCTT&TKCN quận, cho biết: “Để đảm bảo an toàn giao thông cho người dân đi lại trên tuyến sông Cái Sắn, tuyến quốc lộ 80, Ban Chỉ huy PTDS-PCTT&TKCN quận Thốt Nốt đã phối hợp với chủ đầu tư, đơn vị thi công hướng dẫn, phân luồng giao thông, lắp đặt biển cảnh báo hạn chế cho các phương tiện giao thông đường thủy, đường bộ có tải trọng lớn, tốc độ cao lưu thông qua khu vực sạt lở, tuyến đường quốc lộ 80. Đồng thời, địa phương tuyên truyền cho những hộ dân có nhà gần nơi sạt lở không cho trẻ em chơi đùa để tránh tai nạn đáng tiếc xảy ra; tiếp tục theo dõi diễn biến tại khu vực sạt lở, sụp lún và các khu vực lân cận để kịp thời phát hiện các vết nứt, các điểm có nguy cơ sạt lở sớm thông báo cho người dân chủ động phòng ngừa, di dời để đảm bảo an toàn”.

Từ đầu năm 2024 đến nay, trên địa bàn TP Cần Thơ xảy ra 12 vụ sạt lở, sụt lún bờ sông, kênh rạch. Riêng trong thời gian chuyển mùa và đầu mùa mưa (tháng 4 và 5-2024) đã xảy ra 10 vụ sạt lở, làm ảnh hưởng hơn 20 căn nhà và một kho gạo, thiệt hại tài sản trên 12 tỉ đồng. Ban Chỉ huy PTDS-PCTT&TKCN các cấp kịp thời hỗ trợ người dân bị thiệt hại khắc phục hậu quả…

Cần khẩn trương khắc phục

Theo Ban Chỉ huy PTDS-PCTT&TKCN TP Cần Thơ, tuyến sông Bình Thủy, Cái Sắn… đã từng bị ảnh hưởng sạt lở nghiêm trọng trong những năm qua, bởi các con sông này có dòng chảy xiết, nhiều phương tiện giao thông thủy qua lại… Ban Chỉ huy PTDS-PCTT&TKCN thành phố đã báo cáo UBND thành phố và đề xuất bộ, ngành Trung ương hỗ trợ đầu tư xây dựng các tuyến kè chống sạt lở bờ sông để bảo vệ nhà cửa, tài sản của người dân cũng như các công trình ven sông. Trong đó có 2 dự án kè chống sạt lở sông Trà Nóc, với chiều dài 2,5km, kinh phí đầu tư dự kiến 250 tỉ đồng; Dự án kè chống sạt lở khẩn cấp sông Bình Thủy (đoạn từ cầu Rạch Chanh đến cầu Rạch Cam - khu vực vừa xảy ra sạt lở ngày 31-5) với chiều dài xây dựng 650m, kinh phí đầu tư dự kiến 100 tỉ đồng; Dự án kè chống sạt lở khẩn cấp kênh Cái Sắn với chiều dài 2km, kinh phí đầu tư dự kiến 300 tỉ đồng… Các dự án trên được triển khai thực hiện sẽ góp phần ổn định bờ sông, phát triển kinh tế, văn hóa, du lịch và đô thị tại TP Cần Thơ.

Dự báo, thời kỳ đầu mùa mưa 2024, sạt lở bờ sông sẽ diễn ra nghiêm trọng hơn, do đó công tác phòng tránh sạt lở đang cần các địa phương thực hiện nghiêm túc. Qua đó, các quận, huyện cần chủ động tổ chức các đoàn đi thực địa để tiến hành rà soát các nơi có nguy cơ sạt lở cao có thể gây nguy hiểm đến tính mạng, tài sản của nhân dân và tài sản của Nhà nước trên các tuyến sông, kênh, rạch; kịp thời thông báo, cảnh báo để người dân chủ động di dời đến nơi an toàn; thường xuyên cập nhật các điểm có nguy cơ sạt lở cao báo cáo về Ban Chỉ huy PTDS-PCTT&TKCN thành phố. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để không ngừng nâng cao nhận thức của nhân dân về phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai, đặc biệt là nâng cao ý thức phòng, chống sạt lở bờ sông, kênh, rạch. Chỉ đạo các phòng chức năng chủ động rà soát các tuyến đường giao thông cặp theo các tuyến sông, kênh, rạch thuộc phạm vi quản lý, hạn chế tải trọng và tốc độ xe lưu thông để chủ động phòng, chống sạt lở, đặc biệt là đối với các tuyến đường đã xuất hiện các vết nứt, sụt lún...

Ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ huy PTDS-PCTT&TKCN, nhấn mạnh: “Đối với các dự án, công trình khắc phục sạt lở đã có kế hoạch đầu tư thực hiện, các sở, ngành chức năng thành phố sớm hoàn thành thủ tục để triển khai thực hiện theo kế hoạch. Song song đó, các địa phương thường xuyên kiểm tra, hỗ trợ đơn vị thi công các công trình phòng, chống sạt lở đẩy nhanh tiến độ thực hiện khi điều kiện thời tiết thuận lợi, mực nước hạ thấp dưới kênh, rạch; kịp thời gia cố đê bao, đường giao thông, khu dân cư có nguy cơ sạt lở, nhằm đảm bảo an toàn cho người dân trong mùa mưa bão…”.

Bài, ảnh: HÀ VĂN

Chia sẻ bài viết