04/09/2009 - 08:40

Thủ tướng Chính phủ chỉ thị:

Tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em

(TTXVN)- Ngày 1-9-2009, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 1408/CT-TTg, về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em.

Chỉ thị nêu rõ, sau gần mười năm thực hiện Chương trình Hành động quốc gia vì trẻ em Việt Nam giai đoạn 2001-2010, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự phối hợp của các ngành, đoàn thể, sự chăm lo cho trẻ em của mỗi gia đình, cộng đồng, công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em đã đạt hoặc vượt nhiều mục tiêu, chỉ tiêu đến năm 2010 về chăm sóc sức khoẻ, giáo dục trẻ em.

Tuy nhiên, trên thực tế, một số quyền của trẻ em chưa được thực hiện tốt, một số chỉ tiêu đến năm 2010 về bảo vệ trẻ em của Chương trình Hành động quốc gia vì trẻ em Việt Nam giai đoạn 2001-2010 (Quyết định số 23/2001/QĐ-TTg ngày 26-2-2001 của Thủ tướng Chính phủ) và Chương trình Ngăn ngừa và giải quyết tình trạng trẻ em lang thang, trẻ em bị xâm phạm tình dục và trẻ em phải lao động nặng nhọc, trong điều kiện độc hại, nguy hiểm giai đoạn 2004-2010 (Quyết định số 19/2004/QĐ-TTg ngày 12-2-2004 của Thủ tướng Chính phủ) có khả năng không đạt, đặc biệt là chỉ tiêu giảm số lượng trẻ em bị xâm phạm tình dục, bị lạm dụng sức lao động, bị mua bán, bị bạo lực, bị tai nạn, thương tích, nhiễm HIV, phạm các tội đặc biệt nghiêm trọng. Nhiều hành vi vi phạm nghiêm trọng quyền trẻ em, xâm hại tình dục, bạo lực và mua bán trẻ em đã gây bức xúc trong dư luận xã hội...

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương liên quan thực hiện các nhiệm vụ nhằm tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Theo đó, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan và UBND các tỉnh, thành phố rà soát, đánh giá tình hình thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành về bảo vệ và chăm sóc trẻ em để sửa đổi hoặc bổ sung, bãi bỏ kịp thời.

Bộ Công an chỉ đạo công an các cấp xây dựng và thực hiện các kế hoạch đấu tranh quyết liệt, liên tục với tội phạm xâm hại trẻ em, tội phạm trong lứa tuổi chưa thành niên. Đồng thời, tăng cường công tác xác minh đối với hồ sơ của trẻ em có nguồn gốc không rõ ràng nhưng được giới thiệu làm con nuôi cho người nước ngoài... Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo xây dựng môi trường sư phạm lành mạnh, không có bạo lực; tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua “xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, chú trọng việc rèn luyện kỹ năng tự bảo vệ, kỹ năng giao tiếp, ứng xử cho học sinh trong nhà trường... Bộ Y tế cần chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả chính sách khám chữa bệnh cho trẻ em dưới 6 tuổi, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Bên cạnh đó, thực hiện thí điểm một số loại hình dịch vụ y tế hỗ trợ khẩn cấp cho trẻ em bị xâm phạm tình dục, trẻ em là nạn nhân của bạo lực... Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tăng cường thanh tra, kiểm tra và quản lý chặt chẽ các sản phẩm văn hóa, dịch vụ vui chơi, giải trí dành cho trẻ em...

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông kiểm tra các hoạt động thông tin, báo chí, xuất bản, thông tin trên internet dành cho trẻ em; xử lý nghiêm những hành vi xuất bản các ấn phẩm, sản phẩm thông tin dành cho trẻ em có nội dung đồi trụy, kích động bạo lực. Bộ Tài chính ưu tiên bố trí kinh phí để thực hiện các mục tiêu về bảo vệ, chăm sóc trẻ em tại các vùng đồng bào dân tộc, miền núi, Tây Nguyên, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn.

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bảo đảm sự chỉ đạo thống nhất của các cấp chính quyền địa phương đối với công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Tiếp tục chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các mục tiêu và nội dung của Chương trình Hành động quốc gia vì trẻ em Việt Nam giai đoạn 2001-2010.n

Để dòng vốn đầu tư gián tiếp nhiều hơn và bền vững hơn, Việt Nam cần nghiên cứu các giải pháp về nới lỏng tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài như nhiều nước trong khu vực đã làm, đặc biệt là trong ngành ngân hàng. Việt Nam cũng cần ban hành các danh mục ngành nghề không cho phép các nhà đầu tư gián tiếp nước ngoài tham gia; ngành nghề nhạy cảm; hạn chế đầu tư nước ngoài; mở rộng ngành nghề được phép thu hút đầu tư gián tiếp nước ngoài. Đồng thời, Việt Nam cũng cần đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, tăng cường tính minh bạch của thị trường chứng khoán; ổn định môi trường kinh tế vĩ mô, thực thi chính sách mở cửa thu hút nguồn vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài bằng cách ban hành các chính sách khuyến khích hoạt động lâu dài của các quỹ đầu tư nước ngoài.

Chia sẻ bài viết