Lâm Long Hồ nhận giải Nhất Cuộc thi sáng tác thơ Haiku Việt - Nhật. Ảnh: Nhân vật cung cấp
“Cà phê ngày Tình nhân / hai màn hình điện thoại / chiếu sáng hai mặt người”. Bài thơ vỏn vẹn có 15 chữ này đã đoạt giải Nhất Cuộc thi sáng tác thơ Haiku Việt - Nhật do Tổng Lãnh sự quán Nhật Bản tại TP Hồ Chí Minh và Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức mới đây. Chủ nhân của giải thưởng là Lâm Long Hồ, chàng trai trẻ đến từ An Giang. Chia sẻ thêm với phóng viên Báo Cần Thơ về bài thơ này, Long Hồ cho biết:
- Ngày nay, điện thoại là vật dụng không thể thiếu của con người. Điện thoại có nhiều tiện ích, điều này không cần bàn cãi, nhưng cũng có những “mặt trái” của nó. Không khó để bắt gặp hình ảnh mọi người ngồi chung bàn ăn, chung bàn cà phê, chung bàn tiệc mà ai cũng dán mắt vào màn hình điện thoại. Đó là hình ảnh không còn xa lạ trong xã hội đương đại. Đôi khi đi chung với nhau nhưng mỗi người lại sống trong thế giới riêng của bản thân. Những câu chuyện lúc hẹn hò, lúc tụ tập không còn đủ thu hút, đủ hứng thú để người với người cười đùa hay giao tiếp với nhau nữa.
Công nghệ sinh ra là để phục vụ con người và không ngoài mục đích kết nối người với người, nhưng ở một cách nhìn khác nó đang đẩy con người về phía xa nhau. Thật ra nguyên nhân chính ở chỗ chúng ta - chúng ta cô đơn ngay cả lúc có bạn bè, có người thân, người yêu và gia đình bên cạnh. Chúng ta cô đơn giữa đồng loại. Chúng ta thu mình lại để sống trong cái thể giới phẳng qua chiếc màn hình chữ nhật. Chiếc màn hình ấy là cánh cổng để mở ra một thế giới khác đầy mê lực mà chính chúng ta đã tạo ra. Con người ngày càng phụ thuộc vào công nghệ mà quên đi những giá trị thực của bản thân và xã hội.
Đôi lúc chúng ta nên buông “thiết bị máy móc” ấy xuống để thấy được những điều tốt đẹp đang hiện hữu ở xung quanh, tôi nghĩ vậy.
Bấy nhiêu điều ấy lại chỉ được gởi gắm trong 15 chữ. Long Hồ đã làm điều đó như thế nào?
- Một bài thơ haiku như một giọt nước ngôn từ cô đọng. Chịu khó lắng lòng lại một chút, tĩnh lặng một chút, nhạy cảm một chút thì thơ haiku sẽ làm mát thân tâm, tạo ra được những gợn sóng ở tâm hồn. Haiku gợi lên thanh âm, khoảnh khắc của đời sống để người viết trải lòng mình và người đọc haiku cũng đóng vai trò là người sáng tạo. Nói như nhà thơ Chế Lan Viên: “Bài thơ anh, anh làm một nửa mà thôi. Còn một nửa cho mùa thu làm lấy”. Là người viết, tôi chỉ đơn giản là nêu lên những hình ảnh rất quen thuộc mà ngày ngày ai cũng thấy để tạo ra sự cộng hưởng, tìm kiếm sự đồng cảm ở người đọc.
Tôi nghĩ, đôi khi từ sự không rõ ràng của bài haiku mà người đọc có được những rung cảm còn mạnh mẽ và có chiều sâu hơn cả người viết. Tôi chỉ là người qua đường may mắn phát hiện và ghi lại khoảnh khắc ấy để đưa đến cho độc giả cùng thưởng thức và suy ngẫm về vấn đề mình bắt gặp qua đôi mắt của thơ haiku.
Long Hồ có thể chia sẻ đôi chút về bản thân cũng như dự định sắp tới?
- Tôi vốn học ngành Sư phạm Ngữ Văn, hiện là Biên tập viên của tạp chí Thất Sơn thuộc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh An Giang. Công việc biên tập văn chương khá áp lực bởi mình “chưa có tên mà cũng còn ít tuổi”. Với tâm thế là người mới vào nghề, cũng là người mới tập viết nên công việc của tôi lấy học hỏi là chính. Cũng xin chia sẻ một chút là tôi kiêm luôn kỹ thuật và xây dựng website cho cơ quan. Tôi luôn tìm niềm vui và sự cân bằng trong công việc, ví như việc viết code (viết mã, mã lệnh của một ngôn ngữ lập trình nào đó- PV) và viết văn. Viết code thì dùng ngôn ngữ máy để nói chuyện với máy cho nó làm đúng ý mình. Viết văn thơ thì dùng ngôn ngữ nghệ thuật nói chuyện với trái tim để người đọc cảm mình. Hai công việc tưởng chừng khác xa nhau lại có nét tương đồng.
Ngoài đam mê thơ haiku, tôi còn viết báo, bút ký, phóng sự và thơ tự do. Tôi đang chuẩn bị để in riêng một tập sách đầu tay. Hy vọng sẽ sớm đến tay bạn đọc.
Xin cảm ơn Long Hồ!
ĐĂNG HUỲNH (Thực hiện)