17/09/2018 - 21:27

Tái cơ cấu, đa dạng hóa sản phẩm xuất khẩu ngành công nghiệp 

Những năm qua, xuất khẩu nông, thủy sản là ngành mang lại giá trị sản lượng và đóng góp đáng kể vào kim ngạch xuất khẩu của thành phố. Tuy nhiên, trong bối cảnh chung ngành hàng này bắt đầu có dấu hiệu đạt ngưỡng bão hòa, mất dần lợi thế, kèm theo nhiều khó khăn, bất cập do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan. Chính vì vậy, việc thay đổi cơ cấu ngành hàng, đa dạng hóa sản phẩm xuất khẩu ngành công nghiệp của thành phố là vô cùng cấp thiết.

Tiềm ẩn nhiều nguy cơ

Công nghiệp chế biến nông, thủy sản là ngành công nghiệp chủ lực của TP Cần Thơ, chiếm tỷ trọng đến 67,3% tổng giá trị sản xuất công nghiệp thành phố. Tuy nhiên, các doanh nghiệp (DN) hoạt động trong lĩnh vực này đang phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức như: các mặt hàng chủ lực (thủy sản và gạo) phải cạnh tranh gay gắt với Thái Lan, Ấn Độ và Indonesia; DN thiếu thông tin dự báo về giá, tiêu chuẩn chất lượng, những diễn biến của hàng rào phi thuế quan; thiếu kinh nghiệm trong ứng phó với truyền thông của nước ngoài cũng như các tranh chấp quốc tế… Phó Giáo sư Tiến sĩ Quan Minh Nhựt, Khoa Kinh tế, Trường Đại học Cần Thơ, đánh giá: Thủy sản và gạo là 2 các mặt hàng lợi thế, mang lại giá trị kinh tế cho thành phố trong một thời gian dài. Nhưng hiện tại so với mặt bằng chung của cả nước và thế giới thì hai ngành hàng này có giá trị gia tăng không cao và thiếu tính ổn định. Hơn nữa, các thị trường xuất khẩu truyền thống như: châu Âu, Hoa Kỳ và Trung Quốc đang có nhiều trở ngại và chuyển biến khó lường.

Sản phẩm giá trị gia tăng từ thủy sản, gạo; máy nông nghiệp, vật liệu mới... được nhận định có nhiều 
tiềm năng xuất khẩu trong tương lai. Trong ảnh: Hoạt động sản xuất tại DNTN Cơ khí Sông Hậu.

Ông Huỳnh Trung Trứ, Phó Giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ, nhận định: "Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của thành phố tăng trưởng chưa ổn định; cơ cấu hàng xuất khẩu ít thay đổi, mặt hàng nông thủy sản chiếm tỷ lệ lớn; tỷ trọng hàng thô, hàng sơ chế vẫn còn cao nên sức cạnh tranh nhìn chung còn thấp. Sản phẩm xuất khẩu nói riêng và sản xuất công nghiệp nói chung phụ thuộc phần lớn vào nguyên liệu từ nông nghiệp. Tuy nhiên, một số DN chưa xây dựng được vùng nguyên liệu và chưa liên kết chặt chẽ với khu vực sản xuất nông nghiệp nên chưa chủ động được trong khâu sản xuất và xuất khẩu". Nhiều ý kiến cho rằng, các ngành công nghiệp chủ đạo của TP Cần Thơ hầu hết đều là các ngành thâm dụng lao động. Trong khi đó, lao động luôn là vấn đề với các quốc gia đang phát triển và đặc biệt ở các nước như Việt Nam, nơi đang mất dần cơ cấu dân số vàng cùng với việc giá lao động ngày một tăng, làm giảm sức cạnh tranh.

Thời gian qua, các DN sản xuất chế biến hàng xuất khẩu trên địa bàn thành phố đã chú trọng đầu tư đổi mới dây chuyền, thiết bị phục vụ sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, do nguồn vốn còn hạn hẹp nên chỉ có một số DN trang bị, sử dụng công nghệ hiện đại, phần lớn DN việc đổi mới trang thiết bị chưa đồng bộ. "Do gặp phải các khó khăn về quy mô sản xuất, hạn chế vốn đầu tư, ứng xử chậm với các thông tin khoa học, công nghệ... nên tốc độ đổi mới về công nghệ diễn ra còn chậm hoặc chuyển đổi không đồng bộ khiến hiệu quả đổi mới không cao, chưa đạt năng suất, chất lượng sản phẩm như kỳ vọng. Vấn đề đổi mới công nghệ tại các DN còn mang tính tự phát, đa phần DN chưa quan tâm đầu tư hoạt động khoa học và công nghệ, có rất ít DN có bộ phận nghiên cứu phát triển để xây dựng các chiến lược kinh doanh, mở rộng sản xuất" - ông Phạm Minh Quốc, Giám đốc Vườn ươm Công nghệ Công nghiệp Việt Nam-Hàn Quốc (KVIP) phân tích.

Đa dạng hóa, nâng chất lượng sản phẩm

Trước những khó khăn, thách thức đặt ra, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, việc thay đổi cơ cấu ngành hàng xuất khẩu của thành phố là vô cùng cấp thiết. "TP Cần Thơ cần chú trọng các nhóm giải pháp chuyển đổi theo hướng: giảm tỷ trọng ngành hàng gạo trong cơ cấu; tăng kiểm soát chất lượng nguyên liệu và chất lượng sản phẩm xuất khẩu; thay thế dần xuất khẩu gạo nguyên liệu sang chế biến tinh và chế biến các sản phẩm có giá trị gia tăng cao; tập trung sản xuất lúa cao sản và lúa chất lượng cao phù hợp với từng phân khúc khách hàng. Ngoài ra, thành phố nên thay thế dần các sản phẩm truyền thống như cá tra, tôm chế biến thô sang chế biến tinh và chế biến các sản phẩm có giá trị gia tăng cao và chọn lựa các nguyên liệu thay thế khác từ cá đồng tự nhiên như cá rô phi đơn tính, cá rô đầu vuông, cá lóc,..."- Phó Giáo sư Tiến sĩ Quan Minh Nhựt, Khoa Kinh tế - Trường Đại học Cần Thơ đề xuất.

Bất kỳ một DN nào trong quá trình hoạt động không có giải pháp nhằm đổi mới công nghệ thì chắc chắn hệ thống dây chuyền, thiết bị, máy móc trở nên lạc hậu, dẫn đến sự tồn tại và phát triển của DN bị đe dọa và đứng trước nguy cơ bị phá sản hoặc đào thải ra khỏi thị trường. Chính vì vậy, theo ông Phạm Minh Quốc, Giám đốc KVIP, thành phố khuyến khích, hỗ trợ các DN đổi mới, chuyển giao công nghệ, lựa chọn công nghệ tiên tiến áp dụng phù hợp với thực tiễn sản xuất. Thành phố cũng tăng cường hợp tác khoa học - công nghệ với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cũng như thúc đẩy hơn nữa hợp tác song phương giữa Việt Nam và Hàn Quốc trong một số ngành công nghiệp chiến lược (chế biến nông thủy sản, cơ khí chế tạo phục vụ chế biến nông thủy sản) nhằm sớm hình thành và phát triển thị trường khoa học - công nghệ, đưa TP Cần Thơ thành trung tâm khoa học - công nghệ cấp vùng.

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, các sản phẩm tiềm năng có thể phát triển xuất khẩu trong giai đoạn tới gồm nông sản chế biến; sản phẩm giá trị gia tăng ngành thủy sản như collagen, EPH…; sản phẩm giá trị gia tăng của ngành gạo như dầu cám, sữa gạo, bột, bánh,...; máy nông nghiệp và vật liệu mới. Ông Huỳnh Trung Trứ, Phó Giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ, đề xuất: "Thời gian tới, TP Cần Thơ tiếp tục đầu tư xây dựng các cụm công nghiệp, hoàn chỉnh các Khu công nghiệp, đầu tư các Khu nông nghiệp công nghệ cao làm cơ sở để thu hút đầu tư sản xuất hàng hóa xuất khẩu. Đồng thời, khuyến khích phát triển DN lớn, thương hiệu mạnh, hợp tác phát triển phù hợp với nhiều hình thức; thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào lĩnh vực ưu tiên như ngành công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ. Ngoài ra, ngành công thương phối hợp với các sở ngành hữu quan tăng cường thông tin về chính sách, nhu cầu xuất nhập khẩu, các rào cản thương mại tại thị trường nước ngoài giúp DN chủ động trong sản xuất, xuất khẩu, hạn chế rủi ro; tiếp tục tuyên truyền về các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia để DN tranh thủ tận dụng những ưu đãi, lợi ích từ các hiệp định này…".

Bài, ảnh: MỸ THANH

Chia sẻ bài viết