25/10/2022 - 08:59

Suy dinh dưỡng có thể dẫn đến viêm phổi, tiêu chảy, sốt rét 

AN NHIÊN (Theo Express)

Giá thực phẩm ngày càng tăng cao khiến nhiều gia đình không đủ khả năng mua những thực phẩm bổ dưỡng, chất lượng cao, hậu quả là dễ dẫn tới thiếu hoặc suy dinh dưỡng, ở cả người lớn và trẻ em. Ðáng lo ngại, các chuyên gia sức khỏe Anh cảnh báo suy dinh dưỡng có thể gây ra nhiều mối nguy cho sức khỏe, bao gồm bệnh viêm phổi, tiêu chảy, sốt rét.

Cả trẻ em và người lớn đều cần có đủ dinh dưỡng để khỏe mạnh và phòng chống bệnh tật.

Tình hình xung đột vũ trang gia tăng, biến đổi khí hậu và khủng hoảng kinh tế toàn cầu đang đẩy nhanh chu kỳ nghèo đói và làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng giới và nghèo đói. Theo chuyên gia David Lindley-Pilley tại tổ chức “Hành động chống lại nạn đói” Anh, chúng ta đang sống trong thời kỳ mà 828 triệu người phải để bụng đói đi ngủ mỗi đêm, trong khi một số quốc gia đứng trên bờ vực của nạn đói. “Có ít tiền hơn để mua thực phẩm là điều mà nhiều người đang phải đối mặt trong cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt toàn cầu này, tuy nhiên tác động của tình trạng đói có thể không được nhìn nhận rộng rãi” - ông nhận xét.

Về tác động sinh lý của tình trạng đói đối với cơ thể, chuyên gia Lindley-Pilley cho biết suy dinh dưỡng trước hết sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm trùng vì tất cả năng lượng mà cơ thể sử dụng để duy trì hệ miễn dịch được “huy động” để cứu các cơ quan quan trọng. Những bệnh nhiễm trùng này thường là tiêu chảy, sốt rét và viêm phổi.

Trong đó, viêm phổi là tình trạng mô phổi sưng lên (bị viêm ở một hoặc cả hai lá phổi), mà nguyên nhân thường là do nhiễm vi khuẩn hoặc virus. Các triệu chứng thường gặp bao gồm: ho, khó thở, tức ngực, tim đập loạn nhịp, sốt, mệt mỏi, đổ mồ hôi và rùng mình, ăn mất ngon… Bệnh viêm phổi dễ xuất hiện ở điều kiện thời tiết lạnh hơn, kết hợp với tình trạng thiếu ăn, đồng nghĩa sẽ có nhiều người bị viêm phổi hơn trong mùa lạnh năm nay.

Mặt khác, suy dinh dưỡng cũng có thể là yếu tố làm tăng nguy cơ nhiễm bệnh sốt rét và tiêu chảy, cũng như kéo dài thời gian bệnh. Ðơn cử, một số nghiên cứu tiến hành tại các nước ở châu Phi (như Nigeria, Ethiopia, Bangladesh...) cho thấy suy dinh dưỡng khiến bệnh tiêu chảy kéo dài, làm người bệnh mất sức và càng suy dinh dưỡng nặng hơn, tăng nguy cơ tử vong. Không chỉ vậy, ông Lindley-Pilley cho biết suy dinh dưỡng còn ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần của trẻ nhỏ và gia đình các bé, làm giảm cơ hội phát triển tốt về sau và cuối cùng là dẫn đến nguy cơ tử vong cao hơn. Ví dụ, một nửa số trẻ em dưới 5 tuổi tử vong hằng năm có thể vẫn còn sống nếu được nuôi dưỡng tốt.

Theo ông Lindley-Pilley, việc hỗ trợ thực phẩm cấp bách thông qua các sản phẩm như thực phẩm trị liệu - giúp đưa chất dinh dưỡng và năng lượng vào cơ thể nhanh chóng - chỉ là giải pháp tạm thời trong số những giải pháp mà chính phủ các nước cần thực hiện. Chúng ta cần đầu tư vào các hoạt động dự phòng đối với cộng đồng, bao gồm củng cố các hệ thống y tế, nước và thực phẩm, phát triển cộng đồng có khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu và giáo dục về suy dinh dưỡng. “Tất cả những điều này có thể cứu mạng nhiều người trong hiện tại và bảo vệ tính mạng rất nhiều người nữa trong tương lai” - ông nói thêm.

Nhìn chung, tình trạng đói và suy dinh dưỡng không chỉ gây ra nhiều vấn đề về thể chất mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần. Các triệu chứng chính của suy dinh dưỡng là: giảm cân không chủ ý, nhẹ cân, không quan tâm đến việc ăn uống, luôn cảm thấy mệt mỏi, thường xuyên đau ốm và mất nhiều thời gian để hồi phục. Ở trẻ em, các dấu hiệu suy dinh dưỡng còn bao gồm chậm phát triển hoặc không tăng cân theo tiêu chuẩn.

Chia sẻ bài viết