08/10/2019 - 07:32

Tái cơ cấu “thúc” sản xuất nông nghiệp phát triển bền vững 

Những năm qua, mặc dù gặp không ít khó khăn, song ngành nông nghiệp TP Cần Thơ vẫn duy trì nhịp độ tăng trưởng ổn định. Tuy nhiên, trước áp lực diện tích đất canh tác bị thu hẹp, sâu bệnh diễn biến phức tạp, biến đổi khí hậu, sự bùng nổ công nghệ 4.0... đòi hỏi các quận, huyện phải khéo léo khai thác các lợi thế sẵn có và đề ra những giải pháp thích ứng kịp thời, không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng...

►Nâng chất lượng nông sản

Những năm qua, tùy vào điều kiện, tiềm năng hiện có, các quận, huyện chủ động chọn cây trồng, vật nuôi phù hợp. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, từ đầu năm đến nay, toàn thành phố thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng hơn 2.290ha. Trong đó, diện tích chuyển đổi đất trồng lúa sang cây ăn trái là 1.274ha tập trung tại Phong Điền, Cờ Đỏ, Thốt Nốt và Cái Răng trên các loại cây như xoài, sầu riêng, cam, nhãn, bưởi,… Ngoài ra, trên cây màu và rau các loại với tổng diện tích 1.018ha chủ yếu là mè, dưa hấu, sen và các cây họ bầu bí dưa... cho lợi nhuận cao gấp 2–4 lần so với trồng lúa. Thành phố cũng đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa và công nghệ sau thu hoạch trong sản xuất... đã giúp nông dân đạt lợi nhuận trên 30%. Hiện thành phố có 789 máy gặt đập liên hợp và 1.300 lò sấy, đáp ứng cắt gặt trên 97% diện tích lúa đông xuân 2018-2019 và 99% diện tích lúa hè thu.

Ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền, cho biết: “Với lợi thế trồng cây ăn trái,  huyện Phong Điền tập trung mở rộng diện tích, cải tạo các vườn cây ăn trái suy thoái, kém hiệu quả. Huyện đã hình thành vùng chuyên canh cây ăn trái theo hướng vườn kiểu mẫu với diện tích hàng chục đến hàng trăm héc-ta. Điển hình như vùng trồng vú sữa ở xã Giai Xuân; vùng trồng dâu Hạ Châu xã Nhơn Ái; vùng trồng nhãn trên địa bàn xã Trường Long... Nhà vườn còn đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, quy trình tiên tiến vào thực tế sản xuất. Hiện Phong Điền đã xây dựng hoàn thành 3 mô hình sản xuất VietGAP trên cây nhãn Edor, vú sữa và cam mật”. Theo ông Nguyễn Thành Út, Phó Chủ tịch UBND huyện Thới Lai, với ưu thế phát triển cây lúa, thời gian qua, Thới Lai đã phát triển mô hình “Cánh đồng lớn” quy mô hơn 11.420ha, chiếm hơn 60,3% diện tích lúa; xây dựng “Cánh đồng lúa sạch” tại xã Trường Xuân theo hướng kết nối chuỗi tiêu thụ nông sản với Công ty Hoàng Minh Nhật xuất khẩu sang thị trường châu Âu…

Trước áp lực đất canh tác bị thu hẹp do tiến trình đô thị hóa, ngành nông nghiệp đã nhanh chóng thích ứng bằng mô hình nông nghiệp đô thị ở các quận Bình Thủy, Cái Răng, Ô Môn...  Đơn cử như tại quận Bình Thủy có các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp đô thị như: hoa kiểng (Làng nghề Hoa kiểng Phó Thọ - Bà Bộ, Câu lạc bộ Hoa lan Bình Thủy), rau màu (Hợp tác xã rau an toàn Long Tuyền, mô hình sản xuất rau ăn lá thủy canh của Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Minh Hòa..), thủy sản (mô hình nuôi lươn không bùn của Hợp tác xã Thuận Thiên), trồng cây ăn trái kết hợp với phát triển du lịch sinh thái (Vườn du lịch Ba Cống, Khu du lịch Tre Ngà, Du lịch Cồn Sơn…). Thành phố cũng xây dựng nhãn hiệu tập thể cho một số loại nông sản như: cam xoàn, nhãn Ido (Thới An, Ô Môn), dâu Hạ châu (Nhơn Ái, Phong Điền), làng hoa kiểng Phó Thọ- Bà Bộ, nấm bào ngư Thới An Đông, hợp tác xã rau an toàn Long Tuyền, vú sữa Thới An Đông.

►Đi vào chiều sâu

Theo ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND Phong Điền,  xác định sản xuất cây ăn trái là thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp và là cơ sở thực hiện định hướng xây dựng Phong Điền thành huyện đô thị sinh thái. Do đó, ngành nông nghiệp huyện đổi mới hình thức tổ chức sản xuất; tăng cường hợp tác, liên doanh; đa dạng hóa trong phát triển sản xuất theo hướng hiện đại, bền vững. Huyện phấn đấu đến năm 2020 xây dựng 17 trạm bơm điện phục vụ sản xuất; hoàn thiện hệ thống đê bao, cống đập bảo vệ vững chắc cho vườn cây ăn trái 7.500-8.000ha gắn với giao thông nông thôn. Để thúc ngành nông nghiệp phát triển hơn nữa, nhiều địa phương kiến nghị thành phố có các chính sách về vốn, thuế, thủ tục hành chính giúp nông dân mạnh dạn khởi nghiệp, dám nghĩ, dám làm. Đồng thời, hỗ trợ, định hướng nông dân sản xuất theo quy hoạch, chú trọng đến chất lượng; đầu tư phát triển, đăng ký thương hiệu và có chiến lược quảng bá, tiếp thị phù hợp đối với sản phẩm đặc trưng, lợi thế của thành phố.

Thu hoạch lúa trên “Cánh đồng lớn” của huyện Thới Lai.

Cùng với cả nước, TP Cần Thơ đang đứng trước sự phát triển bùng nổ của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0. Vì vậy, bà Trần Thị Thiên Thư, Phó Chủ tịch Hội Nông dân TP Cần Thơ cho rằng, Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp của thành phố cần bổ sung phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên nền tảng công nghệ 4.0 để thích ứng với tiến trình đô thị hóa và biến đổi khí hậu. Đồng thời, tập trung đầu tư vào đổi mới sáng tạo; ứng dụng và chuyển giao các công nghệ phù hợp với từng địa phương nhằm tạo ra chuỗi giá trị nông sản bền vững; khuyến khích người dân, doanh nghiệp đủ điều kiện, tập trung đất đai, phát triển sản xuất hàng hóa. Thành phố chú trọng bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng đối với đội ngũ lao động nông nghiệp để có thể đáp ứng các yêu cầu ứng dụng các thành quả của nông nghiệp 4.0.

Theo ông Nguyễn Ngọc Hè, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, thời gian tới, ngành nông nghiệp thành phố sẽ tập trung vào các giải pháp mang tính đột phá như: tăng đầu tư khoa học công nghệ gắn với dồn sức phát triển nguồn nhân lực nông nghiệp, nông thôn để tạo động lực tăng trưởng nhanh. Đồng thời, tổ chức lại sản xuất các sản phẩm chủ lực theo hướng quy mô lớn, tập trung; thực hiện liên kết theo chuỗi giá trị nhằm phục vụ xuất khẩu, mang lại giá trị kinh tế cao. Ngoài ra, ngành nông nghiệp thành phố cũng ưu tiên phát triển hệ thống giao thông nông thôn, thủy lợi, trạm bơm điện, cơ giới hóa… Đây là những khâu quan trọng không chỉ phục vụ trực tiếp cho việc sản xuất mà còn góp phần thúc đẩy giao thương các mặt hàng nông sản qua đó nâng cao thu nhập, đời sống người dân.

Bài, ảnh: MỸ THANH

Chia sẻ bài viết