01/01/2017 - 10:06

Sum vầy

Phong Linh

Thầy có khuôn mặt bầu, nước da trắng hồng, với mái tóc ngày càng bạc trắng, trông như một người tu hành. Thầy vốn dòng dõi Nho học, nên rất nghiêm cẩn. Nghiêm cẩn trong cử chỉ, đi đứng, nói năng. Thầy nhờ tôi tìm một người giúp việc vừa chân phương, vừa ngoan ngoãn, chỉ cần chăm lo trà nước trong những khi thầy bận bịu công việc nghiên cứu. Vợ thầy bệnh đã mất cách đây ít lâu. Con gái thầy đã định cư bên Mỹ nên thầy không thể tự xoay xở một mình.

Oanh vừa mới mười lăm tuổi, em không biết chữ, nhưng được cái nết ngoan vô cùng. Từ nhỏ đã chăm chỉ đỡ đần cha mẹ. Vì nhà nghèo không được đến trường học chữ, nhưng tính cách thì không chê vào đâu được.

Hôm đầu tiên Oanh đến, thầy dẫn đi khắp nhà, giới thiệu mọi thứ, nói Oanh lấy giấy bút ghi vào, để khỏi quên. Oanh ngẩn người "Con không biết chữ, nhưng thầy cứ nói, con sẽ ghi nhớ".

Thầy Vương khẽ nén tiếng thở dài.

"Con chỉ cần giữ đồ đạc gọn gàng, sạch sẽ. Thầy không cầu kỳ ăn uống, nên con nấu những món đơn giản là được. Chỉ có phòng sách của thầy, con đừng tự ý vào".

 

Bẵng đi một tháng tôi không ghé, thầy gọi điện nói phải đi công tác ở Huế khoảng hai tháng, nên nhờ tôi qua trông nhà. Thầy bảo "Trong khoảng thời gian này, con hãy tranh thủ dạy bé Oanh chữ. Thầy nghĩ bé sáng dạ. Không biết chữ cũng phí".

Tôi đem chuyện thầy nhờ ngỏ ý với Oanh, nghĩ em sẽ gạt đi, vì từ nhỏ đã biết gì đến chữ nghĩa đâu. Như các mợ tôi ở quê, khi nói đến dạy chữ, cứ kêu "Biết chữ chi cho rắc rối cái đầu". Chẳng ngờ, vừa thấy tôi nói thế, Oanh cười rõ tươi.

Oanh quả sáng dạ thật. Tôi dạy đến đầu Oanh nhớ đến đấy. Khi viết được tên mình, Oanh còn viết nắn nót vào trong cuốn sổ, rồi ghi ngày tháng, nói "Em giữ làm kỷ niệm".

Một thời gian ngắn, Oanh đã nhớ được hết những thói quen của thầy tôi. Có lần hai thầy trò cùng ngồi trong phòng sách, thầy nói cảm ơn tôi vì đã tìm giúp thầy cô bé ngoan quá. Thầy còn đùa "Thầy nghĩ bé Oanh cũng hợp với tính khí nhu mì của con lắm".

Tôi cũng không biết do lời thầy hay cũng là bởi tôi để ý đến em, mà thành ra cảm mến em lắm. Mỗi khi dạy chữ cho em, tôi đều hạnh phúc. Nghe tiếng em gọi anh, rồi khi em tình cờ viết tên tôi cạnh tên em, chẳng hiểu sao tôi sung sướng cả ngày.

"Từ lúc nhìn thấy nhiều sách vở của thầy, em chỉ ước có thể biết chữ được như thầy, như anh, để có thể đọc hết số sách kia". Tôi cười nghĩ em ngây thơ quá. Sách của thầy, đâu phải chỉ cần biết chữ là đọc được đâu.

Từ ngày em học chữ, thầy cũng không để em làm nhiều việc lặt vặt, những gì có thể làm được, phần lớn thầy đều tự làm. Thầy bảo, thầy quý tính ham học của em.

***

Chẳng mấy chốc đã vào những ngày cuối năm. Mỗi lần ghé qua chơi, tôi thấy Oanh hay buồn. Làm việc thường lơ đễnh. Bài vở tôi giao cũng không làm. Gặng hỏi mãi, em mới trả lời. "Em sắp về ăn Tết với cha mẹ, em vui lắm. Nhưng nếu em với anh về quê, thầy sẽ ở đây một mình sao?".

Tôi cười. "Thầy có biết bao nhiêu bạn bè, học trò. Tết là người ta đến chơi chật nhà. Thầy còn chẳng có thời gian tiếp. Em lo làm gì".

Oanh nhìn tôi. "Anh không hiểu gì cả. Bạn bè đến rồi sẽ về. Học trò cũng như anh, qua lại một lúc rồi lại về lo cơm nước nhà mình thôi. Với lại...".

"Sao em không nói nữa?".

"Sao con gái thầy không về ăn Tết với thầy?".

"Thực ra thầy và chị ấy không hợp tính với nhau. Với lại cũng cách xa quá".

Tôi nói vậy cho em yên lòng, nhưng tôi cũng từng rất nhiều lần trách Thu Anh, tại sao không chịu về ăn Tết với thầy. Dù sao, thầy cũng đã chăm sóc cho Thu Anh từ nhỏ. Nhưng Thu Anh viện dẫn đến nhiều lý do, để tránh gặp thầy. Có lẽ cô ấy vẫn còn trách thầy vì đã không dành nhiều thời gian cho người mẹ đã mất của cô.

"Em có thể mời thầy về nhà em ăn Tết không?".

Tôi tròn mắt nhìn Oanh. Ý nghĩ đó quá điên rồ. Tôi đã từng về nhà Oanh. Căn nhà cấp bốn mới chỉ xây gạch, chưa từng có sơn quét gì. Nhà Oanh, ngoài Oanh và bố mẹ, còn có đến bốn đứa em lít nhít. Liệu rằng, một người đã quen sống trong không khí tĩnh lặng, giữa những nền nã của một thời xưa cũ như thầy, liệu có thể ngồi cùng những người trong gia đình Oanh hay không. Tôi không dám nói những điều này với Oanh, vì sợ sẽ khiến Oanh tủi thân, nhưng tôi biết, thầy sẽ không bao giờ chấp nhận điều đó.

"Anh nghĩ thầy không muốn đâu".

Oanh lặng im, như đang suy nghĩ, rồi lúc sao em lại loanh quanh với công việc của mình, mặc cho tôi ngồi đấy với ngổn ngang suy nghĩ.

Chẳng hiểu sao dạo này thầy thường rất ít ở nhà trong khi trời rất lạnh, và sức khỏe của thầy cũng không được tốt. Tôi cũng không qua lại thường xuyên được, vì Tết sắp đến, bài vở rất nhiều. Tôi còn phải lo chuẩn bị đồ đạc về nhà.

Thầy nhờ tôi mua vé tàu cho Oanh, nhưng không thấy nhắc nhở gì đến chuyện Oanh có mời thầy về ăn Tết hay không. Tôi cũng nghĩ có lẽ em chỉ nói vu vơ thế thôi.

Hôm tiễn Oanh về, thầy gửi thêm rất nhiều thùng quà. Thầy bảo chỉ là quà bánh, và sách truyện cho mấy đứa trẻ ở quê. Thầy không phải là người nhiều tiền, nhưng quà bánh, sách vở bạn bè học trò đem biếu rất nhiều. Sách thiếu nhi, thầy gom mua từ rất nhiều nơi, gửi cho lũ trẻ ở quê đọc. Oanh khóc, nói

"Thầy cứ về nhà con đi thầy, thầy đừng ở thành phố một mình buồn lắm".

"Thầy quen rồi".

Thầy thở dài, rồi quay vào trong nhà, để tôi đưa Oanh ra bến tàu.

Suốt đường đi Oanh vẫn khóc.

***

Tôi không biết phải giải thích sao cho em hiểu. Tôi nghĩ thầy tôi không phải là người ưa giao thiệp. Từ ngày là học trò thân thiết rồi thường đi lại, tôi thấy thầy lúc nào cũng kín đáo. Tôi kính trọng thầy vô cùng, nhưng luôn có sự nể sợ trong ấy. Tôi thường đến gặp thầy để xin thầy chỉ dạy chứ chưa từng dám nghĩ sẽ ngồi cùng thầy để mời thầy quê tôi, cùng gia đình tôi.

"Thầy thực sự rất cô độc". Lúc bước lên tàu rồi em vẫn quệt nước mắt mà nói với tôi điều đó.

Suốt đường về, tôi không sao cởi bỏ được suy nghĩ về thầy, về Oanh.

Tôi quyết định rẽ về nhà thầy.

Cửa nhà im lìm, tôi nghĩ thầy đi vắng. Nhưng cửa không khóa, tôi mạnh dạn bước vào. Tôi biết giờ này nếu có thể thầy vẫn chỉ ngồi ở phòng sách, nhưng không, tìm khắp nơi, tôi mới thấy thầy đang ngồi trên phòng thờ. Thầy ngồi đối diện với tấm ảnh cô, nhưng tôi nhớ tro cốt cô, Thu Anh đã mang sang Mỹ. Thầy chỉ còn tấm ảnh xa xưa này. Tôi cảm thấy như thầy không còn ở đây nữa.

Mãi một lúc sau, thầy mới mở mắt ra. Vừa nhìn thấy tôi, thầy có vẻ bất ngờ nhưng thoáng nở một nụ cười.

"Thầy nghĩ con cũng về quê ăn tết rồi"

Tôi vội vàng nói "Thưa thầy, con muốn được mời thầy về nhà ăn Tết cùng con. Con đã gọi điện cho cha mẹ. Cha mẹ rất mong thầy"

Thầy như có vẻ ngỡ ngàng, lại có vẻ như cảm động. Tôi ít khi thấy khuôn mặt thầy như vậy. Rồi mắt thầy nhòe đi, giọng nói nghẹn ngào "Thầy rất mừng, thầy cảm ơn con".

Thầy bảo Oanh có lẽ đêm cũng thường ít ngủ nên hay để ý những khi thầy ngồi một mình ở đây. Có lần đang đêm khi thầy trúng cảm rồi ngất đi, em phát hiện ra ngay, rồi cả đêm không chịu rời giường thầy nửa bước.

"Lúc chuẩn bị về quê ăn Tết, Oanh cứ bảo thầy về nhà con đi, thầy sẽ không phiền lòng gì đâu. Ngày nào con bé cũng nói câu đó, khiến thầy mừng lắm, nhưng nghĩ lại, thầy làm thế lại sợ phiền nhà con bé, phải lo tiếp đón thầy".

"Đón tiếp thầy cũng là vì kính trọng thầy, quý mến thầy".

Sáng hôm sau, tôi chuẩn bị đồ cho thầy rồi hai thầy trò tôi gọi một chiếc taxi về quê. Người lái taxi là học trò cũ ngày xưa lắm của thầy. Thầy đi đâu xa chỉ gọi anh ấy. Ngồi trong xe cùng hai đứa học trò chúng tôi, thầy gần gũi hẳn. Tôi biết tâm tư thầy, những đứa học trò như chúng tôi không thể nào hiểu được, nhưng Oanh nói đúng, chúng tôi chỉ cần một chút gần gũi, một chút cảm thông, và một chút can đảm, để đến gần với thầy thôi.

Ngày ba mươi, mưa bụi lất phất bay, lạnh tê tái, nhưng cây mai vàng nhà tôi nở hoa rộn ràng. Ngồi cùng thầy, nghe tiếng thầy cười trong không gian này, tôi cảm thấy được niềm hạnh phúc ấm áp của thầy, và của mỗi người chúng tôi. Oanh nói cũng phải "Sách vở mấy cũng không sánh được tiếng nói cười của con người".

Tôi trông Oanh líu ríu đọc truyện cho mấy đứa em cùng những đứa trẻ trong xóm, trông cũng rất ra dáng một người lớn rồi. Thỉnh thoảng em quay lại nhìn tôi cười rạng rỡ, như là biết ơn, như là hạnh phúc, như là yêu thương. 

Chia sẻ bài viết