12/11/2018 - 06:26

Tăng cường cơ giới hóa trong sản xuất lúa 

Hiện nay, giá thành sản xuất lúa tại nhiều địa phương còn ở mức khá cao và nhiều phụ phẩm từ sản xuất lúa cũng chưa được tận dụng tốt để góp phần mang lại giá trị gia tăng. Một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng trên do chưa ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa.

Thiếu đồng bộ

Cơ giới hóa trong sản xuất lúa tại nhiều địa phương được đánh giá có tốc độ tăng khá nhanh. Đến nay, nhiều khâu quan trọng trong quá trình sản xuất lúa, nhất là tại ĐBSCL đã cơ giới hóa gần 100% như: làm đất, tuốt đập lúa, xay xát lúa gạo. Dù vậy, tỷ lệ cơ giới hóa tại một số khâu trong sản xuất lúa vẫn còn thấp. Mức độ cơ giới hóa sản xuất lúa giữa các địa phương và các vùng miền cũng chưa đồng đều.


Thực hiện san phẳng mặt ruộng bằng máy móc cơ giới ứng dụng công nghệ laser tại một cánh đồng ở huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ. Ảnh: KHÁNH TRUNG

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đối với khâu làm đất trong sản xuất lúa, mức độ cơ giới hóa của cả nước tăng từ 54% năm 2000 lên 93% năm 2017, trong đó cao nhất là vùng ĐBSCL đạt bình quân 98%, vùng Đông Nam bộ 96%, Tây Nguyên 91%, duyên hải Nam Trung bộ 86%.

Với khâu gieo sạ và cấy lúa bằng máy, mặc dù mới ứng dụng nhưng đã có tốc độ tăng trưởng khá. Năm 2008, tỷ lệ gieo sạ và cấy lúa bằng máy mới đạt khoảng 5%, đến năm 2017 tỷ lệ này của cả nước đạt khoảng 25%, trong đó vùng ĐBSCL đạt 60%, vùng Đông Nam bộ 25%, Tây Nguyên 12%, duyên hải Nam Trung bộ 18%.

Khâu cơ giới hóa chăm sóc và phun thuốc bảo vệ thực vật cho lúa nhìn chung có tốc độ tăng trưởng đều qua các năm. Năm 2000, tỷ lệ của cả nước mới đạt khoảng 36%, đến năm 2017 đã đạt 78%, trong đó vùng ĐBSCL đạt bình quân 86%, các vùng miền khác đạt từ 72-78%.

Đối với khâu thu hoạch lúa, mức độ cơ giới hóa cũng tăng khá nhanh, từ 5% năm 2000 lên 57% năm 2017. Trong đó, vùng ĐBSCL có mức độ cơ giới hóa khâu thu hoạch cao nhất đạt 82%, Đông Nam bộ 52%, Tây Nguyên 50%, duyên hải Nam Trung bộ 42%.

Đến nay, nhiều tỉnh, thành phía Nam, nhất là vùng ĐBSCL đã cơ giới hóa việc thu gom rơm rạ và hiện có trên 10 cơ sở chế tạo, kinh doanh và có trên 500 máy cuốn rơm các loại. Dịch vụ thu gom, cuộn rơm trên đồng ruộng phát triển tại nhiều địa phương vùng ĐBSCL đã nâng cao giá trị của rơm, tăng thu nhập người trồng lúa, góp phần giảm rơm đốt đồng và tăng lượng rơm sử dụng cho các hoạt động chăn nuôi trồng trọt như: nuôi bò, trồng nấm…

Cơ giới hóa trong sản xuất lúa và nông nghiệp nói chung tại các tỉnh, thành phía Nam được đánh giá cao hơn bình quân cả nước, nhưng nhìn chung vẫn còn thấp và chưa toàn diện. Mặc dù nhiều khâu có tỷ lệ cơ giới hóa cao, song trình độ trang bị còn lạc hậu, thể hiện hầu hết các máy làm đất công suất nhỏ, chỉ thích hợp quy mô hộ và đất manh mún. Cơ giới hóa mới tập trung chủ yếu làm đất, chăm sóc, thu hoạch lúa, khâu cấy bằng máy còn thấp.

Hiện mức độ trang bị động lực cho nông nghiệp của cả nước cũng còn thấp so với các nước trong khu vực và châu Á, mới đạt bình quân 2,4HP/ha canh tác, trong khi các nước như Thái Lan 4HP/ha, Trung Quốc 8HP/ha, Hàn Quốc 10 HP/ha. Chất lượng lao động nông thôn thấp, nhiều lao động vận hành, sử dụng máy nông nghiệp không qua đào tạo.

Cần đầu tư đúng mức

Thực tế cho thấy, cơ giới hóa và hiện đại hóa sản xuất có ý nghĩa rất quan trọng trong giải quyết khâu lao động nặng nhọc, tính thời vụ, góp phần giảm chi phí, tăng năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp. Tuy nhiên, do sản xuất lúa và nhiều loại cây trồng ở nước ta còn manh mún, nhỏ lẻ theo quy mô nông hộ nên khó đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa một cách đồng bộ theo quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao.

Nhiều chuyên gia cho rằng, Nhà nước cần sửa đổi, điều chỉnh Luật Đất đai 2013 liên quan đến hạn điền cho phù hợp, tạo thuận lợi cho cơ giới hóa nông nghiệp. Quan tâm tổ chức cánh đồng hiện đại, kiến thiết lại đồng ruộng, bờ ruộng đủ rộng để cơ giới hóa vào tận từng thửa ruộng và bố trí trồng các loại cây trồng vật nuôi theo từng khu vực chuyên canh tập trung. Điện khí hóa nông thôn gắn với thủy lợi hóa để chủ động tưới tiêu, phòng tránh ngập lũ. San phẳng mặt ruộng bằng công nghệ laser và các giải pháp thích nghi khác để mặt ruộng bằng phẳng thuận lợi trong chăm sóc, quản lý nước và dịch hại. Tăng cường làm mạ khay, cấy lúa bằng máy, kết hợp vùi phân bón tan chậm. Bảo vệ thực vật và diệt cỏ bằng các phương pháp sinh học và cơ giới để giảm sử dụng thuốc hóa học…

Theo kỹ sư Nguyễn Thể Hà, chuyên gia kinh tế - kỹ thuật, Công ty TNHH Cơ khí Công nông nghiệp Bùi Văn Ngọ, cơ giới hóa là giải pháp căn cơ để tăng năng suất lao động, tăng chất lượng và giá trị nông sản hàng hóa. Đối với vùng sản xuất lúa gạo chủ lực như ĐBSCL, thửa ruộng phải đủ rộng để các loại máy móc, cơ giới hóa công suất lớn phát huy tối đa hiệu quả.

Sản xuất và chế biến lúa gạo đang bước vào giai đoạn mới nhiều thách thức do biến đổi khí hậu và hội nhập quốc tế, nếu muốn không bị tụt hậu và yếu thế cạnh tranh, đòi hỏi nước ta phải quan tâm đúng mức đến việc cơ giới hóa và hiện đại hóa sản xuất. Nâng cao năng suất lao động và chất lượng hạt gạo theo hướng nông nghiệp chính xác, nông nghiệp thông minh, dựa vào thành tựu mới của khoa học công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Theo Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Chí Bửu, Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Miền Nam, hiện đại hóa nông nghiệp không phải chỉ có công nghệ cao, với hệ thống nhà màng, với kỹ thuật thủy canh, khí canh… mà điều quan trọng là phải thay đổi được căn bản phương thức quản lý sản xuất trên nền tảng đồng ruộng tập trung chứ không phải manh mún. Cần hình thành được những cánh đồng tập trung với công lao động giản đơn được sử dụng ít nhất, trí tuệ huy động cao nhất, như mô hình các nước Hoa Kỳ, Úc, Hà Lan. Tập trung ruộng đất là một trong những điều kiện để năng suất lao động của Việt Nam có thể cạnh tranh với các nước.

Hiện nay, trình độ công nghệ chế tạo máy nông nghiệp, đặc biệt là máy kéo 4 bánh cỡ vừa và lớn, máy cấy, máy thu hoạch… của nước ta còn thấp, quy mô nhỏ, chậm đổi mới công nghệ. Trình độ, khả năng tiếp cận công nghệ mới và thu nhập của đa phần người trồng lúa cũng còn thấp đã hạn chế việc đổi mới công nghệ và ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Trong khi đó, nhiều thiết bị, máy móc do nước ngoài sản xuất lại không phù hợp với điều kiện sản xuất thực tế ở nước ta. Do vậy, Nhà nước cần có các cơ chế chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư hấp dẫn để tạo ra các nhà máy chế tạo máy nông nghiệp chuyên sâu như nhiều nước đang thực hiện.

KHÁNH TRUNG

Chia sẻ bài viết