Thuật ngữ "anime"- phim hoạt hình Nhật Bản- đang ngày càng trở nên quen thuộc với khán giả trên toàn thế giới. Anime góp phần tạo nên nét văn hóa phổ thông đặc trưng của Nhật Bản. Tuy có nguồn gốc từ manga (truyện tranh) và được coi là sản phẩm "sinh sau đẻ muộn" so với manga nhưng anime đang ngày càng chứng tỏ được sức hấp dẫn của nó. Những tác phẩm anime chinh phục người xem ở mọi lứa tuổi, mọi quốc gia.
Bất chấp sự cạnh tranh của các phim hoạt hình đến từ Hollywood, sao chép lậu, sức hút của anime ngày càng lớn. Điển hình, bộ phim "Stand By Me Doraemon" đã thu về gần 100 triệu USD doanh thu tại các thị trường ngoài Nhật Bản. Bất ngờ hơn, tại thị trường rất nhỏ như Hồng Công, phim cũng thu được 5 triệu USD. Tại Trung Quốc, đây là anime đầu tiên được phát hành sau 3 năm cấm vận và thu về 86,9 triệu USD. Hay "Dragon Ball Z: Resurrection F"- phần thứ 19 trong sê-ri phim "Dragon Ball Z"- cũng rất thành công tại thị trường quốc tế. Năm 2013, "Dragon Ball Z: Battle of Gods" thu về 50 triệu USD, trong đó có đến 40% doanh thu đến từ các thị trường ngoài Nhật Bản. Dĩ nhiên, "Dragon Ball Z: Resurrection F" dễ dàng vượt qua doanh thu trên khi được phát hành tại 74 quốc gia, vùng lãnh thổ.
 |
Cảnh trong phim “Stand By Me Doraemon”. |
Không thể phủ nhận sức hấp dẫn của anime khi mỗi tác phẩm luôn làm cho hàng triệu khán giả phải háo hức, trông chờ. Điều gì làm nên sức hút mãnh liệt ấy? Trước tiên, anime thay đổi hoàn toàn khái niệm phim hoạt hình. Ở phương Tây và cả ở Việt Nam, khi nhắc đến phim hoạt hình, mọi người đều nghĩ đó là sản phẩm giải trí dành cho trẻ em. Còn đối tượng của anime là mọi lứa tuổi. Không lệ thuộc vào quy tắc "phim hoạt hình chỉ dành cho trẻ em", chủ đề mà anime truyền tải rộng hơn và mang chứa đựng nhiều vấn đề của người trưởng thành. Vì vậy, tuyến nhân vật thường thay đổi theo sự phát triển của cốt truyện. Chẳng hạn, trong "Dragon Ball", khán giả dõi theo các nhân vật từ lúc còn nhỏ đến khi lớn lên, có gia đình, và họ háo hức chờ đợi từng tập phim với sự biến đổi về sức mạnh của nhân vật. Điều này không giống với phim hoạt hình của các quốc gia khác, khi mà nhân vật được mặc định một tính cách bất biến.
Thêm vào đó, anime luôn có sự phá cách. Không chỉ gói gọn trong văn hóa Nhật Bản, những nhà sản xuất còn sử dụng anime để miêu tả nhiều nền văn hóa khác. Dường như khoảng 10 năm, anime lại khoác lên mình những "bộ cánh" mới. Thập niên 1960 là "Astro Boy", những năm 1970 là "Doraemon" và "Candy Candy", thập niên 1980 là thời đại của "Gundam" và những năm 1990 là "Evangelion", "Cowboy Bebop" cùng "Mononoke Princess". Từ những khuôn mẫu vốn có, anime được chuyển hóa và thay đổi để tạo nét riêng cho mình. Nhu cầu xã hội liên tục thay đổi, những nhà sản xuất cũng chủ động chuyển mình. Từ nội dung đến cách sản xuất, anime luôn phá cách để tạo nên sự mới lạ, hấp dẫn.
Cái hay nữa của anime là bối cảnh có thể siêu thực nhưng tình huống mà các nhân vật trải qua lại cực kỳ thực tế. Sự kết hợp giữa cái "thực" và "không thực" giúp người xem vừa được thả mình trong trí tưởng tượng, vừa có thể liên tưởng các nhân vật với chính bản thân. Các nhà sản xuất đã sử dụng thủ pháp này để truyền tải những bài học sâu sắc về cuộc sống, khiến khán giả phải phân tích và suy ngẫm.
Hình ảnh đẹp, nội dung hấp dẫn lồng ghép nhiều bài học sâu sắc và ý nghĩa, luôn thay đổi làm nên điều khác biệt, tạo bản sắc riêng- đó là những điểm thu hút khiến anime có thể chinh phục khán giả ở nhiều độ tuổi, đến từ nhiều nền văn hóa, nhiều quốc gia khác nhau trên toàn thế giới.
Duyên Khánh (Theo Hollywood Repoter, JapanTimes)