16/12/2018 - 09:37

Sự thay đổi của thị trường điện ảnh Hollywood 

Phòng vé ngày càng biến động, nhất là từ khi có sự xuất hiện của dịch vụ video trực tuyến theo yêu cầu tại nhà. Vấn đề về phát hành phim lại một lần nữa được đặt ra trong cuộc chiến giữa các hãng phim, các rạp với các nhà phát hành trực tuyến.

Tranh cãi

Trước đây, hệ thống các rạp và các hãng phim đã có sự thỏa thuận “bất hành văn” về thời gian phim xuất hiện độc quyền tại các rạp. Trên cơ sở này, mức hạn cho phim chiếu độc quyền ở rạp là 90 ngày trước khi được bán ra với các phiên bản khác. Thế nhưng, dịch vụ video trực tuyến theo yêu cầu tại nhà đang phát triển mạnh mẽ và trở thành môi trường phát hành phim khó bỏ qua, với xu hướng ngày càng mở rộng. Thống kê thực tế cho thấy, giá vé xem phim ở Mỹ có mức trung bình là 9,14 USD/vé, trong khi thuê bao Netflix là 11 USD/tháng, Hulu là 8 USD/tháng, Amazon là 8,99 USD/tháng. Hiện nay, 21% người Mỹ thường chi 10 USD/tháng hoặc ít hơn cho vé xem phim, 19% đi xem phim một lần/tháng, khoảng 1% người Mỹ sẽ đi xem phim mỗi ngày. Song song đó, khi đến rạp xem phim, ngoài tiền vé, khán giả sẽ phải chi thêm cho các dịch vụ đi kèm. Điều đó lý giải cho số lượng người dùng dịch vụ trực tuyến tại nhà đã tăng rất nhanh. Cụ thể, chỉ riêng Netflix, tính đến tháng 10-2018, tại Mỹ đã có gần 58,5 triệu người dùng, chiếm 42,7% tỷ lệ người dùng toàn cầu của Netflix. Amazon, Apple, Hulu… đang không ngừng mở rộng dịch vụ.


Dịch vụ video trực tuyến của Netflix cho phép người dùng lựa chọn phim theo sở thích với chi phí phù hợp.

Trước thực tế này, các hãng phim cho rằng họ cần ra mắt sản phẩm trên các nền tảng giải trí tại nhà sớm hơn. Điều này không chỉ đối phó với nạn vi phạm bản quyền, mà còn giảm kinh phí cho các chiến dịch quảng cáo, tiếp thị đắt đỏ khi phim ra mắt ở các rạp chiếu. Đây cũng là cách tiếp cận nhiều khán giả hơn, nhằm tăng doanh thu lợi nhuận. Thế nhưng các rạp lại không đồng tình với yêu cầu trên, bởi thời gian chiếu độc quyền ngắn hơn sẽ ảnh hưởng đến doanh thu bán vé. Quan trọng hơn, việc này khuyến khích khán giả bỏ rạp để đợi đến khi có thể thuê hoặc mua phim tại nhà, khiến các rạp không chỉ sụt giảm doanh thu mà còn thất thu từ các dịch vụ đi kèm.

Mâu thuẫn trên đã được các hãng phim và những chuỗi rạp lớn bàn luận qua nhiều cuộc gặp gỡ và gần như đi đến thỏa thuận vào năm 2017. Theo đó, các hãng phim có thể rút ngắn thời gian độc quyền ra rạp của tác phẩm, đổi lại các rạp chiếu sẽ có phần trăm lợi nhuận từ việc thuê hoặc mua các phim trong khoảng thời gian này. Thỏa thuận đã được sự nhất trí của nhiều đơn vị lớn, gần như sẽ được triển khai, nhưng đã bị đình trệ vì một số vấn đề phát sinh. Disney - đơn vị vốn không tham gia vào cuộc thảo luận, bất ngờ quyết định thu mua 21th Century Fox và sẽ sở hữu đến 40% thị phần ở Mỹ. Đến lúc này, quyết định của Disney sẽ ít nhiều ảnh hưởng lớn những thống nhất trước đó. Thực tế, Disney lựa chọn đứng ngoài cuộc với những chiến lược riêng. Trong khi đó, Warner Bros. - đơn vị ủng hộ giảm thời gian chiếu độc quyền, phải đối phó với những vấn đề nội bộ cấp bách trong thời gian chờ công ty mẹ là Time Warner được bán cho AT&T.

Xu thế thị trường tất yếu

Việc thu mua 21th Century Fox của Disney có lợi cho các chủ hệ thống rạp với cách kinh doanh truyền thống. Các chủ rạp tin rằng nếu thời gian độc quyền được đem ra bàn luận lần nữa, họ sẽ ở “chiếu trên”, bởi Disney vẫn thừa nhận luật cũ. Disney đã bỏ ngỏ để Fox Searchlight - hãng phim độc lập của công ty, tiếp tục ra mắt các phim ở rạp theo quy trình. Ông John Fithian - Chủ tịch Hiệp hội Các chủ sở hữu rạp chiếu phim quốc gia của Mỹ, nói: “Ra mắt phim qua các nền tảng giải trí tại nhà cũng ổn thôi, nhưng chúng tôi mong những phim chất lượng có cơ hội đạt doanh thu phòng vé cao vẫn tiếp tục được ra mắt tại rạp chiếu phim. Chúng tôi tin rằng Disney sẽ tôn trọng thời gian chiếu độc quyền”. Ở phía khác, Universal và Warner Bros. có những lý do riêng cho việc yêu cầu rút ngắn thời gian độc quyền. Cả hai ông lớn này đều bảo vệ quan điểm rút ngắn thời gian chiếu độc quyền và Warner Bros. mong muốn cuộc thảo luận sẽ sớm diễn ra trong năm 2019.

Dịch vụ video trực tuyến trả tiền tại nhà vốn chỉ được xem là thị phần nhỏ, thường bị các hãng và các rạp tẩy chay, cụ thể là Netflix luôn bị ép đến chân tường. Các phim của Netflix thường bị các giải thưởng lớn quay lưng, đỉnh điểm là Netflix buộc phải rút các tác phẩm khỏi Liên hoan phim quốc tế Cannes vào tháng 5 vừa qua. Tuy nhiên, trước sự phát triển và lan tỏa không ngừng của Netflix, sau đó là Amazon, Apple, Hulu, YouTube… thì các hãng phim bắt đầu gia nhập phân khúc thị trường này. Disney đang có một chiến lược phát triển dịch vụ phát trực tuyến mang tên Disney+, dự kiến sẽ ra mắt vào năm 2019. Theo đó, Disney+ không chỉ sở hữu độc quyền những phim thương hiệu Disney, mà còn có những tác phẩm kinh phí cao, phim anh hùng. Disney hướng tới quyền chủ động ở cả thị trường truyền thống lẫn thị phần trực tuyến. AT&T cũng chạy đua để triển khai dịch vụ phát trực tuyến mang tên WarnerMedia, sẽ ra mắt vào năm 2019.

Netflix sẽ không còn giữ thế độc quyền thị trường trực tuyến như trước kia, còn các hãng phim cũng không quá phụ thuộc vào các rạp về doanh thu khi đã có dịch vụ trực tuyến riêng. Điều này dự báo về sự thay đổi của ngành công nghiệp điện ảnh và truyền hình theo xu thế chủ động, hướng đến quyền lợi của khán giả khi người xem được lựa chọn theo sở thích, tình hình tài chính.

Bảo Lam (Tổng hợp từ Variety, Boxofficemojo, Nytimes)

Chia sẻ bài viết