11/06/2021 - 07:50

Tác hại khi sử dụng điện thoại quá nhiều 

Thời lượng sử dụng điện thoại trong ngày tác động đến chế độ ăn uống và cân nặng nhiều hơn chúng ta tưởng. Kết luận này vừa được nhóm nghiên cứu tại Ðại học Hàn Quốc đưa ra, sau khi phân tích dữ liệu sức khỏe của hơn 53.000 thanh thiếu niên từ 13-18 tuổi.

Sử dụng điện thoại trong lúc ăn dễ khiến bạn tiêu thụ quá nhiều thực phẩm mà không hay biết.

Theo đó, sau khi so sánh mức độ sử dụng điện thoại thông minh của các đối tượng với mức độ mà họ thực hiện các thói quen lành mạnh (như ăn nhiều rau quả) cũng như các hành vi không lành mạnh (như bỏ bữa sáng hoặc dùng thức ăn nhanh), các chuyên gia phát hiện những người càng dành nhiều thời gian “lướt” điện thoại thì càng có nhiều khả năng thực hiện các hành vi không có lợi cho sức khỏe, dẫn tới bị thừa cân hoặc béo phì.

Cụ thể, nhóm dùng điện thoại hơn 2 tiếng/ngày có nguy cơ tiêu thụ thêm nhiều thức ăn chế biến sẵn, ăn ít trái cây và rau củ hơn so với nhóm ít dùng điện thoại, trong khi nhóm dùng điện thoại trên 3 tiếng/ngày có nguy cơ bị thừa cân hoặc béo phì cao hơn đáng kể. Tương tự, so với nhóm dùng điện thoại dưới 2 tiếng/ngày, nhóm sử dụng trên 5 tiếng/ngày có xu hướng tiêu thụ thức uống chứa đường có gas hoặc không có gas, thức ăn nhanh, khoai tây chiên và mì ăn liền nhiều hơn.

Lý giải mối liên quan nói trên, trưởng nhóm nghiên cứu - Giáo sư dịch tễ học Hannah Oh - cho biết thói quen sử dụng điện thoại thông minh dẫn đến tình trạng ngủ không đủ giấc, dễ tiếp cận với những quảng cáo thức ăn trực tuyến, giảm thời gian vận động thể chất và gia tăng hành vi ăn uống vô thức trong khi xem thiết bị - đều là những yếu tố dẫn tới thừa cân và béo phì.

Huấn luyện viên giảm cân Christina Brown cho rằng: “Khi không để tâm đến việc ăn uống của bản thân (khi vừa ăn vừa xem màn hình), chúng ta có xu hướng ăn quá nhiều. Hành vi ăn vặt vô thức hoặc ăn quá nhanh còn khiến hệ tiêu hóa không kịp thông báo đến não rằng bụng đã no, dẫn đến ăn quá nhiều”. Theo bà Brown, tuy điện thoại là thiết bị không thể thiếu trong đời sống hiện đại - đặc biệt là trong bối cảnh mọi người phải làm việc và học tập trong điều kiện giãn cách xã hội vì COVID-19, song chúng ta vẫn có thể sử dụng phương tiện này một cách hữu ích và có lợi cho sức khỏe nếu thực hiện một số thay đổi sau:

+ Không ăn trong lúc dùng điện thoại. Nguyên tắc tiên quyết này khuyến khích mọi người dành thời gian cho việc dùng bữa ăn lành mạnh cùng với gia đình/bạn bè, cũng như kiểm soát tốt khẩu phần ăn.

+ Giới hạn thời gian dùng điện thoại. Ðây là biện pháp vừa giúp tự kiểm soát thời lượng dùng thiết bị, vừa tạo cơ hội để thực hiện các hoạt động lành mạnh khác như đi dạo, đạp xe và vận động thể chất ở ngoài trời khi có thể.

+ Ghi nhật ký ăn uống. Việc theo dõi mọi thứ mình ăn có thể giúp bạn chú tâm hơn đến số lượng và chất lượng của những loại thực phẩm tiêu thụ, cũng như phòng ngừa nguy cơ ăn uống vô độ.

+ Cài chuông báo nhắc “giải lao” trên điện thoại. Ðây là biện pháp giúp phòng tránh nguy cơ “dán mắt” vào điện thoại suốt nhiều giờ liền. Ðặt chuông báo định kỳ hằng giờ trên điện thoại giúp chúng ta nhớ đứng dậy và đi lại ít phút, thay vì ngồi lì một chỗ. Tương tự, vừa đứng vừa dùng điện thoại cũng tránh nguy cơ bạn ngồi/nằm một chỗ quá lâu.

+ Tắt điện thoại trước giờ ngủ. Việc làm này tránh làm xáo trộn nhịp ngủ/thức của cơ thể và chế độ ăn uống. Bởi khi không ngủ đủ giấc, thói quen ăn uống điều độ bị phá vỡ, tác động xấu đến các tín hiệu đói/no tới não bộ nên dễ dẫn tới dung nạp calo quá mức và tăng cân.

AN NHIÊN (Theo Healthline, Daily Mail)

Chia sẻ bài viết