30/04/2012 - 21:26

Sức bật của vùng đất chín rồng

Sau 10 năm (2001-2010) thực hiện Nghị quyết 21 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh quốc phòng, vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trên nhiều lĩnh vực. Trong 4 ngày diễn ra Triển lãm- hội chợ thành tựu 10 năm xây dựng và phát triển ĐBSCL, cùng các chuỗi sự kiện và lễ hội đặc sắc, thì hình ảnh ĐBSCL phát triển được thể hiện sắc nét, thu hút sự quan tâm của các cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế cùng nhiều đối tác và du khách trong và ngoài nước...

* Ấn tượng thành tựu 10 năm

Khách tham quan gian hàng triển lãm Nông nghiệp tại Triển lãm - Hội chợ 10 năm xây dựng và phát triển ĐBSCL.

Trong 10 năm, được sự quan tâm chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí Thư, Chính phủ và đặc biệt là sự đồng lòng, quyết tâm của toàn hệ thống chính trị, nhân dân vùng ĐBSCL cụ thể hóa Nghị quyết 21 đã tạo chuyển biến tích cực, góp phần tích cực vào công tác an sinh xã hội cho vùng. An Ninh quốc phòng được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. ĐBSCL gồm TP Cần Thơ và 12 tỉnh từ Long An đến Cà Mau, có vị trí chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Với mức đóng góp khoảng 20% GDP của cả nước, đây là vùng sản xuất nông nghiệp, thủy sản hàng hóa lớn nhất nước ta có diện tích tự nhiên gần 4 triệu ha, diện tích đất nông nghiệp đang sử dụng 3 triệu ha, hằng năm sản xuất hơn 50% sản lượng lúa, 90% lượng gạo xuất khẩu, cung cấp 70% lượng trái cây, 52% lượng thủy sản. Đặc biệt, cung đến 80% lượng tôm xuất khẩu, toàn vùng đã đóng góp khoảng 60% kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, đến năm 2010 tốc độ tăng trưởng bình quân của vùng đạt 11,7%/năm, so năm 2001 chỉ 7%/năm; giá trị sản xuất, qui mô nền kinh tế tăng 3,5 lần; xuất khẩu đạt trên 8 tỉ USD; thu nhập bình quân đầu người tăng 2,5 lần; thu ngân sách tăng gần gấp 6 lần... Thành tựu trong phát triển nông nghiệp trong 10 năm qua, các nhà khoa học đã cùng sát cánh với người dân nghiên cứu sản xuất ra các giống lúa chất lượng đạt hiệu quả năng suất cao; nhiều loại trái cây đặc sản đang được nhiều thị trường xuất khẩu ưa chuộng. Đặc biệt là sự sáng tạo, cải tiến máy móc thiết bị phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Trong phát triển hạ tầng giao thông, hệ thống giao thông huyết mạch trục chính, trục dọc, trục ngang, sân bay, cảng biển, cảng sông đã được đầu tư mới, nâng cấp như: Sân bay Quốc tế Cần Thơ, nâng cấp tuyến Quốc lộ 1A, đường cao tốc Sài Gòn - Trung Lương, các cầu vượt sông lớn như cầu Cần Thơ, Rạch Miễu, Hàm Luông, Đầm Cùng; đầu tư tuyến Nam Sông Hậu, Quản lộ - Phụng Hiệp và hoàn thành nhiều tuyến quốc lộ khác qua các tỉnh trong vùng làm thay đổi nhanh diện mạo đô thị và nông thôn, bước đầu đáp ứng nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa, cải thiện điều kiện sống của nhân dân.

Trên lĩnh vực y tế, giáo dục có bước phát triển đáng kể, hình thành Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ và nhiều cơ sở y tế của các địa phương; trường lớp, đội ngũ giáo viên được chuẩn hóa, xóa lớp học 3 ca; Trường Đại học Cần Thơ trở thành trường trọng điểm của vùng. Công tác dạy nghề gắn với giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động, xóa đói giảm nghèo, đáp ứng nhu cầu lao động xã hội có nhiều tiến bộ đáng ghi nhận. Xét ở góc độ tạo dựng môi trường đầu tư, thời gian qua, các chính quyền địa phương trong vùng luôn thể hiện sự năng động, sáng tạo trong điều kiện có thể được, luôn vận dụng cơ chế chính sách để tăng cường khuyến khích, thu hút đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh của chính quyền và doanh nghiệp, tạo ra môi trường đầu tư hấp dẫn hơn với chỉ số năng lực cạnh tranh của 13 tỉnh, thành đều xếp trong nhóm từ rất tốt, tốt hoặc khá. Bên cạnh đó, nhiều nghiên cứu khoa học, nghiên cứu ứng dụng khoa học vào sản xuất và đời sống được chú trọng. Trong đó, Viện lúa ĐBSCL, Viện cây ăn quả Miền Nam đóng vai trò hết sức quan trọng cho sự phát triển sản xuất lúa, cây ăn trái của vùng và cả nước.

Tại Triển lãm- Hội chợ thành tựu 10 năm xây dựng và phát triển ĐBSCL, những thành tựu ấn tượng của khu vực được thể hiện khá rõ nét. Sự tham gia của 480 đơn vị, doanh nghiệp với 1.200 gian hàng đã tái hiện những thành tựu to lớn đó của vùng. Trong đó, 400 gian hàng dành giới thiệu thành tựu của các địa phương, đơn vị như: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Quốc phòng, TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Đắc Lắc và 13 tỉnh, thành Tây Nam bộ; triển lãm ngành, nghề truyền thống của các dân tộc Kinh, Hoa, Khmer, Chăm với 16 làng nghề truyền thống. Khu hội chợ hoành tráng với 800 gian hàng của các doanh nghiệp trong và ngoài nước với các lĩnh vực; viễn thông, hàng không, ngân hàng, xe hơi, phụ tùng xe gắn máy, thiết bị y tế, dược phẩm, mỹ phẩm, thiết bị giáo dục, trang trí nội thất, vật liệu xây dựng. Điểm nhấn trong khuôn khổ triển lãm hội chợ là việc tổ chức thành công 2 hội nghị và 3 hội thảo chuyên đề nhằm nắm rõ thực trạng, định hướng, đề xuất các giải pháp thúc đẩy, phát triển ĐBSCL trong thời gian tới.

* Vì ĐBSCL phát triển

Chung sức vì một ĐBSCL phát triển, đó là mục tiêu mà các địa phương, đơn vị đã nhận thức đúng đắn tầm quan trọng của lễ hội và trách nhiệm tham gia của mình vào công tác chuẩn bị triển lãm- hội chợ, nên đã có sự quan tâm chỉ đạo, đặc biệt là sự hỗ trợ của 24 đơn vị tài trợ đã góp phần tạo sự thành công tốt đẹp của kỳ hội chợ. Sau chuỗi sự kiện của khuôn khổ hội chợ, Ban tổ chức đã tập hợp được 178 danh mục dự án trọng điểm kêu gọi đầu tư của các địa phương với số vốn trên 171 ngàn tỉ đồng và trên 1,5 tỉ USD để giới thiệu cho các tập đoàn, doanh nghiệp trong nước tìm hiểu đầu tư. Năm 2012, các tỉnh đã vận động 7.000 tỉ đồng cho công tác an sinh xã hội. Qua triển lãm- hội chợ, các nhà tài trợ còn bàn giao 130 căn nhà tình thương cho hộ nghèo, đồng bào dân tộc, trị giá mỗi căn 30 triệu đồng.

Từ những kết quả thành công của Triển lãm - Hội chợ, đồng chí Nguyễn Phong Quang, Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo Tây Nam bộ, nhận định: “Chúng ta nhận thức sâu sắc rằng, những thành tựu kể trên là đáng trân trọng. Từ những thành tựu nổi bật của vùng, đây là dịp để chúng ta khẳng định tính đúng đắn của Nghị quyết 21. Đây còn là dịp để các địa phương, doanh nghiệp giới thiệu tiềm năng, thế mạnh của mình, kêu gọi đầu tư, hợp tác phát triển, quảng bá tôn vinh sản phẩm chất lượng cao, vận động các thành phần kinh tế, các tổ chức cá nhân trong và ngoài nước tạo ra nguồn lực mạnh mẽ để ĐBSCL tiếp tục phát triển nhanh và bền vững”. Tuy nhiên, đồng chí Nguyễn Phong Quang cho rằng vùng vẫn còn đó những mặt yếu kém, tồn tại do khách quan cũng như chủ quan như tiềm năng, thế mạnh riêng của ĐBSCL chưa khai thác ổn định, tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng và lũ lụt liên tiếp xảy ra trong những năm qua; qui mô công nghiệp nhỏ, giá trị gia tăng thấp; thiếu cơ chế, chính sách đặc thù riêng cho vùng... Để ĐBSCL phát triển toàn diện và bền vững rất cần sự chung sức của các địa phương, sự quan tâm đầu tư của các bộ, ngành Trung ương trong huy động các nguồn lực giải quyết những yếu kém về hạ tầng kinh tế- xã hội cho vùng. Ban chỉ đạo Tây Nam bộ sẽ phát huy vai trò đầu mối của vùng để kết nối liên kết vùng, liên kết với các vùng khác trên cả nước, khu vực đưa ĐBSCL phát triển nhanh hơn, xứng đáng là vùng kinh tế trọng điểm cả nước.

Bài, ảnh: NAM HƯƠNG

Chia sẻ bài viết