06/09/2015 - 09:22

Sức mạnh Việt Nam và những chuyện từ sách Trung Quốc

Đức Nguyễn

Thực tế lịch sử cho thấy mỗi lần Trung Quốc xua quân xâm lấn Việt Nam, họ đều phải nhận lấy thất bại. Thắng trận, nhưng các triều đại phong kiến Việt Nam luôn thể hiện sự hòa hiếu bằng cách tỏ ra nhún nhường thần phục nước lớn để giữ yên bờ cõi, nhân dân vui hưởng cảnh thái bình. Dù vậy, biên cương, bờ cõi nước ta ít khi bình yên lâu dài bởi nước lớn luôn ôm mộng bá vương. Các học giả Trung Quốc qua học hỏi từ thực tế, nghiên cứu và phân tích sâu từng vấn đề, đã chỉ ra rằng, "Nước An Nam cách nước Trung Quốc mấy ngàn dặm. Bề ngoài tuy có tiếng là chịu hiệu lệnh Trung Quốc, nhưng sự thực là tự xưng Hoàng đế của một nước, như là tự đặt niên hiệu riêng, tự đặt pháp luật riêng, rồi chia nước ra làm mấy đạo, cũng như các tỉnh của Trung Quốc vậy" (Kiên biều dư tập của Chử Giá Hiên).

Sức mạnh Việt là sức mạnh của sự đoàn kết, của ý chí, của chính nghĩa. Điều này không chỉ thể hiện trong sử sách của Việt Nam mà còn cả trong sử sách Trung Quốc. Lần giở lại những trang sử, Trần Cương Trung sang sứ nước ta vào đời Vua Trần Nhân Tông với tư cách Chánh sứ nhà Nguyên. Lúc ấy Nam- Bắc vừa trải qua một cuộc chinh chiến. Do đại bại thảm hại nên sứ đoàn Trung Quốc đến nước ta vẫn còn lo sợ. Trong cuốn Sứ Giao Chu tập, vẫn còn ghi lại bài thơ Cảm sự của Chánh sứ Trần Cương Trung làm sau khi đi sứ nước ta về. Thơ rằng (đã dịch):

Ngẫu nhiên xin được quãng dây neo

Lệnh xuống Nam Châu [Việt Nam] một cánh vèo

Muôn dặm Thượng lâm [vườn ngự] không nhạn tới,

Ba canh Hàm Cốc [quan ải] có gà kêu!

Lòng son cảm thấy thanh gươm loáng,

Tóc bạc hòa theo tiếng trống reo!

May được khi về thân vẫn mạnh,

Giật mình còn tưởng chướng hồn trêu!

Dịch giả Phạm Vũ, Lê Hiền chú giải: Quãng dây neo, theo sách Hán ký, thời vua Vũ Đế, Trung quân Tề Nam tự xin với Thiên tử cho được quãng dây dài để "buộc cổ vua Nam Việt lôi về dâng trước cửa khuyết". Khi Trung quân đến nước Nam Việt thuyết hàng, vua Việt vì không muốn chiến tranh nên đành phải theo lời, xin làm thuộc quốc. Đây là hai câu đề quá xấc xược, thể hiện sự tự tin đến hồ đồ của sứ thần trước khi sang nước ta. Nhưng cảm xúc ấy đã thay đổi qua hai câu thực tiếp theo, tả cảnh dọc đường (câu trên tả ban ngày, câu dưới tả ban đêm), do trong lòng e ngại, cho nên cảm thấy thê lương! Cặp câu luận tả khi vào thành, trông thấy gươm giáo trưng bày loang loáng, và nghe thấy tiếng trống đồng vang động, lại liên tưởng đến trận thua vừa qua mà phát hoảng! Hai câu kết, sau khi đã về tới nước, sứ thần vẫn còn kinh hãi!

Qua bài thơ này, chúng ta có thể tưởng tượng khí thế hiển hách của triều Trần, rung động cả nước Trung Hoa, đến bậc thượng lưu như Trần Cương Trung mà còn kinh hãi như vậy. «Chỉ nghe tiếng trống đồng của ta vang lên trong đêm mà tóc y vốn đang xanh, phải bạc trắng ra – «Đồng cổ thanh trung bạch phát sinh » (Lê Quý Đôn, Kiến văn tiểu lục, tr. 245).

Thú vị là họ cũng học ta. «Tống sử» chép: Thái Duyên Khánh, là Tri châu ở đất Hoạt, thường học được phép tổ chức quân đội của An Nam, xin bắt chước quy chế, chia ra từng bộ phận. Chia Chính binh, Cung tiền phủ, Nhân mã đoàn làm 9 phủ. Hợp trăm đội, chia ra làm tả, hữu, tiền, hậu, bốn bộ. Mỗi đội có trú chiến (đóng quân để đánh), thác chiến (đi đánh), khác nhau. Tướng nào cũng có lịnh bộ, quân kỷ, khí giới; chỉ lấy nhân, mã phiên binh mà phân biệt. Tất cả đều tùy chỗ đóng mà chia. Số chư tướng không bằng nửa số chính binh. Còn về sự kềm chế, thì cho quân già yếu ở thành trại, tùy xa gần mà chia giữ, không cho binh Phiên và binh Hán ở lẫn với nhau, cho khỏi sinh biến. Vua Thần Tông nhà Tống khen mãi.

Ấy binh pháp của nhà Lý nước ta được triều Tống bên Trung Quốc bắt chước.

Có thể nói, dù ra sức tìm hiểu, quấy phá đồng bộ các lĩnh vực kinh tế, chính trị, quân sự,… song chưa bao giờ lân bang có thể chiến thắng sức mạnh vốn được tạo nên từ sự thông minh, kiên cường, dũng cảm và tinh thần đoàn kết, yêu nước của người Việt Nam.

Chia sẻ bài viết