09/05/2009 - 19:59

"Tam gia cầu treo"

Bút ký • BÙI VĂN BỒNG

“Tam gia cầu treo” (từ trái qua) Ba Nhơn, Ba Hùng, Tư Liếu, phía sau là cầu Cua Chùa.
Ảnh: BÙI VĂN BỒNG

Ba ông nông dân, mới học hết lớp 5, chưa có ai được học một câu lý thuyết hay được dạy những đường nét cơ bản về đồ họa, thiết kế cầu đường. Ấy vậy mà giờ đây, cả ba ông nông dân ấy nổi tiếng ở Nam bộ về cái tài, cái khéo của nghề làm cầu treo qua các kênh rạch nông thôn. Bà con vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã quen gọi họ bằng cái tên chung đầy cảm mến và thán phục: “Tam gia cầu treo”. 10 năm qua, họ đã làm được trên 160 chiếc cầu treo thay thế cầu khỉ - loại cầu tre, cầu ván gỗ bắc lắt lẻo trên kênh rạch từ bao đời nay ở vùng sông nước miền Tây Nam bộ. Cầu treo do ba ông nông dân dựng nên cái nào cũng đẹp, tiện dụng, ít tốn kém, lại chắc chắn, thuận tiện cho nông dân đi lại ở xứ dọc ngang kênh rạch.

Dòng kênh Mặc Cần Dưng khá rộng. Hai bên triền sông dốc đứng. Một chiếc cầu treo vững chãi nối hai bờ hoa trái miệt vườn sum suê, thật là thơ mộng. Chiếc cầu treo nông thôn này đã có tuổi 10 năm. Chiếc cầu mang tên giản dị mang hơi thở đồng đất nắng mưa của xứ sở này: cầu Cua Chùa. Bởi con đường bên bờ An Hòa đi ven kênh Mặc Cần Dưng đến đây gặp ngôi chùa, bỗng cua một góc rộng rồi đi sang kênh tắt. Anh Tư Liếu - một trong “tam gia” nói với tôi:

- Đây là chiếc cầu treo đầu tiên, do ba anh em làm cầu treo chúng tôi bắc hồi tháng 6 năm 1999. Bà con nông dân ở đây đã gọi cây cầu tình nghĩa này là “Công trình chào mừng Thiên niên kỷ”.

Sau chiếc cầu treo nông thôn đầy ấn tượng này, nhóm “Tam gia cầu treo” đã đi bắc cầu nối mạch giao thông nông thôn trên khắp vùng dọc ngang kênh rạch Đồng bằng sông Cửu Long và một số địa phương miền Đông Nam bộ. Trước đây người ta biết danh ba anh nông dân chuyên làm cầu treo nông thôn có nhiều uy tín này là Nhóm cầu treo Châu Thành. Bởi cả ba thợ cầu “tự phát” này đều là nông dân nòi ở xã An Hòa, huyện Châu Thành (An Giang). Từ năm 2004, ba “nhà thợ cầu” này đã in một danh thiếp chung là “Tam gia cầu treo”. Chỉ thế thôi, không phải công ty, xí nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh nào, mà đơn giản chỉ là “TAM GIA CẦU TREO”. Đó là các ông: Nguyễn Văn Hùng (Ba Hùng), Phạm Văn Liếu (Tư Liếu) và Thạch Văn Nhơn (Ba Nhơn). Các ông không lấy nghề thợ cầu để kinh doanh, làm giàu, mà đơn giản là đi khắp nơi để làm cầu nông thôn, những nhịp cầu tình nghĩa. Ba ông đã tích cực vận động các nhà hảo tâm, các hội từ thiện và doanh nghiệp góp tiền để xóa cầu khỉ hoặc xây cầu ở các bến đò ngang, làm cầu treo hoặc cầu sắt chỉ với một ước vọng đổi mới bộ mặt nông thôn vùng sông nước Nam bộ. Có tiền của các nhà tài trợ đóng góp, các ông bỏ công sức trực tiếp chỉ huy thi công cầu, vận động thanh niên, dân quân đóng góp công sức. Các cây cầu do họ tự thiết kế, thi công, đảm bảo chất lượng, mang nhiều lợi ích kinh tế-xã hội và nhiều niềm vui đến cho các xóm ấp vùng sâu, vùng xa. “Tam gia cầu treo” ngày càng được tiếng lành đồn xa, ngày càng có nhiều uy tín khắp vùng. Đã gần 5 năm kể từ lần đầu tiên gặp ông Tư Liếu đang làm cầu ở Thoại Sơn, lần này lên An Giang tôi lại ghé thăm ba ông nông dân nổi danh làm cầu từ thiện. Ông Tư Liếu khoe với tôi:

- Hiện nay, chúng tôi đang thi công cầu treo Vàm Kênh Bảy, bắc qua sông Chắc Băng ở xã Trí Phải, huyện Thới Bình (Cà Mau) với chi phí hơn 2 tỉ đồng. Chiếc cầu treo này không những là nhịp cầu dân sinh, mà còn thuận tiện cho du khách gần xa đến viếng Phủ thờ Bác Hồ ở xã Trí Phải, kinh phí do ông Sáu Quân, chủ tiệm vàng ở chợ Huỳnh Sử bỏ ra đầu tư xây dựng.

Tôi hỏi ông Ba Hùng:

- Vốn là nông dân, cả ba ông mới học hết tiểu học, ngoài làm ruộng rẫy chỉ biết làm thêm nghề thợ hồ và xây cầu cống, tại sao các ông lại thiết kế và thi công được cầu treo, cầu sắt nông thôn?

Ba Hùng cười :

- Đơn giản ban đầu là ham làm việc nghĩa. Thấy bà con ngay quê mình còn vất vả do đi lại trên vùng kênh rạch còn nhiều khó khăn, chúng tôi nhất quyết phải đứng ra làm cầu để phục vụ bà con.

Tôi nói:

- Cái chính là tấm lòng, và dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm?

- Vâng, đúng là như vậy! Bằng cấp của ba anh em chúng tôi có gì đâu. Học văn hóa cũng mới qua “trường làng”. Tôi nhớ cuối năm 1998, ba anh em chúng tôi đi thăm triển lãm ở thành phố Cần Thơ, thấy người ta trưng bày mô hình cầu Mỹ Thuận mà ham. Thật là tuyệt. Theo mô hình cầu Mỹ Thuận, thì cầu treo là thích hợp với vùng sông nước. Chiếc cầu vươn cao, độ cong vừa phải. Dây văng đã làm bớt đi các trụ cầu. Như vậy, bắc cầu nối giao thông đường bộ, nhưng không làm cản trở dòng chảy, không làm ảnh hưởng đến giao thông đường thủy. Chúng tôi đã quan sát rất kỹ mô hình cầu treo Mỹ Thuận. Và chúng tôi nghĩ: Có thể bắt chước mô hình cầu Mỹ Thuận để làm cầu treo nông thôn. Được lắm chứ, vì rất nhiều tiện lợi.

Đó cũng là cái sự “khởi đầu nan” và cũng là nỗi niềm mong ước với kỳ vọng rất tự tin của “Tam gia cầu treo”. Họ muốn như vậy, chí quyết như vậy. Quả nhiên mười năm qua họ đã đóng góp được nhiều cho sự nghiệp phát triển giao thông nông thôn, bằng chính sức mình, sức dân, không chờ đợi Nhà nước.

Nhớ mùa lũ năm 1998, hai bên bờ kênh An Hòa được nối bởi cây cầu ván thấp xịt, bị rác và lục bình mùa lũ chẹn cứng, gây ách tắc cả đường qua lại giữa xã Bình Hòa và xã An Hòa. Học sinh không có đường đến trường. Xuồng ghe trên dòng kênh cũng không còn lối qua lại. Biết ông Tư Liếu và ông Ba Hùng có nghề xây dựng, ông Trần Văn Minh, Bí thư Đảng ủy xã An Hòa, gợi ý: “Các bác nghĩ xem cách nào có thể bắc cầu vòm cao hơn mặt nước lũ để không bị tắc đường vào mùa lũ?”. Vốn đã có ý định từ khi đi thành phố Cần Thơ xem mô hình cầu Mỹ Thuận trong triển lãm, ông Tư Liếu bàn với ông Ba Hùng nghĩ cách thiết kế cầu treo dây văng Cua Chùa. Không biết máy vi tính, không có kinh nghiệm vẽ kỹ thuật, các ông đo kích thước mô hình cầu Mỹ Thuận rồi tính ra kích thước từng đoạn cầu, tự vẽ nên bản thiết kế cầu treo Cua Chùa. Thế mà thành công. Ông Tư Liếu mạnh dạn đưa bản phác thảo cầu treo trình bày với đảng ủy, chính quyền xã An Hòa. Cũng may lần bản vẽ của ông được chính quyền xã ghi nhận và đem bản phác thảo cùng ý tưởng của ông Tư Liếu trình lên Phòng giao thông và Phòng xây dựng huyện Châu Thành. Các cán bộ chuyên ngành ở Phòng giao thông huyện thấy lạ: nông dân mà dám nghĩ, dám làm, phác thảo hình mẫu cây cầu treo thật có lý. Nhiều cán bộ, kỹ sư ngành cầu đường đi thực tế vẫn chưa ai đưa ra được phương án làm cầu treo hợp lý như vậy. Phòng giao thông đã góp ý, điều chỉnh một số chi tiết để tăng độ bền chắc, bảo đảm an toàn cho cây cầu treo, rồi nhất trí cho xã làm thí điểm cây cầu treo theo bản phác thảo của ông Tư Liếu. Ông Tư Liếu kể lại rằng, hôm bắt đầu thi công làm cầu Cua Chùa, bà con phấn khởi lắm. Mấy cụ chống gậy tới xem, động viên. Trai tráng trong làng cũng đến Ban xây dựng cầu xin được tham gia góp sức, bà con trong ấp đã góp gạo, cá mắm, bầu bí cho anh em làm cầu ăn. Chưa đầy một tháng, cầu đã làm xong, dân kéo nhau tới xem cầu treo rất đông, bởi lần đầu tiên trong đời họ được thấy ở miền quê mình có được cây cầu đẹp và chắc chắn như thế. Cầu dài 58m, rộng 2,5m, bắc theo kiểu dây văng ngang, trụ đứng có dây neo hai đầu, dầm gỗ, đà và lan can sắt, kinh phí làm cầu chỉ tính tiền mua vật liệu hết 120 triệu đồng, chưa tính công sức cả tháng của mấy chục lao động trai tráng ở xã An Hòa.

Từ sự thành công của Cầu Chùa, UBND huyện Châu Thành đề nghị làm tiếp chiếc cầu Vàm Kênh (ấp Hòa Phú 2, thị trấn An Châu). Làm cây cầu thứ hai này, “nhà thiết kế kiêm chỉ đạo thi công” Tư Liếu gặp thêm hai ông nhiệt tình ủng hộ và cùng vào cuộc. Ông Ba Nhơn hăng hái đi vận động bà con nông dân đóng góp tiền để tăng kinh phí làm cầu. Ông Ba Hùng có thế mạnh về phương tiện máy móc và giỏi kỹ thuật cơ khí. “Bộ ba nông dân” làm cầu nay đã có đủ sức như thế chân kiềng, ai cũng bảo “ba ông hợp lại nên hòn núi cao”. Người lo khảo sát thực địa, chỉ đạo thiết kế, thi công. Người lo tìm nguồn kinh phí, huy động sức dân đóng góp. Người lo thợ cơ khí, phương tiện, máy móc, các loại dụng cụ phục vụ quá trình thi công cầu treo. So với chiếc cầu đầu tiên - cầu Cua Chùa- cây cầu treo Hòa Phú 2 này được thiết kế dầm sắt. Chưa hài lòng với những gì đạt được, lúc đó là cuối năm 2000 đã có cây cầu Mỹ Thuận sừng sững bắc qua sông Tiền, ba ông rủ nhau đi xem cầu Mỹ Thuận để “bắt chước” và cải tiến chiếc cầu của mình cho chắc chắn. Không còn phải xem cây cầu qua mô hình như trước, nay cả ba ông đã “mục sở thị” cây cầu dây văng hiện đại đầy tự hào trên đất đồng bằng miền Tây Nam bộ, niềm phấn khích sáng tạo trong lòng như được tiếp thêm ngọn lửa nhiệt huyết. Từ kinh nghiệm làm cầu Hòa Phú 2, ba ông làm tiếp cầu Sóc Chét (xã Long Giang, huyện Chợ Mới) được làm theo mô hình cầu Mỹ Thuận, giảm chi phí xây dựng hai mố cầu khoảng 6 triệu đồng. Tiếng lành đồn xa, nhiều địa phương trong tỉnh như Thoại Sơn, Tri Tôn, Phú Tân rồi các tỉnh trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long như Kiên Giang, Trà Vinh, Bến Tre... đến nhờ “tam gia cầu treo” ở huyện Châu Thành giúp địa phương làm cầu. Từ cây cầu đầu tiên dài 58 mét, một số cây cầu vài ba chục mét, đến nay ba ông đã làm những chiếc cầu dài cả trăm mét. Nhiệt tình và sáng tạo của ba nông dân trong việc làm cầu treo bắc qua kênh rạch vùng đầu nguồn lũ đã góp phần đáng kể đẩy nhanh tốc độ, chất lượng và hiệu quả làm đường, bắc cầu ở nông thôn vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới còn nhiều khó khăn. Nhiều huyện như Chợ Mới, Châu Thành, Thoại Sơn, Châu Phú... đã bê tông hóa, láng nhựa, làm cầu sắt, cầu treo, thuận tiện đi lại và thông thương hàng hóa về tận vùng sâu, rút ngắn khoảng cách giữa nông thôn và thành thị, giàu và nghèo, tạo đà để các vùng quê vươn lên trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng nông thôn ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Nay đã 10 năm, chiếc cầu Cua Chùa vẫn lừng lững bắc qua kênh Mặc Cần Dưng, rất thuận lợi cho xe cộ qua lại. Riêng về biệt tài vẽ thiết kế thủ công để làm cầu, tôi rất khâm phục “Tam gia cầu treo”. Tôi hỏi Tư Liếu:

- Cây cầu đang xây dựng ở Thới Bình, Cà Mau, các ông cũng tự vẽ thiết kế hay sao?

Tư Liếu sôi nổi:

- Đúng như vậy. Đây, tôi cho anh xem bản vẽ thiết kế cầu Vàm Kênh Bảy.

Nói xong, Tư Liếu mở tủ, lấy ra bản thiết kế, đưa tôi xem. Bản vẽ bằng tay, có chỗ đường kẻ không thẳng, như là sự ước lệ để dễ hiểu. Vậy mà có đủ toàn cảnh cây cầu, mặt cắt ngang, mặt cắt dọc, khoảng tĩnh không để thông thuyền, mặt chiếu, chi tiết kết cấu phần trụ cầu, chi tiết kết cấu thép, dây văng, cho đến chi tiết quy cách, chiết tính vật tư, dự toán kinh phí... Quả là tôi chịu thua với cách làm cầu của ba ông “hai lúa” ở đây. Hơn 160 cây cầu khắp vùng Đồng bằng sông Cửu Long được “Tam gia” bắc trong 10 năm qua, cây cầu nào cũng đẹp và bền vững. Tiếng lành đồn xa, không những 13 tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đều có những cây cầu nông thôn do các ông tự thiết kế, thi công, mà Lâm Đồng và thành phố Hồ Chí Minh cũng mời gọi “Tam gia cầu treo” lên bắc cầu nông thôn.

Hôm đó, “Tam gia cầu treo” mời chúng tôi ở lại ăn trưa tại nhà ông Tư Liếu. Tôi thấy lạ. Trên bàn ăn bày cả những món ăn chay. Ông Tư Liếu nói với tôi: “Các anh cứ tự nhiên dùng bia và các thức mặn. Ba anh em chúng tôi ăn chay”. Tôi hỏi:

- Các ông ăn chay trường hay chay kỳ nhật nguyệt?

- Chúng tôi ăn chay trường cả mấy chục năm rồi, từ sau năm 1975, mừng đất nước thống nhất, được sống trong độc lập, tự do. Ba anh em chúng tôi là tín đồ Phật giáo Hòa Hảo. Chúng tôi ăn chay trường cầu xin quốc thái dân an, cầu xin non sông này bền vững và mọi người đến với nhau bằng chữ “tâm”.

Ông Ba Nhơn lý giải:

- Trong tôn chỉ hành đạo của Phật giáo Hòa Hảo đã dạy: Làm hết tất cả các việc từ thiện, tránh tất cả các điều độc ác, quyết rửa tấm lòng cho trong sạch. Trước mỗi bữa ăn, chúng tôi đều tâm niệm những điều răn đó.

Làm được những nhịp cầu mới để xóa cầu khỉ ở nông thôn đã trở thành tâm nguyện của “tam gia”. Khi thiết kế, thi công các cây cầu nông thôn, các ông đi vận động nguồn tài trợ, không nhận tiền thiết kế, thi công, ăn chay và vô tư đóng góp từ thiện. Thấy ba ông nhiệt tình bắc cầu, ăn uống đơn giản, đạm bạc, đến đâu các ông cũng được bà con lo việc ăn uống chu đáo, hợp khẩu vị. Ông Ba Nhơn nói: “Ở đâu, và lúc nào chúng tôi cũng xác định tại gia cư sĩ, học phật tu nhân, việc gì thấy lợi cho dân chúng, ích cho cộng đồng là chúng tôi sẵn lòng từ thiện giúp đời, không hề tính toán vụ lợi, không suy tính hơn thiệt.

Ông Ba Nhơn kể: Tháng 8 năm ngoái (2008), vào đúng kỳ lũ lớn và triều cường, ông đi trên bờ kênh Huệ Đức thuộc xã Tân Phú, huyện Châu Thành. Con kênh rộng, nuớc dâng tràn, dòng lũ chảy xiết. Nơi đây chưa có cầu qua kênh. Mùa lũ, nước lớn, người ta có sáng kiến đặt một tấm ván lên hai chiếc thùng phuy, rồi nối với hai bờ bằng những sợi dây đay to, chắc chắn. Học sinh muốn đến trường phải đứng trên tấm ván đó, tự kéo dây để qua kênh. Bất ngờ ông thấy bốn em học sinh vừa kéo dây ra giữa dòng lũ thì bị nghiêng thùng phuy. Cả bốn em bị rơi xuống dòng nước lũ. May được bà con lặn ngụp, mò tìm và cấp cứu, cả bốn em thoát nạn. Ông Ba Nhơn về bàn trong “tam gia”, đi vận động huyện Châu Thành và huyện Thoại Sơn, cho phép được bắc cầu treo qua kênh Huệ Đức. Chỉ trong thời gian ngắn, các ông đã vận động các nhà hảo tâm ở thị trấn An Châu và một số doanh nghiệp ở thành phố Long Xuyên quyên góp tiền xây dựng cầu. Những người dân trong vùng biết ơn lắm, đề xuất nên gọi cây cầu là cầu Tam Gia, nhưng “tam gia” không chịu, cứ theo địa danh tự nhiên mà đặt tên cầu - cầu Huệ Đức.

Ông Ba Nhơn nhìn ra dòng kênh Mặc Cần Dưng cuộn chảy. Màu da ngăm đen của ông sao giống màu phù sa tần tảo ven bờ kênh đến thế. Búi tóc sau gáy rung rung. Ông cười:

-Bỏ công sức ra làm được một việc nghĩa, thấy bà con mừng vui trước thành quả lao động của mình, thật là không hạnh phúc nào bằng.

Ngoài việc làm cầu treo, “tam gia” còn tham gia cùng các địa phương xóa đói giảm nghèo, làm nhà tình thương, nhà tình nghĩa, làm đường nhựa, đuờng bê tông liên xã, liên ấp. Không dừng lại, ông Tư Liếu, ông Ba Nhơn và ông Ba Hùng đang có kế hoạch đi đến những vùng sâu, vùng xa, những nơi bà con nông dân còn gặp nhiều khó khăn về giao thông nông thôn, để làm nhiều hơn nữa, đẹp và chắc hơn nữa những nhịp cầu treo thơ mộng và nhiều tiện lợi trên vùng sông nước này. Ông Tư Liếu nói: “Chúng tôi mới khảo sát xong chiếc cầu sắp thi công ở huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long, nơi tiếp giáp Đồng Tháp Mười. Chiếc cầu này đang chờ nguồn tài trợ của Hội từ thiện Diệu Liên trên thành phố Hồ Chí Minh. Xong chiếc cầu ở Thới Bình, Cà Mau, chúng tôi sẽ khởi công xây dựng cây cầu này”. Rồi quay vào nhà trong, ông Tư Liếu lớn tiếng gọi:

- Mang trà đá lạnh ra, tụi bây!

Một cô gái còn khá trẻ bưng trà đá ra mời khách. Ông Tư Liếu giới thiệu:

- Đây là vợ thằng Ba Giang, con dâu của tui. Chồng nó đang túi bụi với công trình cầu Trí Phải. Có người nối nghiệp rồi, tui thấy yên lòng lắm.

Nhìn gương mặt rạng ngời của ông Tư Liếu, tôi thấy ở tuổi ngoài lục tuần mà ông còn sung sức lắm.

Chia sẻ bài viết