Đồng bào Khmer Nam bộ là một bộ phận không thể tách rời trong cộng đồng dân tộc Việt Nam. Đảng, Nhà nước ta thực hiện nhiều chính sách phát huy bản sắc văn hóa, trong đó có việc bảo tồn lễ hội văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer Nam bộ luôn được coi trọng. Lễ hội truyền thống là hiện tượng lịch sử, văn hóa có mặt từ lâu đời và có vai trò không nhỏ trong đời sống xã hội người Khmer, thể hiện đời sống vật chất, tinh thần của cộng đồng.
Không gian chùa Khmer trong lễ hội truyền thống. Ảnh: NP
Nguồn gốc hình thành lễ hội truyền thống của người Khmer Nam bộ trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam dựa trên sự thích nghi từ sớm với thiên nhiên, dựa vào dòng chảy của các con sông tạo nên những đồng bằng rộng lớn, màu mỡ thuận lợi cho hoạt động sản xuất nông nghiệp mà nổi bật là cây lúa nước. Cùng với đó, kết hợp đặc trưng khu vực nhiệt đới gió mùa hình thành hai mùa rõ rệt, đã tạo tập quán sinh hoạt sản xuất và hoạt động lễ hội tương ứng với thiên nhiên. Việc sớm thích nghi văn hóa, tôn giáo của Ấn Độ, trong đó Bà Là Môn giáo và Phật giáo cùng với những tích truyện về đạo lý, được dung nạp có chọn lọc trong văn hóa bản địa tạo nên bản sắc rất riêng của người Khmer Nam bộ.
Lễ hội truyền thống hàm chứa giá trị văn hóa dân gian với quan niệm vạn vật hữu linh, phản ánh tính chất đặc thù của nền văn minh lúa nước, gắn chặt với tự nhiên. Trong đó, thiên nhiên vừa là nơi che chở, vừa là nơi nuôi dưỡng sự sống của con người. Bên cạnh sự gần gũi, tôn trọng tự nhiên, con người cũng bao hàm nỗi lo sợ trước những hiện tượng tự nhiên bất thường. Do vậy khởi đầu của năm mới bằng tục cầu mưa, mong mỏi một năm mưa thuận gió hòa và trước khi thu hoạch mùa màng, người Khmer tổ chức lễ cúng trăng để tạ ơn và cầu mong thần mặt trăng được vụ mùa bội thu, cuộc sống no ấm. Vào các dịp tết Chôl Chnăm Thmây, lễ Bân phchum bân-Sen Đôn Ta và lễ Ok-Om-Bok, người Khmer từ già đến trẻ vẫn duy trì sinh hoạt văn hóa cộng đồng, lễ chùa kính Phật - Pháp - Tăng là tam bảo trong văn hóa Phật giáo thiêng liêng. Qua đó tạo tâm thế an bình của người đi lễ, đồng thời ước vọng những điều may mắn, tốt đẹp cho mọi người.
Theo thời gian lễ hội truyền thống vẫn thu hút và lôi cuốn cộng đồng, do hội tụ nhiều giá trị tốt đẹp trong cuộc sống. Trong đó giá trị cốt lõi là hướng về nguồn cội, quê hương, xóm làng, tổ tiên, văn hóa... Giá trị này vẫn được tiếp tục duy trì thông qua các tết Chôl Chnăm Thmây với hình ảnh cháu con thành kính tắm ông bà cha mẹ sạch sẽ với cầu mong những điều không lành sẽ được gột rửa và điều tốt lành sẽ đến; hay lễ OK-Om-Bok người lớn tuổi làm chủ buổi lễ đút cốm dẹp cho trẻ em và hỏi những điều mong muốn trong tương lai của trẻ; đối với người đã khuất, cộng đồng Khmer thực hành các buổi cầu siêu tập thể trong ngôi chùa, các mộ tháp lẻ để thể hiện lòng biết ơn đối với các bậc tiền nhân có công với cộng đồng dân tộc và đất nước.
Phục dựng lễ cưới truyền thống của đồng bào Khmer. Ảnh NP
Lễ hội truyền thống được thể hiện qua lời các vị sư hay A Cha. Các hoạt động lễ Phật, dâng cơm sư độ, cầu phước, cầu an và cầu siêu trong lễ hội được cộng đồng Khmer Nam bộ duy trì thực hiện trong không gian văn hóa chùa, gia đình và cộng đồng phum sóc. Mỗi hoạt động đều thấy được tinh thần chung, tự ý thức, trách nhiệm của cá nhân với cộng đồng với niềm tin sự lạc quan vào những điều tốt đẹp trong tương lai. Lễ hội thể hiện sức mạnh tập thể, họ cùng làm lễ cầu mong ấm no hạnh phúc. Lễ hội không chỉ là tấm gương phản chiếu chân thực về nền văn hóa, mà còn là môi trường bảo tồn, làm sâu sắc và phát huy tính tích cực của văn hóa truyền thống. Những hành động, lời nói của những vị sư, các vị A Cha và các nghi thức lễ được tiến hành đã trở thành bảo tàng sống động về văn hóa được lưu giữ, sáng tạo và trao truyền; góp phần tạo nên nền văn hóa đa dạng phong phú của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, lễ hội truyền thống có sự tự thích ứng, biến đổi phù hợp với thực tế. Thế nhưng ý nghĩa tốt đẹp của lễ hội là bất biến. Các chính sách bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa lễ hội của Đảng và Nhà nước ta đã và đang tạo nên bản sắc văn hóa đậm đà của dân tộc Việt Nam. Đồng thời, phát huy được vai trò, sức sống lễ hội truyền thống trong cuộc sống hiện tại của người Khmer Nam bộ.
Sơn Chanh Đa