17/02/2022 - 15:56

Tắm nước nóng hằng ngày có tốt không? 

AN NHIÊN (Theo Boldsky)

Tắm nước nóng là cách đơn giản giúp mang lại cảm giác thư giãn và thoải mái sau một ngày dài làm việc mệt mỏi, hoặc để đánh thức cơ thể sau một đêm ngủ dậy. Tuy nhiên, thói quen này có thực sự tốt cho sức khỏe tổng thể?

Ảnh: Puffs.com

Trên thực tế, khả năng chịu nóng của mỗi người là khác nhau, vì còn phụ thuộc vào đặc điểm da của từng người cũng như điều kiện thời tiết. Chính vì thế, việc nên tắm nước nóng ở nhiệt độ bao nhiêu không giống nhau đối với từng đối tượng. Nhưng theo các chuyên gia sức khỏe, nhiệt độ an toàn và phù hợp với đa số mọi người là 440C. Bởi ở mức nhiệt độ này, lớp lipid phía ngoài biểu bì không bị bào mòn, làn da sẽ giữ được độ ẩm, căng. Còn khi tắm nước nóng ở nhiệt cao hơn, lớp biểu bì trên da dễ bị tổn thương, dẫn đến tình trạng khô nứt, mẩn ngứa. Ngoài việc dùng nhiệt kế, một cách đơn giản để xác định nhiệt độ nước tắm có phù hợp với bản thân hay không là ngâm tay vào nước tắm và cảm nhận xem bạn có thấy thoải mái hay quá nóng với bản thân.

Một số lợi ích nổi trội mà tắm nước nóng có thể mang lại bao gồm: thư giãn xương khớp và cơ bắp, giảm đau đầu, giúp ngủ ngon, đốt cháy calo và giảm lượng đường huyết sau ăn. Tuy nhiên, việc tắm nước nóng quá thường xuyên có thể phản tác dụng, gây ra nhiều tác hại như:

+ Gây khô da. Vào mùa lạnh, tắm nước nóng có thể khiến da bị khô do mất đi độ ẩm. Ngoài ra, nếu bạn có làn da nhạy cảm, tốt hơn là không nên tắm bằng nước nóng vì nó có thể gây phát ban và các bệnh dị ứng khác.

+ Khiến da hình thành nếp nhăn nhanh hơn. Tắm nước nóng thường xuyên dễ khiến da nhăn nheo và sạm đi quá sớm, vì nó có thể đẩy nhanh quá trình lão hóa.

+ Gây rụng tóc. Cũng tương tự như da mặt, nước nóng có thể làm trôi đi lớp dầu cần thiết cho da đầu dẫn đến viêm, tổn thương chân tóc và cản trở sự phát triển của tóc. Ngoài ra, nước nóng có thể khiến dầu gội và dầu xả không được xả sạch hoàn toàn, dẫn đến tình trạng rụng tóc nhiều hơn.

+ Khiến lỗ chân lông mở to thêm. Hơi nóng từ nước tắm có thể làm giãn nở lỗ chân lông và khiến chúng mở rộng hơn. Tình trạng này khiến lỗ chân lông dễ tích tụ tế bào chết, bã nhờn, bụi bẩn và các tạp chất khác, dẫn đến nổi mụn.

+ Tăng huyết áp.  Những người mắc sẵn các bệnh tim mạch - chẳng hạn như tăng huyết áp - nên tránh tắm nước nóng. Bởi hơi nóng từ nước có thể làm tăng hoạt động tuần hoàn máu của cơ thể, từ đó làm trầm trọng thêm tình trạng huyết áp cao sẵn có của bệnh nhân.

+ Ảnh hưởng đến khả năng sinh sản. Các nhà nghiên cứu phát hiện rằng tắm nước nóng hơn 30 phút/ngày có thể tác động xấu đến hoạt động sản xuất tinh trùng ở nam giới. Do đó, những người mắc các vấn đề về vô sinh được bác sĩ khuyên nên tắm nước lạnh thay vì nước nóng.

Chia sẻ bài viết