26/10/2013 - 21:23

Tăng cường chuỗi cung ứng - Đòn bẩy của ngành nông nghiệp

Đối thoại chính sách để phát triển chuỗi cung ứng là một cách tiếp cận mới, hướng tới thu hút các tác nhân trong chuỗi cung ứng cùng nỗ lực phát triển, đảm bảo an ninh lương thực theo hướng bền vững. Đối thoại chính sách cũng là một trong những nội dung cốt lõi, tăng năng suất cũng như thúc đẩy tăng trưởng ngành nông nghiệp.

Đối thoại tăng cường chuỗi cung ứng

Ông Larry C.Y.Wong, Viện trưởng Viện nghiên cứu Quốc tế và chiến lược Malaysia khẳng định: Việc quản lý theo chuỗi cung ứng sẽ chia sẻ lợi nhuận bền vững, tăng giá trị cho người sản xuất. Người sản xuất khi kết nối với chuỗi cung ứng sẽ tăng trưởng theo cấp số nhân. Đặc biệt, khi tham gia vào chuỗi cung ứng giá trị nông sản sẽ thúc đẩy sự chuyển dịch cơ cấu và liên kết nông thôn - thành thị, thúc đẩy tăng trưởng tổng thể.

Việc phát triển chuỗi cung ứng là cần thiết, tuy nhiên, để phát triển chuỗi cung ứng bền vững Việt Nam cần những chính sách thúc đẩy sự tham gia của các địa phương, tổ chức, doanh nghiệp vào chuỗi cung ứng trong khu vực và trên toàn cầu. Đây là những nội dung chính được thảo luận tại diễn đàn chính sách tăng cường hiệu quả sản xuất nông nghiệp và chuỗi cung ứng nông nghiệp tại Việt Nam vừa được tổ chức.

Theo ông Giovanni Capannelli, Cố vấn đặc biệt, Viện Ngân hàng Phát triển Châu Á, Tokyo, đã đến lúc Việt Nam cần tăng năng suất không phải dựa trên sử dụng các phương thức cũ mà phải dựa vào chuỗi cung ứng, đặc biệt là việc tối ưu hóa phương thức thực hành nông nghiệp, nâng cao hiệu quả, đầu vào cũng như tăng cường tổ chức chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, để tăng cường chuỗi cung ứng, Việt Nam cần nâng cao chất lượng quản trị và thể chế, xây dựng các chính sách, cải thiện cơ chế tài chính, cải thiện cơ sở hạ tầng... thúc đẩy sự phát triển ngành nông nghiệp Việt Nam.

Chia sẻ về các chính sách tăng cường hiệu quả chuỗi cung ứng nông nghiệp, bà Yumiko Tamura, Giám đốc Ngân hàng Phát triển Châu Á tại Việt Nam cho rằng nông nghiệp Việt Nam chỉ phát triển hơn nữa thông qua đổi mới chính sách, cải cách thể chế, ứng dụng công nghệ nhanh cũng như tăng đầu tư, quan tâm chặt chẽ đến chất lượng nông sản, an toàn thực phẩm. Việt Nam muốn được hưởng lợi từ phát triển ngành nông nghiệp thì cần xây dựng khung chính sách thuận lợi và các biện pháp để thực thi chính sách hiệu quả. Trong đó, vai trò của Nhà nước cần tăng cường năng lực như cơ quan điều phối khuyến khích khu vực tư nhân phát triển, đẩy mạnh phân phối tiêu thụ sản phẩm cũng như tham gia vào quá trình hoạch định chính sách về tài chính, đầu tư… nhằm tăng cường hiệu quả sản xuất nông nghiệp và chuỗi cung ứng nông nghiệp tại Việt Nam

Về việc phát triển chuỗi cung ứng ở Việt Nam và các vấn đề chính sách phát triển chuỗi, ông Larry C.Y.Wong cho biết cần giảm bớt sự tham gia của các doanh nghiệp nhà nước cũng như vai trò của doanh nghiệp nhà nước đối với các hợp đồng thương mại chính phủ. Chính phủ đóng vai trò hỗ trợ nhưng lại chuyển giao cho khu vực tư nhân thực hiện, bởi khu vực tư nhân có vai trò quan trọng trong chuyển đổi các phân khúc đầu vào - đầu ra cũng như phát triển chuỗi giá trị toàn diện và từng khâu trong chuỗi. Đặc biệt, cần có sự hỗ trợ thực hiện các phương thức cung ứng dịch vụ, hợp đồng nông sản, hỗ trợ nông nghiệp đa dạng thực hiện chuỗi phân phối hiện đại… Ngoài ra, đối thoại chính sách không chỉ dừng lại ở cấp độ quốc gia mà cần đối thoại cấp khu vực làm đòn bẩy cho ASEAN và tiểu vùng Mê Công, hình thành chuỗi cung ứng lương thực thực phẩm khu vực và mạng lưới kinh doanh - khai thác tổng hợp, cũng như tận dụng các khoản đầu tư biên mậu, khai thác chung thị trường mới nổi.

Thí điểm chuỗi cung ứng lúa gạo

Ông Larry C.Y.Wong nhấn mạnh: Cạnh tranh trong tương lai sẽ không còn là giữa các công ty mà là giữa các chuỗi cung ứng vì vậy việc phát triển chuỗi cung ứng có vai trò đặc biệt quan trọng. Các linh kiện theo chuỗi cung ứng không cần phải thuộc về một công ty hoặc một nhóm công ty mà có thể xây dựng liên minh chiến lược ở các mức độ khác nhau - từ cấu trúc lỏng lẻo đến nhà cung cấp chuyên dụng và đầu tư chéo. Vì vậy, các nước Campuchia - Lào - Myanmar - Việt Nam (CLMV) tập trung phát triển dự án tăng thêm giá trị gia tăng dọc theo chuỗi cung ứng đối với sản phẩm gạo - sản phẩm có tiềm năng tăng trưởng lớn nhất.

Chuỗi cung ứng làm giảm sự bất đối xứng thông tin giữa các khâu, làm giảm chi phí giao dịch cũng như tăng liên kết thông tin giữa các bên và cải thiện tỷ lệ đáp ứng với những thay đổi trong sở thích của người tiêu dùng và thị hiếu để thu được lợi nhuận đặc biệt. Mặc dù đang trong quá trình đổi mới và còn nhiều thách thức, các nước Campuchia - Lào - Myanmar - Việt Nam hướng tới nâng cao hiệu quả chuỗi cung ứng lúa gạo toàn diện và mạng lưới kinh doanh "từ hạt giống đến kệ bán hàng"; tìm kiếm khai mở các thị trường mới trong khu vực và quốc tế.

Hiện nay, trừ Myanmar, còn lại cả Campuchia, Lào và Việt Nam đang xuất khẩu gạo và trong tương lai các nước này đặt mục tiêu xuất khẩu gạo nhiều hơn nhưng tập trung cho chuỗi cung ứng lúa gạo và mạng lưới kinh doanh "nội khối". Trong khu vực Campuchia - Lào - Myanmar - Việt Nam, Việt Nam xuất khẩu khoảng 30 - 40% sản lượng lúa gạo, còn các nước còn lại trong khu vực chỉ xuất khẩu dưới 10% sản lượng, do đó trong tương lai các nước này cần quan tâm hơn đến cân đối lúa gạo giữa các quốc gia nhằm đảm bảo an ninh lương thực, duy trì giá trị và mức tăng trưởng phù hợp.

Về việc phát triển chuỗi cung ứng, ông Nguyễn Trung Kiên, Trung tâm Tư vấn Chính sách nông nghiệp cũng đề cập đến hợp tác công - tư và vai trò của khối tư nhân trong chuỗi cung ứng. Sự tham gia của tư nhân sẽ tạo ra thay đổi tích cực trong chuỗi cung ứng. Đồng thời, nhấn mạnh việc nâng cấp các quá trình trong chuỗi để kết nối chuỗi cung ứng lúa gạo khu vực Campuchia - Lào - Myanmar - Việt Nam. Bên cạnh việc chủ động thu hút đầu tư nước ngoài thực hiện chuyển giao công nghệ, kết nối thị trường xuất khẩu của chuỗi cung ứng, các nước trong khu vực cần tổ chức thương mại tiểu ngạch thông qua tăng cường gắn kết, phát huy thế mạnh để tiếp cận thị trường mới với nhiều ưu đãi như EU, Trung Quốc…

Mỗi nước trong khu vực đều có lợi thế riêng về vị trí chiến lược, địa vị chính trị và thương mại. Cụ thể, vị thế của Myanmar đang được nâng cao khi nước này thực hiện chính sách mở cửa, trong khi đó Campuchia và Lào được ưu đãi đặc biệt trong việc tiếp cận thị trường Châu Âu (miễn thuế nhập khẩu 200 USD/tấn). Do đó, tiềm năng phát triển gạo, nhất là các loại gạo hữu cơ, gạo xanh có thương hiệu cho thị trường trong và ngoài nước, đặc biệt là tại các chuỗi siêu thị lớn là khả thi.

Với sự gia tăng kết nối, phụ thuộc lẫn nhau trong công nghệ, năng suất, thương mại và an ninh lương thực, các nước Campuchia - Lào - Myanmar - Việt Nam cần phải áp dụng các hệ thống và phương pháp tiếp cận đa ngành, đồng thời cần có sự chuyển đổi linh hoạt để nắm bắt tiềm năng của từng quốc gia cũng như của cả nhóm, hướng tới quản lý chuỗi cung ứng toàn diện và mạng lưới kinh doanh "từ hạt giống đến kệ bán hàng" nâng cao năng suất trong ngành lúa gạo. Điều này sẽ giúp các nước này định hướng nỗ lực để giải quyết các vấn đề hội nhập trong đó có chuỗi cung ứng lúa gạo nhằm đuổi kịp các nước đi trước, đảm bảo an ninh lương thực, phát triển hiệu quả và bền vững chuỗi cung ứng quốc gia cũng như khu vực.

THU HÀ (TTXVN)

Chia sẻ bài viết