06/01/2014 - 09:05

Tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới

Mới đây, Bộ NN&PTNT tổ chức Hội nghị "Triển khai kế hoạch năm 2014 của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn", hội nghị đặt ra nhiều vấn đề nổi cộm về tái cơ cấu nông nghiệp, liên kết "4 nhà", giải pháp nâng cao giá trị ngành hàng nông sản... Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ đạo ngành nông nghiệp cần tập trung tái cơ cấu theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới...

Tăng trưởng khá

Cán bộ ”3 cùng” của Công ty Cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang (bên trái) thu mua lúa tại CĐML ở xã Vĩnh Bình, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang. 

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho biết năm 2013, những khó khăn, bất cập trong sản xuất của ngành chưa được giải quyết dứt điểm đã gây áp lực lớn cho sản xuất nông nghiệp; nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất; thiên tai và dịch bệnh diễn biến phức tạp... Song, ngành nông nghiệp đã vượt qua thách thức và thực hiện tốt các nội dung, giải pháp của Nghị quyết số 01/NQ-CP, số 02/NQ-CP của Chính phủ trong chỉ đạo, điều hành và tổ chức sản xuất nên kết quả chung cả năm cơ bản đạt mục tiêu, kế hoạch đề ra. Giá trị sản xuất toàn ngành đạt mức tăng trưởng khá; định hướng, giải pháp tái cơ cấu ngành dần rõ nét. Sản lượng nhiều loại nông sản tiếp tục tăng; hệ thống thủy lợi phát triển theo hướng đa mục tiêu và phục vụ tốt cho sản xuất; đầu tư xây dựng cơ bản từng bước khắc phục sự dàn trải, nợ đọng ít... Năm 2013, tốc độ tăng trưởng toàn ngành đạt 2,67%, tương đương năm 2012 (2,68%). Trong đó, trồng trọt tăng 2,6%, chăn nuôi tăng 1,4%, lâm nghiệp tăng 5,18%, thủy sản tăng 3,05%. Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản ước đạt 801.200 tỉ đồng, tăng 2,95% so với 2012...

Ở lĩnh vực trồng trọt, công tác chỉ đạo sản xuất được triển khai đồng bộ, chặt chẽ trên cơ sở điều kiện sản xuất từng vùng, địa phương và phù hợp với diễn biến thời tiết. Nhờ đó, sản lượng nhiều loại cây trồng tăng so với năm 2012, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước, cung ứng nguyên liệu cho công nghiệp chế biến và xuất khẩu. Công tác bảo vệ thực vật thực hiện hiệu quả nên đã dự báo, phát hiện và khống chế tốt các loại sâu bệnh. Ngoài ra, các địa phương còn khuyến khích và hỗ trợ nông dân sử dụng giống mới, giống xác nhận, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và mở rộng mô hình "Cánh đồng mẫu lớn" (CĐML)... Ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, cho biết: "Mô hình CĐML của tỉnh được thể hiện dưới hình thức "Cánh đồng liên kết", với ưu điểm hình thành chuỗi sản xuất khép kín từ "đầu vào" cho đến "đầu ra", mang lại lợi ích cho cả nông dân và doanh nghiệp. Cánh đồng liên kết" được đánh giá là mô hình sản xuất tiên tiến nhất hiện nay. Hiện tỉnh đã mở rộng khoảng 51.000ha, gồm 55 cánh đồng, trong đó có 56 doanh nghiệp cam kết thu mua lúa cho nông dân". Theo ông Hùng, Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg ngày 25-10-2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng CĐML hứa hẹn sẽ đem đến nhiều cơ hội và lợi nhuận cho các bên khi tham gia vào mô hình.

Năm 2013, hoạt động nuôi trồng thủy sản có những diễn biến trái chiều. Đầu năm, thời tiết nắng nóng bất thường ở ĐBSCL, nhu cầu tiêu thụ thủy sản của các thị trường chính (EU và Hoa Kỳ) sụt giảm mạnh. Các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra rơi vào cảnh tồn kho lớn, nợ đọng kéo dài nên giảm thu mua cá nguyên liệu. Người nuôi thua lỗ nên tình trạng "treo ao" khá nhiều. Cuối năm, thị trường thế giới có dấu hiệu khả quan hơn, giá tăng, tiêu thụ tốt. Ngược lại, nghề nuôi tôm lại "được mùa, trúng giá" cộng với dịch bệnh được kiểm soát tốt nên hiệu quả và thu nhập của người nuôi tôm khá cao. Năm 2013, diện tích nuôi trồng thủy sản cả nước hơn 1 triệu ha, giảm 0,2%, tổng sản lượng ước đạt gần 6 triệu tấn, tăng 3,2% so với năm 2012. Chăn nuôi được đánh giá là lĩnh vực gặp nhiều khó khăn do giá các loại thức ăn biến động mạnh trong khi giá bán ở mức thấp và sự cạnh tranh của hàng nhập lậu. Trước tình hình này, Chính phủ đã ban hành chính sách hỗ trợ sản xuất, tiêu thụ và chỉ đạo quyết liệt ngăn chặn tình trạng nhập lậu nên kịp thời tháo gỡ được khó khăn cho doanh nghiệp, người dân. Công tác quy hoạch, lập đề án xây dựng nông thôn mới tiếp tục được đôn đốc, thực hiện. Đến cuối năm 2013, có khoảng 93% số xã hoàn thành quy hoạch, 7.995/9.084 xã (chiếm 79,2%) phê duyệt xong đề án xây dựng nông thôn mới…

Nâng cao giá trị gia tăng

Từ những kết quả đạt được của năm 2013, Bộ NN&PTNT đề ra chỉ tiêu tăng trưởng đạt 2,6-3% trong năm 2014; giá trị sản xuất toàn ngành tăng 3,1-3,5% so với năm 2013. Trong đó, trồng trọt 2-2,5%, chăn nuôi 5-5,5%, lâm nghiệp 5,5-6%, thủy sản 3,5-4%. Giá trị kim ngạch xuất khẩu hàng nông lâm thủy sản đạt 28,5 tỉ USD... Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát, cho biết: Năm 2014, Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp sẽ được triển khai mạnh mẽ trên các lĩnh vực, tạo chuyển biến rõ nét trong việc nâng cao giá trị gia tăng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế chung của cả nước. Bộ NN&PTNT chỉ đạo các địa phương rà soát, sửa đổi, bổ sung quy hoạch; kiên quyết mục tiêu chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để vừa phát huy lợi thế của mỗi tỉnh, thành vừa quản lý sản xuất theo quy hoạch, phù hợp với cung- cầu thị trường. Song song đó, thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất giống chất lượng cao; công nghệ chế biến, bảo quản; giảm tổn thất sau thu hoạch... Mỗi địa phương thường xuyên tổ chức rút kinh nghiệm, phát triển và nhân rộng các mô hình sản xuất, quản lý có hiệu quả. Ngoài ra, để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, ngành nông nghiệp các tỉnh thành cần đẩy mạnh đào tạo nghề cho nông dân, phấn đấu nâng tỷ lệ lao động nông thôn được đào tạo nghề lên khoảng 23-24%...

Theo bà Trần Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp là định hướng căn bản để tỉnh chuyển đổi cơ cấu sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng trong sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, do xuất phát điểm thấp, nên Bình Định rất cần sự hỗ trợ từ phía Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương trong việc đề ra các giải pháp, chương trình hỗ trợ thiết thực. Chẳng hạn như các chính sách hỗ trợ nông dân và doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay phát triển các chương trình nông nghiệp công nghệ cao; sản xuất giống cây trồng, vật nuôi chất lượng cao theo hướng an toàn sinh học... Bộ NN&PTNT cần rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; tổ chức kiểm tra, giám sát các nhóm sản phẩm vật tư nông nghiệp, nông lâm thủy sản đang gây bức xúc về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm. Ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, cho rằng: Các hình thức tổ chức sản xuất kiểu mới (hợp tác xã, tổ hợp tác, câu lạc bộ, CĐML...) được đánh giá là có hiệu quả trong giai đoạn hiện nay. Vì vậy, Chính phủ cần ban hành Nghị định riêng trong việc thành lập các hợp tác xã nông nghiệp để tiện việc điều hành, quản lý. Đây cũng là điểm mấu chốt để chấm dứt tình trạng sản xuất phân tán, nhỏ lẻ; hình thành chuỗi liên kết khép kín từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ... Một số ý kiến đề xuất Bộ NN&PTNT phân bổ vốn kịp thời để các tỉnh, thành đầu tư hoàn thành các tiêu chí bức xúc (giao thông, thủy lợi, trường học, y tế...) trong xây dựng nông thôn mới...

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, nhấn mạnh: Năm 2014, để tiếp tục phát huy những thành quả đạt được và khắc phục những khó khăn, ngành nông nghiệp cần tập trung tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững và gắn liền với xây dựng nông thôn mới. Để nâng cao giá trị gia tăng cho các sản phẩm nông sản, các địa phương cần đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất (đầu tư cho công tác giống, cải tiến quy trình sản xuất, thực hiện cơ giới hóa...). Đồng thời, thực hiện tiến trình công nghiệp hóa nông nghiệp thông qua hình thành các tổ hợp nông công nghiệp công nghệ cao. Ngành nông nghiệp các tỉnh, thành tăng cường mối liên kết "4 nhà", đặc biệt là liên kết giữa nông dân-doanh nghiệp thông qua nhân rộng những mô hình liên kết, tổ chức sản xuất có hiệu quả sao cho phù hợp với điều kiện sản xuất từng vùng, từng địa phương. Ngoài ra, ngành chức năng từ Trung ương đến địa phương cần đề ra cơ chế, chính sách hợp lý, kịp thời để thu hút doanh nghiệp về đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Đây là bước đi căn cơ trong chuyển dịch lao động nông thôn, từng bước cải thiện mọi mặt đời sống người dân, tạo đà đóng góp xây dựng nông thôn mới...

Bài, ảnh: MỸ THANH

Chia sẻ bài viết