23/01/2024 - 09:16

Tăng cường đấu tranh với buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả 

Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Ban Chỉ đạo 138 Chính phủ và Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia (BCÐ 138/CP và BCÐ 389/QG), đồng chí Trần Lưu Quang, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo 138 Chính phủ và BCÐ 138/CP và BCÐ 389/QG nhấn mạnh, công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả có vai trò quan trọng, ảnh hưởng đến toàn xã hội. Từng đơn vị cần chủ động nắm chắc, dự báo sát, đúng tình hình, đề ra giải pháp phù hợp ngăn chặn hiệu quả hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Chỉ đạo thanh tra, kiểm tra, ngăn chặn xử lý nghiêm các hành vi bao che, tiếp tay bảo kê hoạt động buôn lậu thương mại…

Các lực lượng chức năng thuộc BCÐ 389 TP Cần Thơ thực hiện kiểm tra tại một cơ sở kinh doanh thực phẩm chức năng trên địa bàn quận Ninh Kiều.

Năm 2023, công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm đã được triển khai đồng bộ, nhiều biện pháp. Cơ quan chức năng đã điều tra, đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm nổi lên, nhất là tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, tội phạm có tổ chức núp bóng doanh nghiệp hoạt động cưỡng đoạt tài sản, tội phạm liên quan lĩnh vực kiểm định phương tiện cơ giới đường bộ, đường thủy. Các vụ án điểm được dư luận xã hội quan tâm được đưa ra xét xử kịp thời. Các đơn vị chức năng Bộ Công an đã điều tra, khám phá 44.733 vụ phạm tội về trật tự xã hội, đạt tỷ lệ 77,01%; án rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng đạt 91,13%; triệt xóa 126 băng nhóm tội phạm có tổ chức; bắt, vận động đầu thú, thanh loại 4.511 đối tượng truy nã, trong đó 1.789 đối tượng nguy hiểm. Tiếp nhận 100% tin báo, tố giác tội phạm, tỷ lệ giải quyết đạt 89,72%. Các đơn vị chức năng của Bộ Quốc phòng đã thụ lý, giải quyết 9.150 vụ, 18.902 đối tượng. Viện kiểm sát nhân dân các cấp đã thực hành công tố, kiểm sát, điều tra 130.354 vụ. Tòa án nhân dân các cấp thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 93.468 vụ với 183.963 bị cáo. Công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế tiếp tục được đẩy mạnh; duy trì phối hợp trao đổi thông tin, trấn áp hiệu quả các loại tội phạm mua bán người, buôn lậu, xuất nhập cảnh trái phép…

Trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, năm qua các lực lượng phát hiện, bắt giữ và xử lý 146.678 vụ vi phạm, tăng 4,95% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, các đơn vị, địa phương phát hiện, bắt giữ 11.499 vụ mua bán, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu; 129.713 vụ gian lận thương mại, gian lận về thuế; 5.464 vụ sản xuất, mua bán, vận chuyển hàng giả, kém chất lượng, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ; thu nộp ngân sách nhà nước 14.570,347 tỉ đồng; khởi tố hình sự 616 vụ, 724 đối tượng, không để xảy ra điểm nóng về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, góp phần bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bình ổn thị trường, phát triển kinh tế - xã hội. Các mặt hàng buôn lậu chủ yếu là thuốc lá điếu, thuốc lá điện tử, vật tư y tế, điện tử, thực phẩm đông lạnh, tân dược, xăng dầu… Các đối tượng sử dụng môi trường thương mại điện tử, mạng xã hội, trang thiết bị, công nghệ hiện đại để buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, diễn biến nhanh, thường xuyên thay đổi quy luật hoạt động. Trong khi đó, một số đơn vị, địa phương chưa quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, giám sát, kiểm tra, đôn đốc; việc trao đổi, chia sẻ thông tin, phối hợp lực lượng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả chưa thực sự hiệu quả.

Ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT), cho rằng, điểm đáng cảnh báo trong năm 2023 là hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ không bày bán tràn lan như trước đây, mà hàng hóa vi phạm sau khi qua biên giới được các đối tượng tập kết tại các kho hàng đặt tại nơi hẻo lánh, ít người qua lại, hoặc tại nhà riêng, sau đó các đối tượng lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh. Năm 2023, lực lượng QLTT cả nước đã thanh tra, kiểm tra 71.928 vụ (tăng 1,4% so với cùng kỳ năm 2022); phát hiện, xử lý 52.351 vụ vi phạm (tăng 19%); chuyển cơ quan điều tra 174 vụ có dấu hiệu tội phạm (tăng 37%). Thu nộp ngân sách trên 501 tỉ đồng (tăng 2,2%).

Để thực hiện tốt công tác phòng, chống tội phạm, Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an đề nghị, thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương cần quan tâm đến các chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ về công tác phòng chống tội phạm theo Chỉ thị số 48-CT/TW ngày 22-10-2010 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm; Chỉ thị số 36-CT/TW ngày 16-8-2019 của Bộ Chính trị về tăng cường nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy…; đồng thời quan tâm đến nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tội phạm. Cùng đó, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cần có rà soát để kiến nghị đối với chính sách an sinh xã hội, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Bộ Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước cần quan tâm kiểm soát được sim rác và tài khoản không chính chủ, vì đây là phương tiện, công cụ để tội phạm lừa đảo trên không gian mạng, chiếm đoạt tài sản… 

Trước thay đổi xu hướng tiêu dùng và sự phát triển nhanh chóng của hoạt động thương mại điện tử (TMĐT), ông Trần Hữu Linh, cho rằng, công tác chống hàng giả trên TMĐT là nhiệm vụ vô cùng quan trọng, cấp thiết, nhất là trong dịp cuối năm khi nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng vào giai đoạn cao điểm. Trong năm 2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã phê duyệt đề án chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong TMĐT, giai đoạn đến 2025. Theo đó, năm qua lực lượng QLTT đã phối hợp với các lực lượng chức năng cả nước xử lý được 1.000 vụ vi phạm trên môi trường online. Tuy nhiên, số lượng này rất nhỏ so với  thực tế và chưa có vụ việc lớn. Để quản lý mảng kinh doanh này, trước hết cần phải thay đổi những quy định, phải có những quy định để định danh được người bán…

Đề ra kế hoạch năm 2024, ông Trần Hữu Linh nhấn mạnh, bên cạnh việc phòng chống gian lận thương mại, phòng chống hàng giả, lực lượng QLTT đặt trọng tâm trong công tác phòng chống hàng giả trên môi trường online. Bởi hiện nay, rất nhiều các cửa hàng bán buôn, bán lẻ, đặc biệt tại các thành phố lớn có xu hướng chuyển mô hình kinh doanh từ truyền thống sang online. Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại các trung tâm thương mại, chợ truyền thống. Đặc biệt, hoạt động bán hàng trên các trang mạng xã hội (Zalo, Facebook, Tik Tok…) rất phổ biến. Đề án 06 là nền tảng rất tốt để yêu cầu các sàn giao dịch TMĐT, người bán hàng trên mạng bắt buộc kê khai thông tin, định danh người bán hàng. Từ đó mới thực hiện được nghĩa vụ thuế, hoặc khi có thanh tra kiểm tra vi phạm thì mới xác định được...

Theo BCĐ 389 TP Cần Thơ, năm 2023 các lực lượng chức năng đã kiểm tra, bắt giữ và xử lý 1.992 vụ, tăng 136 vụ, tương đương 7,33% so với cùng kỳ năm 2022. Tổng số tiền xử lý vi phạm hơn 195,4 tỉ đồng, tăng gần 103 tỉ đồng, tăng 110% so với cùng kỳ 2022. Trên địa bàn không xảy ra các vụ việc nổi cộm, gây bức xúc trong nhân dân.   

Bài, ảnh: KHÁNH NAM

 

Chia sẻ bài viết